Cần định hướng trái phiếu là kênh chủ đạo hỗ trợ doanh nghiệp

DIỄM NGỌC 09/06/2022 05:30

Bên cạnh nhiều doanh nghiệp than khó tiếp cận vốn, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Việt Nam (VREC) cho rằng ngân hàng vẫn biết trừ rủi ro để lọc doanh nghiệp, dự án tốt vẫn cho vay...

>>Kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro: Chủ trương và thực tiễn

Vốn ngân hàng vẫn quan trọng

Trong khi Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nêu quan điểm là ngân hàng và doanh nghiệp nên ngồi lại với nhau để gỡ các vướng mắc, bởi ông "không hiểu sao các dự án không vay được", do thực tế NHNN không hề có thông điệp "siết tín dụng", thì  giới doanh nhân vẫn lo lắng với vấn đề: Nếu hạn hẹp tín dụng, điều gì sẽ xảy ra?

Kênh lớn nhất cho huy động vốn cho nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng vẫn là tín dụng ngân hàng. Còn thị trường trái phiếu chỉ là một kênh mới rộ lên gần đây

Kênh lớn nhất cho huy động vốn cho nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng vẫn là tín dụng ngân hàng; còn thị trường trái phiếu chỉ là một kênh mới "rộ" lên gần đây

Theo ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Việt Nam (VREC), đến hiện tại, quyết định chính thức của Ngân hàng Nhà nước là chưa có, nhưng một số ngân hàng thương mại đã tự lo lắng trước nguy cơ “bong bóng” bất động sản có thể vỡ và chính các ngân hàng là người gánh chịu rủi ro với các khoản cho vay; Cho nên một vài ngân hàng chủ động thắt chặt trong nội bộ của mình, không cho vay với bất động sản nhiều nữa, đồng thời yêu cầu khách hàng phải có các tài sản thế chấp hoặc các kế hoạch kinh doanh thật cụ thể mới cho vay.

Đối với việc siết tín dụng nếu quá chặt chẽ sẽ có vấn đề như, các chủ đầu tư không có cơ hội để phát triển dự án, phải dừng lại, dẫn đến câu chuyện dự án không hiệu quả, thiệt hại cho người dùng. Vì vậy, chỉ nên kiểm soát rủi ro ở một mức nào đó để những dự án tốt, có kết nối hạ tầng giao thông sẵn sàng và đáp ứng đúng mục tiêu của người ở thật, thì nên được ủng hộ.

“Cũng phải nhìn nhận rằng, nếu không kiểm soát tín dụng bất động sản, dẫn đến thoải mái bơm tiền vào lĩnh vực này, người dùng mua nhiều hơn theo tâm lý tập thể đám đông, sẽ kích giá bất động sản lên cao, thúc đẩy bong bóng phình to.

Tôi cho rằng, văn bản chính thức của Ngân hàng Nhà nước chưa có, nhưng cũng nên có một thông điệp nào đó để có sự kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực này. Mặt khác để truyền thông có sự hài hòa, giúp người dân nhìn nhận chậm lại và không lao vào thị trường một cách thái quá, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc”, ông Bảo cho hay.

Cũng theo vị chủ tịch CLB Bất động sản, kênh lớn nhất cho huy động vốn cho nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng vẫn là tín dụng ngân hàng, còn thị trường trái phiếu chỉ là một kênh mới rộ lên gần đây. Nói về tổng chung của nguồn vốn để đầu tư thì vay ngân hàng là lớn nhất và có công nợ thấp nhất.

“Chủ quan của tôi đánh giá, ngân hàng luôn có sự “gạn đục khơi trong” rất tốt, biết cách trừ hết rủi ro. Nếu một dự án tốt thực sự mà vay ngân hàng, họ sẽ chấp nhận ngay; còn câu chuyện hết “room” tín dụng như gần đây thông tin cũng là chưa hoàn toàn đúng, vì việc mua bán bất động sản không quá tải như năm 2008.

Việc chúng ta lo lắng trước là tốt, chỉ khi thị trường tăng ảo kéo dài mới biến thành thật, khi đó, người dần ùn ùn xếp hàng ở phòng công chứng mua bán bất động sản. Nhưng hiện nay vẫn chưa có tình trạng này xảy ra, cho nên thực tế vẫn chưa đáng quan ngại đến mức phải siết chặt”, Chủ tịch CLB Bất động sản nhìn nhận.

>>Sắp ban hành Nghị định 153 sửa đổi và có "chợ" giao dịch trái phiếu thứ cấp

Cần thiết mở rộng nguồn vốn từ trái phiếu

Phân tích thêm về nguồn vốn cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hùng – Tổng Giám đốc công ty Bất động sản Golden Land, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khởi nghiệp quốc gia cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua có nhiều bất cập, nhưng Nhà nước cũng không vì thế mà siết tín dụng hay siết các vấn đề liên quan đến trái phiếu. Có chăng, Chính phủ chỉ yêu cầu xem xét lại các tiêu chuẩn trên thị trường như hoạt động công bố thông tin, sử dụng mục đích huy động vốn,... để thị trường lành mạnh hơn, minh bạch hơn.

nên khu vực doanh nghiệp luôn mong muốn được Nhà nước duy trì tạo điều kiện phát triển, để đất nước có nguồn thu, phấn đấu nền kinh tế phát triển hằng năm ổn định

Doanh nghiệp luôn mong muốn được Nhà nước duy trì tạo điều kiện phát triển, để đất nước có nguồn thu, phấn đấu nền kinh tế phát triển hằng năm ổn định

Chúng ta vẫn biết, ngân hàng và trái phiếu là hai kênh huy động vốn lớn nhất của doanh nghiệp, đặc biệt, kênh trái phiếu rất phù hợp với bất động sản. Điều đó cũng giải thích cho lý do vì sao phát hành trái phiếu trong lĩnh vực bất động sản năm 2021 chiếm tới 318.000 tỷ đồng, tương đương 44% là con số rất lớn. Vì đặc thù của ngành bất động sản phù hợp khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, không bắt buộc phải có tài sản đảm bảo. Hầu hết tài sản của họ là chưa hình thành, chưa đủ điều kiện pháp lí để vay ngân hàng, do đó họ chọn kênh trái phiếu cũng là một cách tương đối có chi phí rẻ với lãi suất khoảng 13%, phù hợp với biên độ lợi nhuận, do tốc độ tăng trưởng của ngành bất động sản tốt.

“Trong thời gian tới, kênh trái phiếu cần được hướng tới là kênh chủ đạo hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản gia tăng nguồn vốn. Còn phía cơ quan quản lý Nhà nước chỉ cần kiểm soát lại, làm cho chặt chẽ hơn để cả thị trường tài chính và bất động sản phát triển bền vững”, ông Hùng đề nghị.

Chia sẻ quan điểm của mình với vai trò là một công ty xếp hạng tín nhiệm, ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings cho biết, tại Việt Nam không riêng gì bất động sản mà mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi nhà đều trông chờ vào nguồn vốn duy nhất là ngân hàng. Chỉ 10-15 năm trở lại đây, mới bắt đầu phát huy kênh cổ phiếu, nhưng vẫn đang ở cận biên chưa lên mới nổi, có rất nhiều sự trồi sụt, biến động và thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn rất sơ khai.

“Chúng tôi đã trao đổi rất nhiều tại các Diễn đàn, Hội nghị gần đây rằng, bản thân thị trường không có lỗi, mà do chúng ta làm chính sách. Vì thế vừa qua, chúng tôi đã đề nghị với VCCI kiến nghị lên Chính phủ, làm thế nào đảm bảo được mục tiêu quan trọng là tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động. Những gì Nhà nước ngăn cản cũng phải phù hợp với thông lệ thế giới, phù hợp với môi trường kinh doanh thực tiễn là đang đổi mới vì Việt Nam là nền kinh tế mở cửa. Chúng ta tham gia một sân chơi và phải tuân thủ luật chung”, ông Minh nhấn mạnh.

Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá, về mặt chính sách hiện đang có trạng thái là lúc quá lỏng lẻo, lúc quá chặt. Vì vậy, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua chỉ có một vài “con sâu làm rầu nồi canh”, nên khu vực doanh nghiệp luôn mong muốn được Nhà nước duy trì tạo điều kiện phát triển, để đất nước có nguồn thu, phấn đấu nền kinh tế phát triển hằng năm ổn định.

“Riêng về xếp hạng tín nhiệm, nhiều doanh nghiệp chưa hiểu hết được vai trò của xếp hạng, coi đó là không cần thiết. Nhưng qua nghiên cứu của chúng tôi và trên các nước, thì xếp hạng tín nhiệm đã trở thành văn hóa, ngay cả IPO cũng có xếp hạng. Bất cứ vấn đề gì cũng cần có báo cáo xếp hạng để có thể đánh giá được sức khỏe doanh nghiệp như thế nào. Việc xếp hạng giúp gia tăng niềm tin từ quỹ đầu tư bảo hiểm, các tổ chức dân cư từ đó sẽ điều tiết việc gửi tiết kiệm sang đầu tư trái phiếu khi họ thấy minh bạch thông tin, họ có thể yên tâm đầu tư và quan trọng hơn nữa là mọi người có thể phân biệt được giữa doanh nghiệp tốt và doanh nghiệp không tốt.

Đồng thời cũng là giải pháp để doanh nghiệp nào thấy mình có chất lượng tốt thì cứ mạnh dạn sử dụng kênh trái phiếu, không cần quy định bằng tài sản bảo đảm hay bảo lãnh...”, Chủ tịch Saigon Raitings phân tích.

Có thể bạn quan tâm

  • Sắp ban hành Nghị định 153 sửa đổi và có "chợ" giao dịch trái phiếu thứ cấp

    16:45, 08/06/2022

  • Bộ trưởng Bộ Tài chính: Không có chủ trương hạn chế hay siết trái phiếu doanh nghiệp

    14:55, 08/06/2022

  • Chất vấn lĩnh vực tài chính: Hoàn thiện hành lang pháp lý cho trái phiếu doanh nghiệp

    04:35, 08/06/2022

  • Cần chuẩn hóa thông tin, kê khai toàn bộ vòng đời trái phiếu

    04:50, 07/06/2022

DIỄM NGỌC