Xoá bỏ cơ chế hạn mức tín dụng, bao giờ?
Theo chuyên gia, việc tiến tới xoá bỏ cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cần có lộ trình thích hợp, trong điều kiện có công cụ chính sách thay thế và quỹ đạo tăng trưởng tín dụng ổn định.
>>Chuyên gia nói gì về cơ chế hạn mức tín dụng hiện nay?
Bất cập đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng
Vấn đề bỏ cấp hạn mức tín dụng đã làm nóng nghị trường tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, khi Đại biểu Trịnh Xuân An bày tỏ, cơ chế cấp hạn mức tín dụng mang dáng dấp của quản lý theo kiểu “bao cấp” và không phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Năm nào cũng phải cấp lại và khi cần thiết, các ngân hàng lại phải đi xin để nới “room”. Nhất là khi các ngân hàng đang triển khai gói hỗ trợ 2% của gói 40.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 43 của Quốc hội.
Phản hồi quan điểm trên, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, kiểm soát tăng trưởng tín dụng được áp dụng từ năm 2011 và NHNN thấy đây là một biện pháp rất hiệu quả trong tổ chức điều hành, chính vì vậy mới đưa thị trường tiền tệ tín dụng ổn định trở lại.
Trước quan điểm việc cấp hạn mức tín dụng này "chặn" dòng vốn rẻ tới người vay, Thống đốc giải thích, ngân hàng nào khi thành lập đều muốn tăng trưởng tín dụng nhiều, nhưng ở "vai" NHNN phải nhìn ở góc độ điều hành vĩ mô. "Nếu đáp ứng hết hạn mức mong muốn của ngân hàng thương mại thì sẽ không ổn định được vĩ mô như hiện tại".
Phát biểu kết thúc phần chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, việc đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng còn bất cập, nhìn chung chưa có tiêu chí, phương thức thống nhất, việc điều chỉnh trong năm cũng chưa linh hoạt, còn bị động.
“Cần phải xây dựng tiêu chí bảo đảm thống nhất, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị, điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng. Nghiên cứu hạn chế tiến tới xóa bỏ việc điều hành hạn mức tín dụng một cách hành chính như hiện nay”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
>>Khó bỏ cơ chế cấp hạn mức tín dụng ngay, vì sao?
Phát triển theo cơ chế thị trường
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, về lâu dài NHNN sẽ điều hành chính sách theo hướng thị trường hơn. Đó cũng là chủ trương đúng đắn được nêu trong chiến lược ngành ngân hàng 2025 và NHNN sẽ hoạt động theo tính chất Ngân hàng Trung ương độc lập hơn.
Tuy nhiên, việc tiến tới xoá bỏ cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cần có lộ trình thích hợp. Nếu bỏ đi ngay thì phải có công cụ chính sách thay thế, như quản lý hệ số an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II bằng cả tử số và mẫu số, trong đó tử số là vốn chủ sở hữu còn mẫu số là tín dụng đầu tư. Như vậy, chính sách sẽ theo thông lệ quốc tế và có tính toàn diện, đầy đủ.
“Về lộ trình này, NHNN có thể tính toán, cân nhắc trong điều kiện tín dụng ko tăng trưởng nóng, quỹ đạo ổn định ở mức khoảng 10-12%/năm, khi đó áp dụng hệ số an toàn vốn sẽ yên tâm hơn. Ngoài ra, hy vọng thị trường vốn của Việt Nam như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán sẽ sớm lành mạnh hoá, trở thành kênh dẫn vốn trung - dài hạn chủ đạo, giúp giảm áp lực vốn, thì tăng trưởng tín dụng cũng sẽ bớt áp lực”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.
Ở góc nhìn của mình, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh chia sẻ, để tiến tới xoá bỏ công cụ hạn mức tín dụng với các ngân hàng thương mại, trong tương lai, bản thân các ngân hàng phải là đơn vị tự lo huy động vốn, tự do trong quá trình sử dụng vốn đó và tự chịu trách nhiệm với “tồn vong” của ngân hàng mình. Đồng thời quyền cho ngân hàng phá sản phải trở thành bình thường, thì khi đó NHNN chỉ quản một số các yêu cầu, không cần áp dụng định mức tín dụng, thậm chí không cần quan tâm đến mức độ tín nhiệm ra sao, vì ngân hàng phải tự xoay sở theo cơ chế thị trường.
“Song, cần có một lộ trình cụ thể, để thị trường tài chính tiền tệ trở thành một thị trường thực thụ, các ngân hàng tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh. Việc quản lý Nhà nước khi đó chỉ nằm trên khuôn khổ luật pháp là chính. Các ngân hàng kinh doanh đúng luật sẽ được hưởng lợi, nếu phá sản sẽ phải tự xử lý với nhà đầu tư và với khách hàng, tự xử lý các vấn đề tài chính khác.
Muốn đạt được điều đó, Việt Nam phải xây dựng thị trường tài chính tiền tệ mang tính thị trường, khuôn khổ pháp luật được cải thiện, các yêu cầu về quản lý phá sản cũng như các yêu cầu khác đi vào nề nếp”, vị chuyên gia phân tích.
Có thể bạn quan tâm
Chuyên gia nói gì về cơ chế hạn mức tín dụng hiện nay?
12:00, 07/06/2022
Khó bỏ cơ chế cấp hạn mức tín dụng ngay, vì sao?
05:30, 03/06/2022
Cần sớm bỏ hạn mức tín dụng
11:00, 19/12/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Xem xét tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp
05:00, 28/09/2021