Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Rủi ro từ phương thức thanh toán D/P
Việc thanh toán theo phương thức nhờ thu kèm chứng từ (D/P) có nhiều rủi ro, nhưng được các doanh nghiệp ngành điều sử dụng nhiều, cho đến khi các doanh nghiệp bị “mất quyền kiểm soát”...
>>Vụ 100 container điều xuất khẩu sang Ý: Doanh nghiệp Việt "mất quyền kiểm soát"
Liên quan đến việc các doanh nghiệp điều tại Việt Nam đã ký hợp đồng với một số khách hàng ở Ý thông qua công ty môi giới Kim Hạnh Việt, tổng 100 containers, phương thức thanh toán D/P đang cho thấy có những lỗ hổng...
Cụ thể như vụ việc 100 containers điều có nguy cơ bị lừa, theo các doanh nghiệp "nạn nhân", trong quá trình gửi hồ sơ nhờ thu từ ngân hàng Việt Nam tới các ngân hàng của người mua tại Ý theo hướng dẫn, thì đều có sự thay đổi về số SWIFT (Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế). Sau khi ngân hàng của người mua nhận được bộ chứng từ thì thông báo người mua không phải khách hàng của họ và đã trả lại bộ chứng từ nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào, không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng Việt Nam, cho dù ngân hàng Việt Nam đã liên hệ rất nhiều lần.
Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu điều tại Việt Nam đã ủy nhiệm thu cho 5 ngân hàng Việt Nam thông qua phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment - D/P). Với quy trình thanh toán D/P, doanh nghiệp điều của Việt Nam sau khi làm thủ tục xuất khẩu sẽ gửi bộ chứng từ cho hãng vận chuyển chứng từ, sau đó chuyển đến cho ngân hàng của người bán tại Việt Nam, ngân hàng Việt Nam có trách nhiệm chuyển phát nhanh bộ chứng từ này cho ngân hàng của nhà nhập khẩu ở Ý, nhà nhập khẩu sẽ tiến hành thanh toán cho ngân hàng nhập khẩu và nhận bộ chứng từ. Với bộ chứng từ này, người mua hàng có thể nhận hàng tại cảng và ngân hàng nhập khẩu tiến hành chuyển giao tiền cho ngân hàng Việt Nam. Nhưng vấn đề xảy ra là khi bộ chứng từ gốc tại Việt Nam chuyển qua Ý đã "không cánh mà bay".
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, các ngân hàng ở Việt Nam đều xác nhận họ gửi bộ chứng từ thông qua hãng chuyển phát nhanh, có ý kiến đặt ra là, có thể bộ chứng từ đã bị đánh mất, hay đánh tráo từ bộ phận chuyển phát nhanh (?). Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, hãng chuyển phát nhanh vận chuyển đúng, nhưng khi tới ngân hàng sở tại thì đã bị đánh tráo ngay thời điểm đó (?)...
Trao đổi với phóng viên, ông Nhựt xác nhận đây là vụ lừa đảo lớn nhất được ghi nhận và ông là người đã công tác trong ngành điều hơn 30 năm, cho nên theo ông, "Trước giờ trên thương trường những dạng lừa đảo kiểu này là có nhưng đơn lẻ, không đồng loạt như lần này. Với các doanh nghiệp bị hại, nếu bị mất hàng thì thiệt hại không nhỏ".
Theo phân tích của công ty Luật Dương Gia, nhờ thu kèm chứng từ (Documentary collection) là phương thức mà người bán sau khi hoàn thành nghĩa vụ giao hàng, lập bộ chứng từ thanh toán nhờ thu (chứng từ gửi hàng và hồi phiếu), rồi nhờ ngân hàng thu hộ số tiền ghi trên hối phiếu đó, với điều kiện là người mua trả tiền hoặc chấp nhận trả tiền, thì ngân hàng mới trao toàn bộ chứng từ gửi hàng cho người mua để họ nhận hàng. Tùy theo điều kiện trả tiền, người ta chia phương thức này ra làm các loại gồm: D/P (Delivery against payment) nhờ thu theo hình thức thanh toán theo chứng từ gồm: Một là D/P at sight: thanh toán trả tiền ngay, khi nhận được thanh toán nhờ thu của khách hàng (người mua), thanh toán viên của ngân hàng giao chứng từ cho khách hàng, yêu cầu khách hàng ký nhận; Hai là D/P at X days sight (Delivery of documents against payment of a draft drawn payable at a future date), tức là thanh toán hối phiếu có thời hạn, nhận được chứng từ nhờ thu theo hình thức này, thanh toán viên thông báo khách hàng đến chấp nhận hối phiếu có thời hạn.
>>Vụ 100 container điều xuất sang Ý có thể bị lừa: 4 vấn đề mấu chốt cần làm rõ
“Thanh toán D/P là một phương thức thanh toán xuất khẩu, trong đó, tổ chức xuất khẩu chuyển chỉ thị cho ngân hàng xuất trình để giao chứng từ tiêu đề hàng hóa cho người nhập khẩu. Chỉ khi người nhập khẩu thanh toán đầy đủ theo hóa đơn giá trị hoặc hối phiếu, nói cách khác, nhà nhập khẩu chỉ có thể nhận hàng sau khi đã thanh toán cho ngân hàng xuất trình.
Đơn giản, D/P là một thỏa thuận trong đó người bán chỉ đạo ngân hàng xuất trình chỉ phát hành chứng từ vận chuyển và quyền sở hữu cho người mua, nếu người nhập khẩu thanh toán hoàn toàn hối phiếu hoặc hối phiếu đi kèm. D/P, là một hình thức tự vệ thương mại thường dựa trên chứng từ hối phiếu. Hối phiếu thiết lập các tham số cho việc sử dụng D/P và tổng thể bán hàng. Hối phiếu thường bao gồm ba bên. Đầu tiên là bên ký gửi, bên gửi hàng. Bên thứ hai là người bị ký phát hoặc người mua, và bên thứ ba là người thụ hưởng, trong nhiều trường hợp, ngân hàng đại diện cho người bán”, công ty Luật Dương Gia phân tích.
Việc thanh toán theo phương thức D/P có nhiều rủi ro, nhưng được các doanh nghiệp ngành điều sử dụng nhiều, vì thủ tục đơn giản và thanh toán nhanh với một số lợi thế cho người bán như: Hối phiếu tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp tín dụng thương mại cho người mua; Có thể cung cấp cho người bán khả năng tiếp cận tài chính; Hối phiếu là bằng chứng chính thức, bằng văn bản, được chấp nhận ở hầu hết các tòa án, xác nhận rằng yêu cầu thanh toán (hoặc chấp nhận) đã được thực hiện cho người mua; Người bán giữ quyền kiểm soát hàng hóa cho đến khi người mua thanh toán hối phiếu trả ngay (D/P), hoặc hối phiếu theo thời gian và điều khoản hợp pháp (D/A); Hối phiếu có thể được mua và bán với tỷ giá giảm thông qua chiết khấu.
Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam khẳng định, đây là lần đầu tiên xảy ra sự việc trong một thời gian ngắn, với số lượng đơn hàng lớn, lại xảy ra đồng thời với nhiều doanh nghiệp như vậy.
Có thể bạn quan tâm
Vụ 100 container điều xuất khẩu sang Ý: Doanh nghiệp Việt "mất quyền kiểm soát"
13:00, 10/03/2022
Vụ 100 container điều xuất sang Ý có thể bị lừa: 4 vấn đề mấu chốt cần làm rõ
03:50, 10/03/2022
Bắt tạm giam giám đốc công ty buôn lậu hơn 3.000 tấn hạt điều
16:20, 09/03/2022