Làm sao để doanh nghiệp mặn mà với tín dụng xanh?

DIỄM NGỌC 08/07/2022 15:30

Theo chuyên gia, cần có nhiều sản phẩm tín dụng xanh với mức ưu đãi lãi suất tốt cho các doanh nghiệp ở nhiều quy mô, ngành nghề khác nhau, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

>>Điểm tựa cho tài chính xanh phát triển

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, dự nợ tín dụng xanh tại Việt Nam đã tăng từ hơn 71.000 tỷ đồng vào cuối năm 2015 lên 340.000 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Tính đến 31/12/2021, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng tăng 13,53% so với cuối năm 2020, kéo theo đó, số dư nợ tín dụng xanh tiếp tục gia tăng.

Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tài trợ tín dụng xanh từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng (ảnh: Quốc Tuấn)

Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tài trợ tín dụng xanh từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng (ảnh: Quốc Tuấn)

Mặc dù dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam có xu hướng tăng nhanh theo từng năm nhưng quy mô dư nợ vẫn tương đối nhỏ so với tổng tín dụng hệ thống. Trong đó, dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, chiếm gần 40%, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, chiếm hơn 30%. Cơ cấu dư nợ theo kỳ hạn trung và dài hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5-8%/ năm, trung và dài hạn từ 9-12%/năm.

Qua một khảo sát của trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, có đến 70% doanh nghiệp được hỏi không nghe đến chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam; hơn 50% doanh nghiệp không quan tâm đến biến đổi khí hậu; 60% doanh nghiệp không sẵn lòng đầu tư cho sản phẩm xanh... Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp chưa giải quyết thỏa đáng mâu thuẫn giữa mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng xanh.

Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa đều thiếu vốn cho đầu tư phát triển sản phẩm xanh. Trên thế giới, công nghệ xanh đã rất phát triển, doanh nghiệp có thể được chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại nhưng yếu tố con người, trình độ năng lực còn chưa theo kịp, chi phí ban đầu lớn tác động rất nhiều đến việc tiếp cận công nghệ. Đáng chú ý, trách nhiệm đối với môi trường của doanh nghiệp còn hạn chế.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, những nỗ lực chỉ từ phía cơ quan quản lý là chưa đủ mà quan trọng hơn, cần có sự thống nhất của tất cả các thực thể tham gia nền kinh tế từ ý thức tới hành động.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh chưa đầy đủ, các quy định, định nghĩa cụ thể về các danh mục, ngành, lĩnh vực xanh vẫn chưa được thống nhất để có thể áp dụng chung trên cả nước. Các lĩnh vực này hiện vẫn thiếu khung khổ pháp lý, tiêu chí đánh giá, công cụ đo lường tác động đến môi trường để hỗ trợ xây dựng chính sách, sản phẩm phát triển tín dụng xanh.

Lãi suất cho vay đối với các dự án xanh về cơ bản chưa có sự khác biệt với các khoản vay khác của ngân hàng. Mức lãi suất ngắn hạn dao động trong khoảng 6,2-9,4%/năm, các khoản vay trung dài hạn khoảng 9,4-11,4%/năm. Nguyên nhân là do cơ chế ưu đãi chưa rõ ràng, chi phí đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn bị kéo dài, rủi ro thị trường cao, dễ phát sinh chi phí đầu tư... Trong khi đó, các ngành nghề liên quan đến tăng trưởng xanh đều là những ngành nghề mới như điện mặt trời, điện gió, điện rác… cùng với việc các cơ chế, chính sách hiện tại chưa đủ thu hút để có thể lấy vốn từ các ngân hàng. Vì vậy, lãi suất cho các dự án xanh vẫn chưa có được sự ưu đãi tốt nhất, chưa thể giảm nhiều so với các lĩnh vực khác.

Trao đổi tại một toạ đàm, ông Mã Khai Hiền, chuyên gia năng lượng bền vững, Giám đốc Enterteam cho hay, không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu được tầm quan trọng của đầu tư xanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ – đối tượng chiếm số đông nhưng mỏng vốn, dễ bị tổn thương tài chính. Trong khi đó, chi phí đầu tư các sản phẩm công nghệ năng lượng bền vững, năng lượng xanh lại khá cao.

Ông Hiền cũng chia sẻ một số nhận xét thực tế khi tham gia triển khai các dự án xanh, đó chính là các vấn đề về kỹ thuật của dự án, kinh nghiệm trong thẩm cũng là hạn chế lớn đối với các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Chính do công nghệ và dự án mới nên kinh nghiệm của chủ đầu tư và ngân hàng chưa nhiều,  vì vậy cũng có thể tiềm ẩn rủi ro cao. Về phía ngân hàng, điều quan trọng là bộ phận thẩm định các dự án tín dụng xanh cần bổ sung một số kiến thức kỹ thuật cơ bản liên quan đủ để đến đánh giá hiệu quả dự án cho vay đầu tư.

“Giả sử đối với dự án đầu tư hệ thống “Tưới tiêu nhỏ giọt hiệu quả năng lượng cho nông nghiệp” tại một cơ sở, thì thời gian hoàn vốn trong bao nhiêu năm cho quy mô tại cơ sở đó liệu có khả thi, tiềm năng hay rủi ro thế nào trong quá trình vận hành hệ thống”, ông Hiền nêu ví dụ.

>>Tín dụng xanh cần xanh hơn

Thúc đẩy lựa chọn đầu tư xanh

Để làm gia tăng ý định tài trợ tín dụng xanh của các ngân hàng thương mại Việt Nam, cần có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa không chỉ đến từ phía ngân hàng, chính phủ, những bên cung cấp tín dụng mà phải từ cả phía cầu tín dụng.

Cần có nhiều sản phẩm tín dụng xanh với mức ưu đãi lãi suất tốt cho tất cả các doanh nghiệp ở nhiều quy mô, ngành nghề khác nhau (ảnh: Quốc Tuấn)

Cần có nhiều sản phẩm tín dụng xanh với mức ưu đãi lãi suất tốt cho tất cả các doanh nghiệp ở nhiều quy mô, ngành nghề khác nhau (ảnh: Quốc Tuấn)

ThS. Lê Phong Châu, ĐH Kinh tế Quốc dân khuyến nghị, về phía Chính phủ, cần hoàn thiện khung pháp lý, thể chế, có định nghĩa rõ ràng về những khoản tín dụng xanh và thuật ngữ liên quan; có hướng dẫn rõ ràng, nêu rõ những ưu đãi của ngân hàng thương mại khi tài trợ tín dụng xanh.

Đối với ngân hàng thương mại, cần thường xuyên gia tăng công tác đào tạo, huấn luyện và thực hiện những buổi chia sẻ kinh nghiệm cho các nhân viên, để có thêm kiến thức và hiểu biết về tín dụng xanh. Đặc biệt, ngân hàng nên lập một phòng ban quản lý rủi ro môi trường, để đánh giá được những tác động của các dự án đối với môi trường, từ đó có quyết định phù hợp trong tài trợ tín dụng hoặc theo dõi dự án.

“Riêng về phía cầu tín dụng, cần tích cực tìm kiếm những dự án gây ít tác động xấu đến môi trường giảm thiểu ô nhiễm cùng với đó đảm bảo sự xanh của dự án trong suốt quá trình thực hiện”, vị chuyên gia nói.

Còn theo ông Mã Khai Hiền, trước tiên, cần có nhiều sản phẩm tín dụng xanh với mức ưu đãi lãi suất tốt cho tất cả các doanh nghiệp ở nhiều quy mô, ngành nghề khác nhau, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm giúp sản phẩm tín dụng xanh được phổ biến rộng rãi ở nhiều hệ thống ngân hàng trong nước, cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm tín dụng xanh ngày càng nhiều hơn.

Song, sản phẩm tín dụng xanh cần trở nên thân thiện, dễ hiểu và tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi hơn so với trước đây.

Cùng với đó, các ngân hàng cần nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên trách như bổ sung các kiến thức cơ bản nhất liên quan đến đánh giá nhanh (giai đoạn đầu) tiềm năng hiệu quả/tiết kiệm năng lượng và tính khả thi của dự án trong quá trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ vay vốn liên quan đến các gói hỗ trợ tín dụng xanh, về đầu tư công nghệ hiệu quả năng lượng/tài nguyên.

Có thể bạn quan tâm

  • 8 khuyến nghị phát triển tài chính xanh tại Việt Nam

    15:30, 01/07/2022

  • Điểm tựa cho tài chính xanh phát triển

    05:30, 30/06/2022

  • Tài chính xanh – còn nhiều dư địa cho tăng trưởng xanh

    01:39, 03/03/2022

  • Triển vọng kinh tế năm 2022 và chính sách tài chính xanh

    17:00, 19/02/2022

DIỄM NGỌC