"Mở đường” tiếp cận gói hỗ trợ

DIỄM NGỌC 05/04/2022 05:30

“Các doanh nghiệp và Hiệp hội nên tham gia đóng góp ý kiến thực chất khi xây dựng cơ chế, hướng dẫn thực hiện gói phục hồi và phát triển kinh tế, để chương trình đi vào thực tiễn nhanh nhất”.

>>Tháo “rào” thể chế, quyết liệt khơi thông gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng

Hiệu ứng từ gói hỗ trợ

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 2022-2023 vẫn luôn được đánh giá là rất quan trọng. Các chuyên gia và doanh nghiệp cùng chung nhận định, nếu không có chương trình này, thì khó có thể giúp cho tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội được nhanh và bền vững. Như thế cũng khó đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5-7% mà Đại hội Đảng cũng như Quốc hội đã đề ra.

các nhiệm vụ trọng tâm của chương trình cộng với cam kết cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó tăng khả năng hấp thụ chương trình cũng như thu hút đầu tư

Các nhiệm vụ trọng tâm của chương trình hỗ trợ, cộng với cam kết cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, sẽ giúp tăng khả năng hấp thụ cũng như thu hút đầu tư của nền kinh tế

Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế, chương trình này đã tạo ra một số hiệu ứng lớn như: Thứ nhất, giúp cho người dân và doanh nghiệp khắc phục thách thức, khó khăn trong và sau đại dịch, qua đó tạo niềm tin để sản xuất kinh doanh tốt hơn.

Thứ hai, đây cũng là điều kiện để nâng cao năng lực y tế của Việt Nam, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng vốn dĩ còn nhiều bất cập và đã bộc lộ trong quá trình dịch bệnh xảy ra.

Thứ ba, tập trung giúp chúng ta đầu tư cơ sở hạ tầng - một trụ cột vô cùng quan trọng và cũng là một trong ba đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng cũng như Nghị quyết Quốc hội đã đề ra hội đầu nhiệm kỳ.

Thứ tư, tập trung rất lớn vào vấn đề an sinh xã hội, trong đó có vấn đề lớn là nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội. Đây cũng là điểm yếu đã bộc lộ khi dịch bệnh xảy ra.

“Theo tôi, các nhiệm vụ trọng tâm của chương trình cộng với cam kết cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó tăng khả năng hấp thụ chương trình cũng như thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đều là những nhiệm vụ vô cùng quan trọng của chương trình phục hồi này. Nếu chúng ta làm tốt, thì tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng thêm ở mức từ 1,5 - 2 điểm phần trăm một năm trong hai năm tới”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Về vấn đề nợ công và bội chi tăng, vị chuyên gia cho rằng, đó là điều tất yếu vì bội chi ngân sách đã được Quốc hội bàn thảo, chấp nhận ở mức độ bội chi ngân sách năm nay và năm tới tăng thêm từ 1 - 1,2% so với GDP. Và đâu đó thâm hụt ngân sách của chúng ta ở mức 5% GDP cũng là mức chấp nhận được, còn thấp hơn rất nhiều so với bình quân của toàn cầu hiện nay là khoảng 10% GDP, trong khi các nước mới nổi, phát triển và đang phát triển như Việt Nam thì bội chi ngân sách cũng đã tăng lên đáng kể xoay quanh mức 5-6%.

Còn nợ công cũng có thể tăng lên nhưng vẫn ở trong ngưỡng an toàn và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ có thời điểm sẽ vượt mức 25% tổng thu ngân sách, nhưng trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, để chúng ta phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch.

>>Đừng để “xa vời” gói hỗ trợ lãi suất

Ứng phó với các bất ổn

Đến nay, nhiều chuyên gia cho rằng, song song với chương trình phục hồi kinh tế thì áp lực lạm phát cũng đang có xu hướng gia tăng, vậy cần có giải pháp gì để cân bằng giữa việc hỗ trợ phục hồi kinh tế và chủ động đối phó với áp lực lạm phát cũng như áp lực nợ xấu gia tăng? Trả lời cho câu hỏi này, TS. Cấn Văn Lực khẳng định, lạm phát toàn cầu cũng như của Việt Nam năm nay chủ yếu là do phía cung, do chi phí đẩy, từ việc chiến sự Nga – Ukraine, cho đến hệ lụy của dịch bệnh khiến rất nhiều chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn, đứt gãy trong thời gian vừa qua. Đặc biệt là chiến sự đã đẩy giá năng lượng, chi phí vận tải tăng lên rất nhanh, khiến Việt Nam phải nhập khẩu lạm phát. Riêng điều đó cũng đẩy giá năng lượng, giá dầu năm nay dự kiến tăng bình quân khoảng 30 - 40%.

giúp cho người dân và doanh nghiệp khắc phục thách thức, khó khăn trong và sau đại dịch, qua đó tạo niềm tin để sản xuất kinh doanh tốt hơn

Chương trình hỗ trợ giúp cho người dân và doanh nghiệp khắc phục thách thức, khó khăn trong và sau đại dịch, qua đó tạo niềm tin để sản xuất kinh doanh tốt hơn

“Với mức giá dầu tăng bình quân như vậy, thì tác động chính là làm giảm tăng trưởng kinh tế và tăng lạm phát. Chúng tôi đã tính toán kịch bản trường hợp giá dầu tăng bình quân khoảng 30 - 40% của năm nay so với năm trước, thì GDP của chúng ta sẽ bị giảm ở mức khoảng 1,1 - 1,3 điểm phần trăm, còn lạm phát sẽ bị đẩy lên từ 0,8-1 điểm phần trăm. Từ đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức khả quan là từ 5,7 - 6 % và lạm phát có thể lên mức 4%, thậm chí còn cao hơn một chút ở một số thời điểm”, vị chuyên gia dự báo.

Để kiểm soát lạm phát, vị chuyên gia kinh tế cũng đưa ra các khuyến nghị như:

Một, là phải phối hợp tốt hơn nữa giữa chính sách tài khóa chính sách tiền tệ, cùng các chính sách giá cả, cũng như vĩ mô khác, để chúng ta đảm bảo nó không bùng phát ở những thời điểm cao điểm.

Hai, là phải cố gắng điều tiết để bình ổn giá xăng dầu, đây là vấn đề đóng góp rất quan trọng đối với lạm phát năm nay. “Tôi nghĩ rằng, các Bộ, ngành, Chính phủ đã đưa ra dự kiến kế hoạch giải pháp để kiểm soát bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên, cần phải làm mạnh hơn nữa, nhất là chúng ta phải tránh hiện tượng găm hàng, trục lợi, nâng giá ở các cơ sở kinh doanh xăng dầu và đặc biệt phải hạn chế tốt hơn nữa tệ nạn nhập lậu xăng dầu”.

Ba, là cần phải đa dạng hóa nguồn cung, đảm bảo nguồn cung trong nước và ngoài nước tốt hơn nữa.

Bốn, là phối hợp các chính sách. Ví dụ như chúng ta vẫn điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày một lần, nhưng dịp Tết thì lại nghỉ, gây ra sự gián đoạn nên cần phải rà soát lại cơ chế, chính sách, cách thức quản lý xăng dầu nói chung và quản lý quỹ bình ổn xăng dầu nói riêng.

Dù Chính phủ, Quốc hội đã đang vào cuộc, nhưng giải quyết một cách căn cơ hơn cả chính là phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu về lâu dài cả trong và ngoài nước, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

>>Tổ chức thực hiện gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng

Giải pháp cho doanh nghiệp

Về triển khai chương trình hỗ trợ, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, phía doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu, tiếp cận chương trình hỗ trợ, chủ động làm các hồ sơ cần thiết để được tiếp cận chương trình một cách phù hợp. Doanh nghiệp không nên ngồi một chỗ để kêu, thì không bao giờ có sản phẩm và có thể tiếp cận các gói hỗ trợ.

Đối với Bộ, ngành, địa phương cần sớm ban hành hướng dẫn chi tiết, cụ thể nhưng không quá khó để doanh nghiệp có thể tiếp cận được và cũng không quá “rối rắm” về thủ tục hành chính. Khi xây dựng chính sách hướng dẫn như vậy, các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp nên tham gia đóng góp ý kiến thực chất, để sau khi ban hành chính sách cơ chế, hướng dẫn, sẽ đi vào thực tiễn nhanh nhất.

Đặc biệt, phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giúp cho quá trình triển khai giảm bớt thủ tục hành chính, đảm bảo tính công khai minh bạch hơn.

“Trong chương trình này, có nhiều cấu phần khác nhau, thì đâu đó có những cấu phần chúng ta phải chấp nhận tỷ lệ sai sót nhất định, chứ không quá cứng nhắc rằng phải y án 100%. Từ đó dẫn đến việc doanh nghiệp e ngại, các bộ ngành địa phương cũng e ngại... Như vậy, chương trình không đảm bảo hiệu quả, trong khi kinh nghiệm từ nhiều quốc gia, thì họ cũng đang tiếp cận theo hướng này và chấp nhận sai sót ở một mức nhất định”, vị chuyên gia đề xuất.

Có thể bạn quan tâm

  • Đừng để “xa vời” gói hỗ trợ lãi suất

    11:00, 05/03/2022

  • Xây chính sách mở với gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng

    05:30, 21/02/2022

  • Sử dụng gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng như thế nào?

    00:06, 19/02/2022

  • Tháo “rào” thể chế, quyết liệt khơi thông gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng

    09:50, 18/02/2022

  • Tháo "chốt chặn" hấp thụ gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng

    05:30, 16/02/2022

DIỄM NGỌC