Phấn đấu tiếp tục giảm lãi vay

HÀ PHƯƠNG thực hiện 01/02/2022 11:00

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phấn đấu giảm thêm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

NHNN: Gói hỗ trợ bù lãi suất 2% dự kiến chia 2 năm, dư nợ 500.000 tỷ đồng/ năm

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần, Phó Thống đốc NHNN cho biết NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

- Thưa ông, trong bối cảnh COVID-19, NHNN đã có những chính sách cụ thể gì để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh?

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, NHNN đã tập trung giảm nhanh 3 lần lãi suất điều hành cũng như chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) và điều tiết tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay khoảng 1% năm 2020 và tiếp tục giảm thêm 0,8% trong năm 2021.

NHNN cũng khuyến khích, kêu gọi các TCTD miễn, giảm lãi vay và giảm phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Tính đến nay, toàn hệ thống các TCTD giảm cả lãi, cả phí khoảng gần 40.000 tỷ đồng từ chính nguồn tài chính của các TCTD để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong đại dịch.

NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm 2022, nhưng tùy theo tín hiệu của nền kinh tế mà có thể cao hoặc thấp hơn

NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm 2022, nhưng tùy theo tín hiệu của nền kinh tế mà có thể cao hoặc thấp hơn

Tôi phải nhấn mạnh rằng, theo quy định của pháp luật, NHNN không thể bắt buộc các TCTD phải giảm lợi nhuận để giảm lãi vay. Bởi trong các TCTD cũng có các cổ đông là người nước ngoài.

Ngoài ra, NHHN đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn.

- Ngoài giảm phí, lãi suất, chính sách giãn, hoãn nợ được tiến hành ra sao, thưa ông?

NHNN đã 02 lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh.

Đến ngày 20/12/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế từ khi có dịch khoảng 607.000 tỷ đồng. Hiện có khoảng 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các TCTD đã miễn, giảm lãi suất cho hơn 1,96 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng. Các TCTD cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt trên 7,4 triệu tỷ đồng cho khoảng trên 1,3 triệu khách hàng.

Các TCTD cũng đã giảm phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và qua hệ thống chuyển mạch bù trừ (hệ thống NAPAS) đã giảm cho khách hàng từ năm 2020 đến hết năm 2021 khoảng 2.557 tỷ đồng và giảm trên 250 tỷ đồng tiền khai thác dịch vụ thông tin tín dụng năm 2021.

- Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dư địa hỗ trợ tiền tệ của Việt Nam không còn nhiều. Vậy NHNN sẽ tận dụng dư địa hạn hẹp này như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp, thưa ông?

Trong xây dựng chương trình phục hồi kinh tế, Chính phủ cũng cân nhắc đưa ra một giải pháp để các TCTD phấn đấu giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1% trong 2 năm. Do vậy, trong năm 2022, NHNN tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phát đấu giảm thêm lãi vay.

Trong điều hành hoạt động tín dụng, NHNN sẽ tiếp tục tập trung vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ cho những doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 và hướng dòng tiền vào các lĩnh vực ưu tiên tập trung theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, NHNN đang đặt ra một con số dự kiến khoảng 14% tăng trưởng tín dụng cho năm 2022 (con số này năm 2021 là 12%). Như vậy, con số tăng trưởng tín dụng 14% cho năm 2022 cũng là con số đặt ra để NHNN đạt mục tiêu điều hành. Nhưng nó cũng có thể cao hơn hoặc thấp hơn tùy theo tín hiệu của nền kinh tế, nhu cầu vốn của nền kinh tế, đặc biệt là tùy theo mục tiêu yêu cầu kiểm soát lạm phát trong năm 2022, nhất là thời điểm cuối năm.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Nắn dòng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, giám sát vốn với trái phiếu

    Nắn dòng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, giám sát vốn với trái phiếu "3 Không"

    05:30, 22/01/2022

  • Làm nóng hơn quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp

    Làm nóng hơn quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp

    11:30, 17/01/2022

  • Yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tín dụng doanh nghiệp đấu giá đất Thủ Thiêm

    Yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tín dụng doanh nghiệp đấu giá đất Thủ Thiêm

    23:17, 08/01/2022

HÀ PHƯƠNG thực hiện