Phó Tổng Giám đốc NAPAS: Chuyển đổi sang thẻ chip tạo hệ sinh thái không dùng tiền mặt
Chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip không chỉ giúp thanh toán không tiếp xúc mà còn tăng cường bảo mật, đồng thời tích hợp nhiều tiện ích trong các lĩnh vực như mua sắm tạo nên hệ sinh thái thông minh
Đến 31/12, các ngân hàng phải tuân thủ các tiêu chuẩn của thẻ chip nội địa
Chọn giải pháp nào an toàn?
Trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, hành vi tiêu dùng của con người có xu hướng thay đổi từ giao dịch tiếp xúc trực tiếp sang gián tiếp (qua các kênh điện tử) hoặc trực tiếp không tiếp xúc. Sự thay đổi này diễn ra trong nhiều lĩnh vực và dịch vụ như: ngân hàng, tài chính, thanh toán, giải trí, giao hàng, gọi xe, lưu trú và ngay cả việc mua sắm, đi chợ hàng ngày... Thay vì thanh toán trực tiếp có tiếp xúc bằng thẻ từ hay tiền mặt như trước đây, con người có thể thanh toán trực tiếp không tiếp xúc một cách dễ dàng qua các dịch vụ như chuyển khoản, thanh toán bằng mã QR và thẻ chip...
Theo số liệu của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), tổng số lượng và giá trị giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS trong năm 2021 tăng trưởng tương ứng 94% về số lượng giao dịch và 131% về giá trị giao dịch so với năm 2020. Số lượng khách hàng phục vụ trong năm 2021 tăng trưởng hơn 80% so với năm 2020. Đáng chú ý, tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS tiếp tục giảm mạnh từ 26% năm 2020 xuống mức 12% năm 2021, phản ánh sự chuyển dịch và phát triển mạnh mẽ của thanh toán không dùng tiền mặt.
Cụ thể, với công nghệ thẻ chip contactless (thẻ chip không tiếp xúc), khách hàng sẽ trải nghiệm các hình thức thanh toán nhanh chóng - tiện lợi - an toàn, phù hợp với các giao dịch nhỏ lẻ mà trước đây khách hàng thường sử dụng tiền mặt như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hàng ăn nhanh, quán café…
Đối với giao dịch không tiếp xúc, chủ thẻ không cần đưa thẻ cho nhân viên thu ngân mà chỉ cần chạm thẻ vào thiết bị chấp nhận thanh toán có biểu tượng và hoàn tất giao dịch. Theo ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Napas, “chi tiêu bằng thẻ thuận tiện và đơn giản hơn nhiều so với chi tiêu bằng tiền mặt. Với các giao dịch giá trị nhỏ, hiện nay NAPAS khuyến cáo các ngân hàng đặt tham số dưới 1 triệu đồng thì giao dịch không cần mã pin...”. Sự thay đổi này được xem là một giải pháp an toàn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Phân biệt giao dịch giả mạo thẻ
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến thời cơ đan xen những thách thức mới cho mọi ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có tài chính - ngân hàng. Hiện nay, trên thế giới, chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip đang trở thành xu thế tất yếu với những lợi ích to lớn trong việc hạn chế tối đa giao dịch giả mạo thẻ. Công nghệ thẻ chip được sử dụng rộng rãi và chứng tỏ được mức độ hiệu quả trong việc tăng cường bảo mật.
Theo Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước :“Chuyển đổi sang thẻ chip là phù hợp với xu hướng quốc tế. Ở nhiều quốc gia như Anh hay Úc, họ đã hoàn tất quá trình chuyển đổi và đi vào ứng dụng thanh toán phi tiếp xúc dựa trên thẻ chip”.
So với thẻ từ - loại thẻ có chứa dải băng từ với nhiệm vụ lưu trữ thông tin đã được mã hóa của khách hàng; dữ liệu trên thẻ từ được lưu trữ cố định trên dải từ (mặt sau thẻ) và chỉ được mã hóa một lần, vì vậy dễ dẫn đến rủi ro đánh cắp thông tin thẻ và gian lận giao dịch - thì thẻ chip có ưu điểm nổi trội là được gắn một vi mạch trên bề mặt thẻ, dữ liệu giao dịch gồm dữ liệu được lưu cố định tại chip (mặt trước thẻ) và mật mã giao dịch thay đổi theo mỗi giao dịch, do đó, tăng cường tính bảo mật, an toàn, hạn chế tối đa giao dịch giả mạo thẻ.
Tại Việt Nam, có nhiều trường hợp người dùng bị làm giả thẻ từ và mất tiền do thủ đoạn gắn thiết bị skimming (ăn cắp thông tin thẻ từ ATM). Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, “nếu Việt Nam không chuyển đổi kịp thời sang công nghệ thẻ chip, thị trường thanh toán qua thẻ từ truyền thống sẽ trở thành vùng trũng tội phạm”.
Để khắc phục tình trạng này, người dùng nên chủ động đến ngân hàng để được chuyển đổi miễn phí thẻ ATM công nghệ từ sang công nghệ chip đáp ứng tiêu chuẩn VCCS (thẻ chip đáp ứng đầy đủ các yếu tố kỹ thuật về an toàn, bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp hạn chế các rủi ro về gian lận giả mạo trong thanh toán thẻ, đảm bảo an ninh an toàn thanh toán cho khách hàng.
Với thẻ chip, thông tin thẻ được lưu trữ trên Chip chuẩn quốc tế EMV, xác nhận giao dịch bằng mã PIN, đảm bảo an toàn cho chủ thẻ). Nhờ đó, đảm bảo tính liên thông tương tác với các giao dịch quốc tế, người dùng có thể thực hiện các giao dịch quốc tế nhanh chóng, tính an toàn và bảo mật cao.
Nhiều tiện ích ở thẻ chip được tích hợp...
Bên cạnh tính bảo mật cao, phòng tránh giả mạo, thẻ chip còn có đa tiện ích, đa ứng dụng với tốc độ xử lý nhanh, đáp ứng nhu cầu người dùng. Thẻ chip chấp nhận thanh toán và sử dụng trong mạng lưới thanh toán gồm hơn 261.000 máy POS và 18.600 ATM của tất cả các ngân hàng. Nhờ đó, người sử dụng sẽ dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện đại với mức chi phí hợp lý.
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tích hợp tính năng dân sinh vào thẻ ngân hàng là nhu cầu cấp thiết. Thẻ chip tiếp xúc/ không tiếp xúc do Việt Nam làm chủ công nghệ là cơ sở thuận lợi để phát triển thẻ nội địa có thể tích hợp các ứng dụng dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt với các ngành khác như: giao thông, bảo hiểm, y tế, giáo dục và dịch vụ công,..
Theo ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng giám đốc Napas, để tạo nên hệ sinh thái cho thẻ chip nội địa, đầu tháng 12/2021, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) phối hợp với các ngân hàng ra mắt dịch vụ thanh toán trên xe buýt điện Vinbus bằng thẻ chip contactless (thẻ chip không tiếp xúc) và thanh toán vé tháng bằng tài khoản ngân hàng. Theo đó, từ ngày 2/12/2021, tuyến xe buýt điện đầu tiên do Vinbus vận hành chính thức phục vụ người dân Hà Nội. Hành khách có thể sử dụng thẻ chip nội địa không tiếp xúc của các ngân hàng TPBank, BIDV, Agribank, SHB, Viet Capital Bank, VietBank, SeABank… để mua vé.
Với giải pháp này, người sử dụng có thể đưa thẻ ngân hàng của mình chạm nhẹ lên thiết bị lắp đặt trên xe buýt để nhận vé, tránh tiếp xúc và đặc biệt đảm bảo an toàn trong đại dịch COVID-19.
Việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip không chỉ mang lại những lợi ích thiết thực cho người dùng mà còn là khởi đầu của việc thay đổi thói quen thanh toán truyền thống, góp phần tạo nên tạo nên hệ sinh thái không tiền mặt, tiến đến xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia không tiền mặt, hiện đại và an toàn...
Có thể bạn quan tâm