KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Mong đợi Chính phủ “bật đèn xanh” cho các ngân hàng

DIỄM NGỌC 25/09/2021 16:33

Các ngân hàng đang mong Chính phủ sẽ có bài toán phù hợp, hỗ trợ toàn ngành chống đỡ với rủi ro, để yên tâm triển khai kế hoạch cho vay đối với các doanh nghiệp trên toàn thị trường.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Văn, Giám đốc hệ thống nhà hàng Cua ngon hương vị Đất Mũi, hiện nay những doanh nghiệp kinh doanh theo chuỗi đang hết sức khó khăn đình trệ, nguồn tiền từ các đối tác nước ngoài cũng bị ngưng lại không về được, vì vậy việc trả tiền lại cho bà con ở những vùng thu mua nguyên liệu cũng cũng rơi vào bế tắc. Cho nên, các hoạt động trên thị trường không ổn định, doanh thu không có, nhưng chi phí cố định gần như không giảm được nhiều, bắt buộc phải chi trả thì doanh nghiệp cần có nguồn tiền để vận hành trở lại. Nhưng vấn đề tiếp cận vốn vay đến nay vẫn là bài toán nan giải, dù Chính phủ đã khuyến khích các ngân hàng hạ lãi suất. Doanh nghiệp mong muốn có một cơ chế thông thoáng và rộng rãi hơn không chỉ về lãi suất mà còn về thủ tục, chính sách để nhanh chóng được giải ngân nguồn vốn giá rẻ.

Vấn đề tiếp cận vốn vay đến nay vẫn là bài toán nan giải, dù Chính phủ đã khuyến khích các ngân hàng hạ lãi suất (ảnh: Internet)

Vấn đề tiếp cận vốn vay đến nay vẫn là bài toán nan giải, dù Chính phủ đã khuyến khích các ngân hàng hạ lãi suất (ảnh: Internet)

Tương tự, ông Trương Quang Cường, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Du thuyền Việt Princess cho biết, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp chỉ cần tồn tại được để không phải giải thể, vì vậy mong Chính phủ và ngân hàng có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi để trả lương cho nhân viên, duy trì hoạt động cơ bản, chờ thời cơ quay trở lại.

Qua khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân hồi cuối tháng 8, đã có 62% doanh nghiệp và hộ kinh doanh cùng có nhu cầu được hỗ trợ vay với lãi suất từ 1- 3% trong một năm để trả lương. Điều này cũng được phản ánh trong kết quả khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp TP. Chí Minh và Viện nghiên cứu phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh, các chính sách hỗ trợ được doanh nghiệp lựa chọn nhiều nhất đó là hỗ trợ chi trả lương với 75% doanh nghiệp; hỗ trợ lãi suất với trên 57% doanh nghiệp; hỗ trợ tiền thuê mặt bằng với 58,9% doanh nghiệp. Sau những ngày mong chờ mở cửa trở lại nền kinh tế, các doanh nghiệp đang cảm nhận rõ hơn cái khó của việc khởi động một hệ thống lâu ngày không chạy, nhất là khi không có dòng tiền thì rất khó nói chuyện doanh nghiệp có thể phục hồi sau dịch bệnh.

Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105/2021 về hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp từ Chính phủ và chính quyền các địa phương đang xây dựng để hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, thì còn những giải pháp nào giúp doanh nghiệp tiếp cận dòng tiền từ các ngân hàng thuận lợi hơn?

Theo ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc ngân hàng Sacombank cho biết, ở góc độ ngân hàng, doanh nghiệp sẽ chia 2 nhóm bao gồm: nhóm doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng và nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều, mà có thể nói hiện nay đang tê liệt và ngưng hoạt động. Cần sớm ra tay giúp đở để nhóm gặp khó khăn nhiều hơn này sớm phục hồi, nếu không họ sẽ phải rút lui khỏi thị trường. Trong đó, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vận tải dịch vụ, nhà hàng, khách sạn hay các nhóm ngành giải trí như chiếu phim,... nhiều người đã bị “đứng” luôn tại chỗ.

Ông Phan Đình Tuệ

Ông Phan Đình Tuệ

Nhiều chuyên gia cũng nói, quan trọng là khẩu vị của ngân hàng, nhưng ngân hàng cũng phải đối diện với vấn đề là điều kiện cho vay, như như phải có kế hoạch kinh doanh hiệu quả, có năng lực tài chính, vốn tự có tham gia hoặc có khả năng trả nợ gốc và lãi. Ba điều kiện này cũng là một thách thức, dù ngân hàng có thể nới lỏng điều kiện cho vay ở một mức nào đó, nhưng còn tùy thuộc từng đối tượng khách hàng. Nếu muốn hỗ trợ đồng loạt cho số đông khách hàng, thì liệu Chính phủ có cơ chế nào hỗ trợ hay không? Đôi khi có câu chuyện quá khả năng của ngân hàng, xảy ra rủi ro thì sẽ là vấn đề lớn. Cho nên các ngân hàng cũng mong Chính phủ sẽ có bài toán phù hợp, hỗ trợ các ngân hàng chống đỡ với rủi ro để yên tâm triển khai kế hoạch cho vay đối với các doanh nghiệp trên toàn thị trường”, ông Tuệ kiến nghị.

Về vấn đề này, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội lương thực, thực phẩm  TP. Hồ Chí Minh bày tỏ, Chính phủ và ngân hàng đã có nhiều quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, đặc biệt là về vấn đề tiếp cận vốn vay.

Với Thông tư 14/2021 của Ngân hàng Nhà nước mới đây, có một số điểm mới như:

Thứ nhất, Thông tư cho phép tổ chức tín dụng tái cơ cấu với dư nợ phát sinh trước ngày 01/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Trước đó, quy định của Thông tư 03/2021/TT-NHNN (sửa đổi bổ sung Thông tư 01) chỉ cho phép cơ cấu nợ với dư nợ phát sinh trước 10/6/2020.

Thứ hai, Thông tư kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến 30/6/2022, thay vì thời hạn từ 23/01/2020 kéo dài đến ngày 31/12/2021 như quy định trong Thông tư 01.

Thứ ba, Thông tư 14 cũng cho phép tổ chức tín dụng miễn giảm phí cho khách hàng đến 30/6/2022, đồng thời được cơ cấu nợ cho cả số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 01/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày 7/9/2021.

Bà Lý Kim Chi

Bà Lý Kim Chi

"Theo tôi, với các chính sách bạn hành là rất tốt cho doanh nghiệp nhưng còn điều gì chưa hợp lý thì cần phải kiến nghị, nhất là trong giai đoạn này, các doanh nghiệp đã “chết” rất nhiều, đặc biệt ngành lương thực đang rất cần được tiếp một lượng máu lớn để thúc đẩy cho hoạt động sản xuất vào dịp lễ, Tết tới đây. Khi Chính phủ tuyên bố không để một người nào thiếu ăn, thiếu đói vào dịp lễ, Tết, nhưng hiện nay các đơn vị sản xuất đang nghỉ hết thì chuyện gì sẽ xảy ra, nên cần phải có giải pháp đột phá, bơm tiền khẩn cấp hỗ trợ cho cho doanh nghiệp", bà Chi chia sẻ

Về Thông tư số 14/2021/TT-NHNN, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng kiến nghị rằng, tại sao lại chọn mốc tái cơ cấu với dư nợ phát sinh trước ngày 01/8/2021, trong khi sau 1/8, cả một nền kinh tế đang lao đao và rất nhiều nợ phát sinh sau đó. Cho đến hiện nay còn khó khăn vậy, rất mong Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ có sự điều chỉnh mốc thời gian cho phù hợp với tình hình chung.

Bên cạnh đó, mốc kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến 30/6/2022 cũng còn bất cập, mặc dù mốc thời gian có ý nghĩa về mặt kĩ thuật, đó là biết được trên thực tế số nợ thật, đằng sau lợi nhuận thật. Nhưung nếu được, trong tình hình cần thiết, cũng cần kéo dài thời hạn trên cơ sở cân đối các yếu tố vĩ mô.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát chặt việc giảm lãi suất

    05:04, 12/09/2021

  • Các ngân hàng cam kết tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp

    09:17, 12/08/2021

  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa đề xuất giảm lãi suất và mở rộng đối tượng gói hỗ trợ tín dụng

    16:38, 08/08/2021

DIỄM NGỌC