Đề xuất giảm lãi suất vay cho lái xe công nghệ

DIỄM NGỌC 20/09/2021 17:05

Trước khó khăn của nhiều lái xe công nghệ, các chuyên gia đều cho rằng, ngân hàng không nên phân biệt mục đích sử dụng vốn, kỳ hạn cho vay, mà nên thu xếp nguồn vốn để giảm lãi suất cho khách hàng.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID -19.

Nhiều lái xe công nghệ đang “khóc ròng” vì không thuộc đối tượng được giảm lãi và cơ cấu nợ (ảnh minh họa)

Theo đó, các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Ngoài ra, các ngân hàng cũng được cơ cấu lại các khoản phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến 30/6/2022.

Tuy nhiên đến nay, nhiều lái xe công nghệ đang “khóc ròng” vì không thuộc đối tượng được giảm lãi và cơ cấu nợ, trong khi TP. HCM và Hà Nội là hai nơi tập trung nhiều dịch vụ này nhất, nhưng bị giãn cách kéo dài, khiến người dân cũng lao đao vì nợ.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Anh Lê Duy Ngọc (quê Thanh Hoá) hiện đang là lái xe công nghệ tại Hà Nội bày tỏ, thời gian trước dịch, lái xe công nghệ có thể kiếm được thu nhập từ 15-20 triệu/tháng sau khi trừ chi phí, nên anh đã mạnh dạn vay ngân hàng để mua một chiếc xe Vios. Khi đó, vẫn đang làm nhân viên bán hàng của một công ty nên định mua xe để chạy thêm buổi tối và cuối tuần theo diện vay tiêu dùng và trả lãi bằng một phần lương.

Từ sau khi nghỉ dịch, công việc bị cắt giảm, không thể chạy xe, gần như không có thu nhập mà lãi ngân hàng vẫn phải trả nên hoàn cảnh gia đình đang rất bế tắc. Bây giờ muốn bán xe cùng phần nợ còn lại cũng không có người mua, mà không được giảm lãi hay cơ cấu nợ thì có lẽ phải “gán” xe trừ nợ”, anh Ngọc nói.

Về vấn đề này, lãnh đạo một ngân hàng tại TP.HCM cũng cho biết, trước đây, khi các ứng dụng chạy xe công nghệ đổ bộ vào Việt Nam, sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch và logistics, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đã vay tiền đầu tư mua ô tô để cho thuê tham gia lĩnh vực này. Nhưng các khách hàng vay vốn thường thể hiện trên hồ sơ với mục đích là vay tiêu dùng, chứ không phải vay tiền mua ô tô để chạy xe công nghệ. Theo quy định của NHNN mới đây, những đối tượng vay tiêu dùng qua thẻ thì không thuộc diện được giảm lãi, cơ cấu nợ. Tuy nhiên, Thông tư 14 chủ yếu quy định về khoảng thời gian các ngân hàng được cơ cấu nợ và không giới hạn cụ thể đối tượng, mục đích vay, do vậy  vẫn sẽ tùy ở quyết định của các ngân hàng

Thực tế, những người cho vay nên đọc kỹ Thông tư số 14 để biết mình có nằm trong nhóm được hỗ trợ hay không, nếu có thì làm đơn gửi đến ngân hàng cho vay để được xét duyệt”, vị lãnh đạo ngân hàng khuyến nghị.

Theo báo cáo phân tích của CTCK Bản Việt, hiện nay có 5 nhà băng giữ thị phần lớn nhất trong lĩnh vực cho vay mua ô tô là ngân hàng VIB, Shinhan Bank, Techcombank, VPBank và TPBank. Trong lúc thị trường thuận lợi, các ngân hàng đã tung ra các sản phẩm cho vay rất cạnh tranh về lãi suất, thời hạn và thủ tục vay.

Trước làn sóng COVID-19 bùng nổ, nhiều người vay tiền mua xe đã mất khả năng trả nợ, dẫn đến số lượng ô tô bị thu hồi trừ nợ tăng chóng mặt trong thời gian gần đây.

Riêng tại TPBank, từ giữa năm 2019 đã chuyển hướng trọng tâm từ việc theo đuổi vị trí dẫn đầu mảng cho vay mua ô tô, sang mảng khác an toàn hơn do thị trường cho vay mua ô tô ngày càng cạnh tranh cao, khiến nợ xấu của ngân hàng gia tăng.

Chị Mai Phương, nhân viên một ngân hàng thường xuyên làm các thủ tục cho vay mua ô tô chia sẻ, nhiều khách hàng đã chấp nhận để ngân hàng thu hồi xe siết nợ vì không có thu nhập và mất hẳn khả năng chi trả, số khách hàng này đã tăng cao gấp 1,5 lần so với trước, chỉ trong 2 tháng trở lại đây.

Song, thu hồi xe để siết nợ không phải mục đích cuối cùng của ngân hàng, ngân hàng cũng muốn hỗ trợ khách hàng, nhưng phải phù hợp với quy định của NHNN. Đồng thời, việc thanh lý xe ô tô cũ cũng không dễ dàng, do đều là những xe dịch vụ với tần suất sử dụng liên tục, nhanh cũ và phát sinh hỏng hóc”, chị Mai Phương cho biết.

Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia kinh tế cũng lên tiếng rằng, với diễn biến khó khăn chung như vậy, các ngân hàng nên thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng khách hàng và tháo gỡ khó khăn chứ không nên đưa khách vào con đường bị siết tài sản.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính ngân hàng nhấn mạnh: “Ngân hàng không nên phân biệt mục đích sử dụng vốn, kỳ hạn cho vay ngắn hay dài, mà nên chủ động thu xếp nguồn vốn để giảm lãi suất cho vay. Có thể lợi nhuận ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng, nhưng ngoài ngân hàng ra thì không ai có thể đồng hành cùng khách hàng lúc này, đó cũng là hành động thể hiện sự đóng góp của ngân hàng đối với nền kinh tế đang điêu đứng vì đại dịch”.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát chặt việc giảm lãi suất

    05:04, 12/09/2021

  • Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất tiền vay hỗ trợ 19 tỉnh phía Nam

    18:23, 19/08/2021

  • HẠ LÃI VAY, NÊN HAY KHÔNG: Ngân hàng có thể giảm lãi 3%-5%?

    11:00, 15/08/2021

  • HẠ LÃI VAY, NÊN HAY KHÔNG: Còn dư địa giảm lãi vay

    15:18, 13/08/2021

DIỄM NGỌC