"Tăng trưởng với quan điểm thận trọng", Bản Việt muốn đẩy mạnh bán lẻ
Tăng tốc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bán lẻ, bù đắp thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch và đảm bảo tăng trưởng theo mục tiêu, Bản Việt vẫn bám sát định hướng “tăng trưởng với quan điểm thận trọng”.
Ngân hàng Bản Việt hạn chế room ngoại, vì sao?
Trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022 vừa diễn ra, HĐQT và Ban Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Bản Việt (UPCoM: BVB) lên phương án kinh doanh 2022, tập trung vào các nội dung chính: (i) Tiếp tục linh hoạt xây dựng khẩu vị rủi ro để đồng hành cùng khách hàng và tăng trưởng tín dụng bền vững, (ii) Dịch chuyển sang bán lẻ nhanh hơn nữa và giảm thiểu rủi ro, (iii) Nâng tỷ trọng doanh số từ kênh ngân hàng số, (iv) Tiếp tục mở rộng mạng lưới tới quy mô phù hợp với định hướng phát triển trong thời gian tới.
Theo đó, các cổ đông thông qua kế hoạch với chỉ tiêu tài chính năm 2022 là: Tổng tài sản tăng 27%, đạt 97 ngàn tỷ; huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư hơn 71 ngàn tỷ, tăng 28%; dư nợ cấp tín dụng đạt hơn 53 ngàn tỷ, tăng 15% (tốc độ tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào sự chấp thuận của NHNN); lợi nhuận trước thuế đạt 450 tỷ, tăng 44%.
Đáng chú ý, mặc dù bám sát định hướng "tăng trưởng với quan điểm thận trọng", Bản Việt dự kiến lợi nhuận năm 2022 sẽ tăng trưởng theo tỷ lệ như nêu ( 44%), tức có thể cao hơn gần gấp đôi dự phóng tăng trưởng bình quân chung của ngành, theo một số tổ chức dự báo sẽ đạt ước khoảng 18-25%). Ngân hàng cũng có kế hoạch phát triển mạng lưới tăng thêm 15 điểm giao dịch, nâng tổng số lên 131 đơn vị trên toàn hệ thống. Đây được xem là một trong những cơ sở để ngân hàng tăng tốc đẩy mạnh kinh doanh bán lẻ trên thị trường.
Song song đó, hoạt động ngân hàng số cũng tiếp tục được đẩy mạnh với mục tiêu trở thành kênh trọng yếu thay thế kênh truyền thống đối với dịch vụ tài chính nhỏ lẻ. Các sản phẩm, tiện ích tối ưu nhất sẽ được đưa đến khách hàng trong năm 2022 như vay tiêu dùng, đầu tư, bảo hiểm,… trên ngân hàng số Digimi hay kios giao dịch tự động Digimi+,… Riêng mảng ngân hàng số, Bản Việt cho biết ngân hàng đã ghi nhận được số lượng khách hàng trên kênh số năm 2021 tăng trưởng gấp đôi so với 2020.
Một trong những nguồn lực để thúc đẩy bán lẻ của Bản Việt, theo ghi nhận của DĐDN, chính là chuyển đổi số, ngân hàng số. Ngân hàng này đã trở thành đối tác hợp tác chiến lược với Timo Plus, một kênh tài chính số hóa đã có hơn 350.000 tài khoản đăng ký sử dụng và mở được 4 điểm giao dịch “Hangout” tại 4 tỉnh thành trọng yếu trên toàn quốc vào năm 2020, qua đó mang về cho Bản Việt một lượng khách hàng mở mới tài khoản, liên kết giao dịch và sử dụng dịch vụ đáng kể. Timo với sự nâng đỡ từ ban đầu khi hoài thai từ VinaCapital, có dấu ấn của VPBank, đã trở thành một fintech chiến lược chắc chắn của Bản Việt, chuyển đổi từ "xu thế cạnh tranh đan xen hỗ trợ" ngân hàng, theo nhận định chung về hợp tác fintech - ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, nghiêng hoàn toàn sang xu thế hỗ trợ, bắt tay cùng nhau. Đây được xem là thương vụ thể hiện chiến lược "nhỏ nhưng có võ", có tầm nhìn xa, qua đó giúp Bản Việt có thêm nhiều lợi thế hứa hẹn như sáng tạo sản phẩm dịch vụ, tăng nguồn thu bán lẻ, dịch vụ, nguồn lợi CASA v.v.
Đại hội cổ đông bất thường BVB chốt tăng thêm vốn nghìn tỷ đồng
Tại đại hội, các cổ đông Bản Việt đã thông qua tờ trình triển khai phương án tăng vốn mà trước đó đã được thông qua bằng văn bản theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-ĐHĐCĐ ngày 21/12/2021. Số vốn điều lệ tăng là 1.618 tỷ, nâng tổng số vốn điều lệ của ngân hàng lên hơn 5.298 tỷ đồng, nhằm gia tăng tiềm lực tài chính và phục vụ cho chiến lược phát triển trung và dài hạn của ngân hàng.
Trước đó, năm 2021, Bản Việt cũng có phương án tăng vốn điều lệ thêm 1.052 tỷ đồng. Tuy nhiên ngân hàng này đã triển khai lấy ý kiến cổ đông để điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ vào hồi cuối năm. Còn trong năm 2020, Bản Việt đã tăng vốn điều lệ thêm gần 500 tỷ đồng, đưa tổng mức vốn điều lệ từ 3.171 tỷ đồng lên đến gần 3.671 tỷ đồng. Như vậy, ngân hàng đang nỗ lực dịch chuyển trong việc tăng vốn để tăng năng lực cạnh tranh, dời khỏi "chiếu" nhóm vốn điều lệ theo pháp định và tăng tốc dần để vượt qua nhóm vốn điều lệ trên 5.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Giám Đốc NHNN Chi nhánh TPHCM lưu ý với ngân hàng, năm 2022 kinh tế vĩ mô và ngành ngân hàng có nhiều thách thức do bối cảnh trong và ngoài nước. Do đó, Ngân hàng cần đặc biệt chú trọng vừa tiếp tục tăng trưởng nhanh quy mô như gần đây, nhưng vẫn giám sát chặt chẽ chất lượng tín dụng và thực hiện các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ và NHNN đã chỉ đạo,. Bên cạnh đó, lĩnh vực ngân hàng số là lĩnh vực mới, cần tiếp tục đẩy mạnh, nhưng song song với đó Ngân hàng cũng chú ý đồng thời triển khai các biện pháp tăng cường quản lý rủi ro trong lĩnh vực mới này.
Kết thúc năm 2021, tổng tài sản của Ngân hàng Bản Việt đạt 76.500 tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2020. Huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và dân cư đạt gần 56 ngàn tỷ, dư nợ tín dụng đạt hơn 46 ngàn tỷ, tăng lần lượt 20% và gần 16% so với 2020. Lợi nhuận đạt 311 tỷ, vượt 7% so với kế hoạch.
Có thể bạn quan tâm