Nới room tín dụng hay không?
LTS: Mặc dù, đề xuất nới room tín dụng đang nhận được sự kỳ vọng rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp, nhưng điều này cũng cần phải cân đối với các biến số vĩ mô và mục tiêu không phát sinh nợ xấu mới.
Mở rộng đối tượng tham gia thị trường vốn
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2022, Nhóm công tác ngân hàng của VBF đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới room tín dụng để các ngân hàng có thể có nhiều dư địa cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Từ kiến nghị của VBF
Theo đó, Nhóm công tác đánh giá cao chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong đại dịch; đồng thời đề nghị NHNN xem xét nới room tín dụng để các ngân hàng có thể có nhiều dư địa cho vay.
Trên thực tế, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng năm 2021, bất chấp đại dịch, vẫn rất tích cực với mức 13,53% tại cuối 2021. Năm nay, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, tương đương năm 2021 và có thể linh hoạt cao hoặc thấp hơn chỉ tiêu này tùy theo các biến số vĩ mô của nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng khảo sát tại các ngân hàng trong 2 tháng đầu của quý I/2022 vẫn rất tích cực, không có dấu hiệu của vùng thấp điểm tín dụng như nhiều năm trước đây và thị trường đang đặt kỳ vọng tín dụng năm nay có thể tăng tới trên 14-15%, bao gồm cả phần hỗ trợ lãi suất – tiền tệ trong chương trình phục hồi -phát triển sản xuất kinh tế xã hội trị giá gần 350.000 tỷ đồng đang được triển khai.
Chúng ta biết rằng, tăng trưởng tín dụng 14%, là mức mà hệ thống ngân hàng đã đạt được trong 2018 – thấp nhất trong 5 năm kể từ 2018 trở về trước. Tại thời điểm đó, đây lại được xem là một chỉ tiêu kỷ lục thể hiện quan điểm đúng đắn của NHNN trong chiến lược điều hành khi tập trung vốn vào các ngành sản xuất - kinh doanh, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Để đạt mục tiêu, NHNN đã rất quyết liệt và bám đuổi định hướng dài hạn, đặt nền tảng cho kế hoạch duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức có thể kiểm soát được trong dài hạn, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.
VBF 2022: Thị trường vốn đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của Việt Nam
Điều đáng nói là với tổng dư nợ thấp kỷ lục đó, tiền tệ đã góp sức cho nền kinh tế đạt tăng trưởng tới 7,08% - mức tăng trưởng kỷ lục của nền kinh tế trong 10 năm kể từ 2008. Nó cho thấy rằng chất lượng tín dụng đã được đặt lên hàng đầu và hiệu quả của dòng vốn được ưu tiên.
Vậy có cần “nới room” trong năm nay?
Tại một cuộc họp cuối 2021, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã nói rõ mục tiêu ưu tiên của NHNN trong các chính sách điều hành 2022 là theo sát định hướng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định lạm phát. Trong năm nay, tăng trưởng GDP theo chỉ tiêu đặt ra là 6-6,5%. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn thách thức, các chỉ tiêu này thể hiện rõ khát vọng phục hồi kinh tế trở về như trước đại dịch nhưng có sự thích nghi với bối cảnh mới và kế hoạch cũng dường như sát với thực tế khó khăn hơn. Với những biến số đầu vào có thể tác động thay đổi các chỉ tiêu vĩ mô, gần nhất là giá xăng tăng cao, lạm phát tuy chưa trở lại ám ảnh chúng ta nhưng đó là vấn đề đáng quan ngại. Đặt lên “bàn cân” cân đối các chỉ tiêu và các biến số, rõ ràng, tăng trưởng tín dụng như hiện tại đã là một chỉ tiêu tạm thời phù hợp có thể hỗ trợ nền kinh tế tốt nhất.
Việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn, mặt khác, tuy luôn cần dư địa vốn để được tiếp sức mạnh mẽ. Song vào lúc này, khi hệ thống ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải vừa tạo điều kiện tiếp vốn cho nền kinh tế, vừa không phát sinh nợ mới, theo đó, các ngân hàng cũng sẽ phải có sự cân đối và thận trọng đáng kể.
Cuối cùng, về lâu dài, chúng tôi cũng duy trì quan điểm việc cấp room tín dụng không hoàn toàn là phương án quản lý, điều hành tiền tệ hiện đại, theo cơ chế thị trường. Phương thức áp dụng trần tín dụng có thể sẽ phải dỡ bỏ trong tương lai khi phương thức vay cũng như các NHTM đáp ứng được điều kiện của một thị trường phát triển.
TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chínhTrong những tháng tới, dự báo nhu cầu vốn của doanh nghiệp sau dịch kỳ vọng sẽ còn tăng cao. Để kinh tế phục hồi tốt hơn, thì việc mở tỷ lệ tín dụng cho các ngân hàng sẽ có lợi cho khách hàng và doanh nghiệp. NHNN nên bỏ room tín dụng để cho mỗi ngân hàng tự quyết kế hoạch kinh doanh của mình. Nếu ngân hàng thấy khả năng của mình có thể cho vay thêm được thì hãy để cho họ kinh doanh. Tùy ngân hàng có thể tăng room tín dụng lên 10% - 20% nếu họ có thể huy động được vốn và vẫn tuân thủ chỉ tiêu NHNN đưa ra. Ông Ngô Minh Chiến, Giám đốc Công ty PKĐK Tâm Đức:Trong suốt thời gian dịch bệnh vừa qua, việc tiếp cận tín dụng với doanh nghiệp vẫn không phải dễ dàng. Nguyên nhân là do các ngân hàng xét duyệt hồ sơ khá chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro nợ xấu. Với quy mô tín dụng toàn nền kinh tế hiện trên 10 triệu tỷ đồng như hiện nay, nếu các ngân hàng chỉ cần giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay, doanh nghiệp sẽ có thêm hàng chục ngàn tỷ đồng để vượt qua khó khăn do đại dịch… Việc nới room tín dụng sẽ tạo thêm dư địa cho ngân hàng cấp vốn cho doanh nghiệp. |