Doanh nghiệp “bí lối” tiếp cận vốn vì tài sản đảm bảo
Doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đang “bí lối” khi tiếp cận tín dụng, vì đa số các tài sản họ có không nằm trong danh mục được ngân hàng chấp nhận làm tài sản đảm bảo.
>> Nhiều doanh nghiệp khó đảm bảo tiêu chuẩn vay vốn
Nhiều doanh nghiệp “bí lối”
Sau nhiều tháng giãn cách xã hội, hiện nay đã có 45/63 địa phương trên cả nước có số doanh nghiệp quay lại hoạt động trong tháng 10/2021. Tính đến 1/11 vừa qua, riêng TP HCM đã có 7.872 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại. Sự trở lại này đi kèm với nhu cầu vốn tăng cao, nhưng đa phần các doanh nghiệp đều kêu khó khi không đáp ứng được các yêu cầu về tài sản đảm bảo, để có thể vay được vốn tín dụng như kỳ vọng.
Thực tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Tính riêng TP HCM có hơn 430.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên, đây cũng là nhóm doanh nghiệp chịu tổn thương nhiều nhất từ đại dịch COVID-19, khiến doanh nghiệp cạn kiệt dòng tiền. Thời điểm này chính là lúc doanh nghiệp rất cần ngân hàng thương mại tiếp thêm nguồn tín dụng để phục hồi sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.
Thông thường tài sản đảm bảo sẽ được chia thành ba hình thức bao gồm: Thứ nhất là những vật có giá trị như phương tiện giao thông, kim khí đá quý, máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, hàng hóa. Thứ hai là giấy tờ có giá như trái phiếu, cổ phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, thương phiếu và các giấy tờ khác trị giá được bằng tiền. Thứ ba là quyền tài sản như tài sản phát sinh từ quyền tác giả, sở hữu công nghiệp, bảo hiểm, quyền có vốn kinh doanh, quyền khai thác tài nguyên, lợi tức, các quyền phát sinh từ tài sản cầm cố,... Ngoài ra có thể là tài sản hiện có hoặc chắc chắn có được do hình thành trong tương lai, ví dụ như vay mua dây chuyền sản xuất máy móc. Trong đó, tài sản đảm bảo phải thuộc quyền sở hữu của người đứng ra vay, ký hợp đồng vay với ngân hàng
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng ngân hàng tính đến ngày 7/10/2021 tăng 7,2% so với đầu năm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng được đánh giá là vẫn đang ở trạng thái dồi dào, sẵn sàng hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế. Một số ngân hàng đang xin nới hạn mức tín dụng để có thêm dư địa cho vay vào mùa cao điểm cuối năm. Tuy nhiên các khoản tín dụng được cấp đa phần đến với các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, còn những doanh nghiệp vừa và nhỏ thì gần như không thể tiếp cận được, vì không đủ tiêu chuẩn cần thiết về tài sản đảm bảo.
Ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Cali Home chia sẻ: “Chúng tôi đã dùng những dự án của mình để thế chấp vào ngân hàng hoặc những dự án đang phân phối thuộc dạng đầu tư thứ cấp để tiếp cận dòng vốn. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, việc giải ngân cũng không có đạt như kỳ vọng. Trong đó, những dự án chúng tôi đang là nhà đầu tư thứ cấp, nhận sản phẩm bán lại nên gặp một số về vấn đề pháp lý dự án, dẫn đến việc thế chấp tại ngân hàng cũng khó khăn”.
Bên cạnh những doanh nghiệp sản xuất thương mại dịch vụ gặp khó, thì các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác như giáo dục đào tạo càng khó khăn hơn, khi đa phần hoạt động chủ yếu dưới hình thức thuê mặt bằng và các tài sản thuộc sở hữu không nằm trong danh mục được ngân hàng chấp nhận làm tài sản đảm bảo.
Trao đổi về vấn đề này, Bà Lê Thị Thu Ba - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Học viện Giáo dục QT Victoria cho biết, nói để tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng thì dễ, nhưng thực tế không dễ. Bởi nếu tiếp cận ở ngân hàng, bên vay mà có đề án là một trường học nằm trong dự án thì ngân hàng cho vay rất dễ, nhưng đa số các trường mầm non dưới dạng thuê ở các tòa nhà lớn, thì gần như rất khó vì phải có tài sản thế chấp.
“Chúng tôi làm giáo dục thì gần như không có nhiều tiền, mà chỉ dùng chuyên môn và thuê mặt bằng để triển khai và mong cống hiến chuyên môn của mình cho xã hội. Còn học phí gần như chỉ thu đủ bù chi, vì vậy việc dư ra một ít để làm chuyên môn lại là một cái khó khăn trong mùa dịch này. Có thể nói, để có tài sản thế chấp đối với ngành giáo dục rất là khó”, bà Lê Thị Thu Ba cho biết.
>>> Thêm cơ hội tiếp cận tín dụng
Xem xét hình thức cho vay tín chấp
Hiện nay, nguồn tiền của ngân hàng còn dồi dào, nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn thiếu vốn mà rào cản về tài sản đảm bảo là một trong những bất cập lớn, bởi đây là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất trong quyết định cấp tín dụng của ngân hàng từ trước tới nay, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp suy yếu do ảnh hưởng của đại dịch, rủi ro nợ xấu tăng cao.
Lý giải về những rào cản này, ông Nguyễn Văn Hiến, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Tài chính Marketing cho rằng, trong vấn đề cùng một loại tài sản, nhưng mỗi ngân hàng lại định giá khác nhau xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, quan điểm về thẩm định giá của các ngân hàng và mức độ nhìn nhận khác nhau. Nếu ngân hàng muốn có kiểm soát cho vay chặt chẽ hơn, giảm thiểu tối đa rủi ro nợ xấu, thì giá trị tài sản bị định giá thấp hơn, còn đối với các ngân hàng cảm thấy cần phải nới rộng tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp thì sẽ tính giá trị cho vay cao hơn, đó cũng là điều rất bình thường của kinh tế thị trường.
Ông Nguyễn Đăng Hiến, Tổng Giám đốc công ty TNHH thương mại và sản xuất Tân Quang Minh chia sẻ, thực tế khó khăn trong việc đi vay tiền của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ không phải bây giờ mới xuất hiện, mà đã có từ rất lâu ở Việt Nam. Bởi vì những doanh nghiệp này không có nhiều tài sản để đảm bảo, mà không có thì chắc chắn ngân hàng không thể cho vay. Do đó, các ngân hàng phải có cơ chế mới, hỗ trợ ở mức cao hơn thay vì định giá tài sản thế chấp dần thấp đi.
“Tôi đề nghị không định giá lại tài sản thế chấp, để doanh nghiệp có cơ hội vay được nhiều hơn, vì cứ mỗi năm định giá tài sản lại mất đi ít nhất 10% khấu hao. Đồng thời, ngân hàng thay vì cho vay 70% trên giá trị tài sản thì nên cho vay ở mức 85% để doanh nghiệp có thêm dòng tiền mua nguyên vật liệu sản xuất, sửa chữa máy móc thiết bị, tuyển dụng lao động, trả lương cho người lao động”, ông Hiến đề xuất.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cũng cho rằng, trong nhiều năm qua, chúng ta đã nhắc nhiều đến vấn đề cho vay và tài sản đảm bảo và đã có sự cải thiện rất nhiều trong thủ tục cũng như tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản bảo đảm. Đến nay, nếu như xét trong bối cảnh mới, Chính phủ và ngành ngân hàng cần phải xem xét hai trường hợp sau đây:
Một là những đối tượng doanh nghiệp có lịch sử tín dụng trả nợ tốt, thì nên có sự xem xét lại vấn đề thủ tục tài sản đảm bảo. Chính các khoản nợ được hoàn trả có uy tín cũng là cơ sở để tin tưởng doanh nghiệp, vì vậy nên tăng biên độ cho vay trên những tài sản đã được thế chấp trước đó, từ 70% lên 80% hoặc thậm chí 100%.
Hai là có những doanh nghiệp rất đặc thù như những doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp trọng điểm, có cơ sở thực hiện các sứ mệnh về chính trị, xã hội như sản xuất các mặt hàng thiết yếu, an sinh, có sự bảo đảm tương đối rõ ràng của các cơ quan chức năng. Với loại hình doanh nghiệp này, phía ngân hàng nên mạnh dạn nghiên cứu hình thức cho vay tín chấp mà không tính tới tài sản bảo đảm nữa. Tuy nhiên, phải có sự rà soát, các bên cùng nhau thẩm định về việc sử dụng vốn, phương án trả nợ, đặc biệt là trách nhiệm của những người đứng đầu doanh nghiệp cam kết trả nợ cho ngân hàng.
“Tất nhiên không thể triển khai đại trà hình thức tín chấp, vì toàn ngành không đủ vốn cung cấp và không đảm bảo được toàn bộ chất lượng nợ. Cho nên, bản thân ngành ngân hàng cũng phải tự cải tiến trong chính sách và nới lỏng một số điều kiện, giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn và tiếp tục sản xuất kinh doanh, cũng như hỗ trợ nền kinh tế hồi phục, phát triển trong bối cảnh mới”, ông Dũng khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm
NHNN: Các TCTD cần tiếp tục gỡ vướng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp
09:57, 14/05/2020
“Hẹp cửa” tiếp cận tín dụng
04:00, 14/12/2019
Nhiều doanh nghiệp khó đảm bảo tiêu chuẩn vay vốn
05:30, 13/11/2021
Vay vốn quốc tế có dễ?
11:50, 27/08/2021
Bộ Công Thương: Đề nghị hỗ trợ lãi suất và thế chấp vay vốn cho doanh nghiệp
21:50, 12/08/2021