Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục “quản” room tín dụng

DIỄM NGỌC 10/09/2021 04:30

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ giao các đơn vị chức năng nghiên cứu, đánh giá tác động và khả năng áp dụng việc điều hành tín dụng bằng quản lý hệ số an toàn vốn trong thời gian tới.

Trước tình hình tăng trưởng tín dụng trong tháng 8 không quá tích cực do tác động của dịch COVID-19 và giãn cách xã hội kéo dài. Cuối năm nay cũng như đầu năm sau, tiếp tục là thời điểm doanh nghiệp trên cả nước gặp nhiều khó khăn hơn nữa và cần nguồn vốn – huyết mạch để duy trì hoạt động. Về vấn đề này, nhiều ngân hàng thương mại, các chuyên gia kinh tế và một số Đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến, mong muốn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ nới “room” tín dụng nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp.

tín dụng ngân hàng là nguồn cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, có vai trò và sứ mệnh quan trọng (ảnh: Internet)

Tín dụng ngân hàng là nguồn cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, có vai trò và sứ mệnh quan trọng (ảnh: Internet)

Có ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải kiểm soát việc cho vay bằng room tín dụng nếu các ngân hàng đáp ứng được những điều kiện như: tính thanh khoản, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) không quá 80%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn không quá 37%. Cuối cùng, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) phải đạt mức tối thiểu 8%. Mặt khác, NHNN có thể kiểm soát tăng trưởng tín dụng thông qua các công cụ khác như tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn,... thay vì sử dụng áp trần tín dụng.

Theo nhận định của một số tổ thức quốc tế, mới đây nhất như Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng Việt Nam nên dỡ bỏ dần trần tăng trưởng tín dụng đồng thời nới lỏng quy định về trần lãi suất huy động và cho vay nhằm cải thiện tính hiệu quả chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường.

Còn hãng xếp hạng Moody's cũng đánh giá hiệu quả chính sách tiền tệ của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực do NHNN kiểm soát chính sách tiền tệ thông qua đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng và đặt trần lãi suất cho vay và tiền gửi.

Trước đề này, NHNN cho biết, sẽ giao các đơn vị chức năng nghiên cứu, đánh giá tác động và khả năng áp dụng việc điều hành tín dụng bằng quản lý hệ số an toàn vốn, đảm bảo việc điều hành tín dụng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng vẫn giữ vững an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại.

Tại một cuộc họp báo hồi giữa năm, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã nhấn mạnh, tín dụng ngân hàng là nguồn cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, có vai trò và sứ mệnh quan trọng, trong khi ở các nước khác, nguồn cung ứng vốn đến từ nhiều thị trường khác như chứng khoán và trái phiếu.

“Vì vậy, trần tín dụng là giải pháp điều hành quan trọng của NHNN thời gian qua, góp phần quản lý chất lượng tín dụng. Nếu không quản lý tốt việc tăng trưởng một cách hài hòa, hợp lý, các ngân hàng tăng trưởng tín dụng ồ ạt, không kiểm soát được thì nợ xấu có nguy cơ tăng mạnh. Tuy nhiên, phương thức áp trần tín dụng có thể thay đổi trong tương lai, trong điều kiện thị trường phát triển, vốn đầu tư trung và dài hạn được giải ngân ở thị trường tài chính, không phải huy động vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn như hiện nay ", Phó Thống đốc nói.

Đến cuối tháng 7, dư nợ ngành lúa gạo tại ĐBSCL đạt 74.139 tỷ đồng, tăng 15,45%, chiếm 51,25% dư nợ lúa gạo toàn quốc (ảnh:VTV)

Nông nghiệp và cụ thể là lúa gạo, là một trong những ngành đang được NHNN yêu cầu các ngân hàng triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ, gỡ khó (ảnh:VTV)

Cách đây 10 năm, khi bắt đầu áp dụng room tăng trưởng tín dụng phân bổ hàng năm cho các ngân hàng, đây cũng là lúc ngành ngân hàng phải tái cấu trúc mạnh mẽ, phân nhóm để xác định sức khoẻ của từng ngân hàng. Từ đó cũng trở thành cơ sở cho NHNN phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm, dựa trên chất lượng tài sản, quy mô hoạt động của từng ngân hàng.

Đến nay, thực trạng các ngân hàng vẫn có sự khác biệt lớn về tầm vóc, quy mô và mức độ rủi ro. Cũng có thể có lo ngại rằng, nếu không quy định mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng thì sẽ dẫn đến chạy đua lãi suất, đẩy mặt bằng lãi suất lên cao, gây khó cho nền kinh tế. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất trong cả hệ thống và nền kinh tế có tăng lên hay không lại phụ thuộc cuối cùng vào chính sách tiền tệ của NHNN.

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia tài chính cho biết, câu chuyện room tín dụng cho các ngân hàng đến nay vẫn là vấn đề còn nhiều trăn trở, khi đứng ở các góc nhìn khác nhau. NHNN luôn muốn quản lý nhằm kiểm soát rủi ro, ngân hàng muốn dồi dào tín dụng để gia tăng lợi nhuận, còn phía doanh nghiệp cũng muốn được tiếp cận các nguồn vốn dễ dàng hơn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Giả sử như vừa qua, thực trạng giãn cách xã hội dày đặc tại các tỉnh phía Nam và nhiều tình là trọng yếu về kinh tế khiến chuỗi sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu hàng hoá bị đứt gãy, trong đó có ngành lúa gạo. Doanh nghiệp, khó thu mua, vận chuyển lúa gạo, vốn không được quay vòng nên phải tăng nhu cầu thu mua, tạm trữ. Các số liệu cho thấy, đến cuối tháng 7, dư nợ ngành lúa gạo tại ĐBSCL đạt 74.139 tỷ đồng, tăng 15,45%, chiếm 51,25% dư nợ lúa gạo toàn quốc.

Như vậy, khi các ngân hàng cạn kiệt hạn mức, sau dịch bệnh hoặc ít nhất khi thời gian giãn cách kết thúc, doanh nghiệp sẽ có ít cơ hội hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay.

Có thể bạn quan tâm

  • Kỳ vọng nới thêm room tín dụng cho ngân hàng quý cuối năm

    05:00, 21/07/2021

  • Cần "thưởng room tín dụng" cho ngân hàng giảm mạnh lãi suất vay

    12:00, 19/07/2021

  • Nới room tín dụng có làm tăng lãi vay?

    11:05, 27/06/2021

DIỄM NGỌC