NHNN: Kiểm soát nợ xấu và cứng rắn xử lý lợi ích nhóm, cho vay BOT, BT
Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 24/5, Thống đốc NHNN sẽ trình bày Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu.
>> Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ nợ xấu phát sinh trong BOT, trái phiếu, ngân hàng...
Kéo dài Nghị quyết 42, lấp khoảng trống pháp lý
Trước đó, tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị cho Kỳ họp Quốc hội thứ 3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có những đánh giá về Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận, Nghị quyết 42 đã mang lại nhiều chuyển biến quan trọng trong xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu TCTD. Nhưng Chủ tịch Quốc hội cũng cho hay là qua nghiên cứu sơ bộ thì vướng mắc của Nghị quyết 42 chủ yếu ở khâu thực thi.
Ông đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá nợ xấu phát sinh mới từ ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực. Đặc biệt đề nghị cần đánh giá kỹ xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan liên quan đến nợ xấu phát sinh, nhất là nợ do ảnh hưởng của COVID-19 và cho vay các dự án BOT, bất động sản, trái phiếu của doanh nghiệp và ngân hàng; Từ đó mới xem xét cho kéo dài Nghị quyết 42 hay không.
Theo trình bày của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng với Dự thảo Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại phiên họp, Nghị quyết 42 chỉ kéo dài 5 năm và sẽ hết hiệu lực thi hành sau ngày 15/8/2022. Khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết này đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của TCTD sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết.
Trong khi đó, việc thiếu hụt cơ chế để xử lý nợ xấu, cùng với việc tồn tại các khó khăn, vướng mắc, bất cập, xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật ngành ngân hàng với các văn bản quy phạm pháp luật khác (đặc biệt liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu), dẫn đến nếu không được tiếp tục thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến trình xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD, đặc biệt ảnh hưởng đến quá trình xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Vì vậy, Chính phủ kiến nghị cho phép kéo dài thí điểm Nghị quyết 42 nhằm "lấp khoảng trống pháp lý" này.
Ghi nhận tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết 42 trong 2 năm tới 2024.
NHNN "hứa" kiểm soát nợ xấu và cứng rắn xử lý nhóm lợi ích
Thực hiện đề nghị bổ sung đánh giá nợ xấu và cho vay BOT, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, NHNN đã cập nhật các số liệu báo cáo gửi đến các Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.
Trong báo cáo chính thức, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng (thừa ủy quyền Thủ tướng ký) cho biết, đến 31/12/2021, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của hệ thống các TCTD là 2.076.700 tỷ đồng (trong đó bao gồm dư nợ tín dụng tiêu dùng để mua nhà ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở), chiếm 19,89% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế.
Tổng nợ xấu đối với lĩnh vực bất động sản là 34.700 tỷ đồng, chiếm 18,4% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 1,67%.
Đối với lĩnh vực tiêu dùng, đến 31/12/2021, dư nợ tín dụng tiêu dùng của hệ thống các tổ chức tín dụng là 2.081.900 tỷ đồng, chiếm 19,9% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế.
>> Kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu có hợp lý?
Tổng nợ xấu cho vay tiêu dùng là 48.650 tỷ đồng, chiếm 25,8% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 2,34%.
Với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán, đến 31/12/2021, tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng cấp cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu là 10.934,3 tỷ đồng, chiếm 0,1% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tổng nợ xấu là 2.140,5 tỷ đồng, chiếm 1,13% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 19,57%.
Tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng cấp cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu là 892,5 tỷ đồng, chiếm 0,01% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tổng nợ xấu là 28,2 tỷ đồng, chiếm 0,01% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 2,87%.
Cũng đến 31/12/2021, dư nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT là 114.300 tỷ đồng, chiếm 1,09% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tổng nợ xấu đối với các dự án BOT, BT là 7.400 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,92% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 6,48%.
Kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42, theo báo cáo, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380.200 tỷ đồng, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực.
Trong 380.200 tỷ đồng nợ xấu đã xử lý thì kết quả cụ thể là: Xử lý nợ xấu nội bảng là 196.900 tỷ đồng (chiếm 51,79%); Xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 100.800 tỷ đồng (chiếm 26,51%); xử lý các khoản nợ đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82.500 tỷ đồng (chiếm 21,70%).
Đáng chú ý, liên quan đến vấn đề xử lý sở hữu chéo, sở hữu của các TCTD đã minh bạch và đại chúng hơn, tuy nhiên vẫn còn có khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, điều này dẫn đến TCTD có thể bị thao túng, chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của TCTD thiếu minh bạch, báo cáo cập nhật của NHNN cho biết.
NHNN cũng khẳng định trong thời gian tới, một trong những giải pháp để kiểm soát, xử lý nợ xấu là tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động của TCTD, đặc biệt là hoạt động cấp tín dụng, ngăn chặn, xử lý vấn đề lợi ích nhóm, cổ đông/nhóm cổ đông lớn chi phối hoạt động của các TCTD và sẽ cứng rắn xử lý các trường hợp lợi ích nhóm, cho vay BOT, BT.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá như thế nào về nợ xấu ngân hàng?
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội hoàn thành ngày 20/5, chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội với nội dung chương trình ngày 24/5, nêu: Với những đóng góp của Nghị quyết số 42, trong giai đoạn 2017-2021, hơn 750 nghìn tỷ đồng nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được xử lý. Nợ xấu cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2% (đạt mục tiêu đặt ra khi ban hành Nghị quyết là duy trì dưới 3%), trong đó tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD đến 31/12/2021 là 1,49%, giảm so với thời điểm trước khi triển khai Nghị quyết (tại thời điểm 31/7/2017, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 2,51%); nhiều TCTD có tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể so với thời điểm trước khi triển khai Nghị quyết.
Bên cạnh đó, quy mô, năng lực tài chính của các TCTD được tăng cường; năng lực quản trị, điều hành tiếp tục được nâng cao; sự an toàn, ổn định của hệ thống các TCTD được giữ vững; hệ thống các TCTD giữ vai trò chủ đạo trong bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19.
Mặc dù vậy, cơ quan thẩm tra cho rằng, kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro (riêng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực tại thời điểm 31/12/2021 là 251,3 nghìn tỷ đồng và số chưa xử lý còn 412,67 nghìn tỷ đồng).
Một số biện pháp áp dụng theo Nghị quyết số 42, theo đánh giá của Uỷ ban Kinh tế còn chưa thực sự phát huy hiệu quả (như áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án...). Đối với nợ xấu nói chung, xử lý bằng dự phòng rủi ro còn chiếm tỷ lệ cao (47% tổng nợ xấu được xử lý).
Đặc biệt, cơ quan thẩm tra lưu ý, một số lĩnh vực có số nợ xấu chiếm tỷ trọng cao so với nợ xấu của toàn hệ thống như: Bất động sản (chiếm 18,4%); cho vay tiêu dùng (chiếm 25,8%); BOT, BT giao thông (3,92%).
Bên cạnh đó là nợ xấu của lĩnh vực đầu tư, kinh doanh cổ phiếu và đầu tư, kinh doanh trái phiếu chỉ chiếm lần lượt là 1,13% và 0,01% so với nợ xấu của toàn hệ thống nhưng chiếm tới 19,57% và 2,87% tổng dư nợ tín dụng của từng lĩnh vực.
Theo cơ quan thẩm tra báo cáo Quốc hội, đây là những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, có thể gây ảnh hưởng đến sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD nói riêng và nền kinh tế nói chung, nhất là trong điều kiện năng lực chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế.
Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 đến nay còn ở mức khá cao và có xu hướng gia tăng; các giải pháp đã triển khai thực hiện để nhận diện cũng như kiểm soát rủi ro đối với các khoản cho vay, nhất là các khoản thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.
Báo cáo thẩm tra cũng phản ánh ý kiến đề nghị đánh giá về chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ (được thực hiện đến ngày 30/6/2022), mặc dù chính sách này hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 nhưng có thể phản ánh không đầy đủ nợ xấu của hệ thống các TCTD, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế.
Ủy ban Kinh tế có đa số ý thống nhất về đề nghị kéo dài thời gian thí điểm Nghị quyết 42, như ở phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó; nhưng có ý kiến đề nghị thuyết minh kỹ hơn về sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết vì còn có những khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết triệt để; đồng thời cần dự liệu những vấn đề có thể phát sinh khi kéo dài thời hạn thực hiện thí điểm, tránh việc không thể giải quyết dứt điểm đối với các khoản nợ xấu.
Cùng với việc trình bày Báo cáo Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 42, trong phiên họp sáng hôm nay 24/5, người đứng đầu ngành Ngân hàng cũng sẽ báo cáo Tờ trình về việc kéo dài thời gian áp dụng toàn bộ nội dung của Nghị quyết 42.
Có thể bạn quan tâm
Cần hành lang pháp lý xử lý nợ xấu
17:35, 14/04/2022
Kéo dài Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu sẽ tạo ra sự tích cực
01:00, 05/04/2022
Hai bước luật hóa xử lý nợ xấu
16:00, 03/04/2022
Giải pháp xử lý nợ xấu hậu COVID-19
05:30, 29/03/2022
Cần kéo dài chính sách xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42
03:00, 22/03/2022