TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Thêm ngân hàng ngoại vào thị trường Việt
Trong tuần qua, thông tin ngân hàng Bank of America (BofA) - ngân hàng lớn thứ 2 tại Mỹ - đang nộp hồ sơ mở chi nhánh tại TP HCM với vốn đầu tư 50 triệu USD, đã làm nức lòng nhà đầu tư.
>>> TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Ngân hàng ngoại – Kẻ vào người ra
Đây là thông tin được đại diện BofA, ông Madhu Kannan, Phó chủ tịch điều hành Ngân hàng doanh nghiệp và đầu tư toàn cầu, chia sẻ trong buổi làm việc với đoàn đại biểu TP HCM do Chủ tịch UBND TP HCM dẫn đầu, công tác tại Mỹ.
BofA từng có văn phòng đại diện tại TP HCM nhưng tới 2002, văn phòng này đóng cửa do ngân hàng mẹ ở Mỹ có kế hoạch cải tổ lại toàn bộ hệ thống.
Theo ông Madhu Kannan cho biết, BofA đang nộp hồ sơ để mở chi nhánh tại Việt Nam, dự kiến đặt tại TP HCM với số vốn đầu tư 50 triệu USD. Dịch Covid-19 khiến việc thực hiện kế hoạch này bị chậm lại nên BofA đề xuất lãnh đạo TPHCM tạo điều kiện để chi nhánh ngân hàng sớm đi vào hoạt động.
Chủ tịch TP HCM cho biết mời BofA cùng tham gia, góp phần trong sự phát triển của thành phố khi nơi đây đang định hướng xây dựng thành trung tâm tài chính quốc tế là một phần nhiệm vụ của chuyến đi này.
Như vậy, sự xuất hiện của BofA có một ý nghĩa hết sức đáng kể, mặc dù cũng tại TP HCM, đã có sự hiện diện của chi nhánh JP Morgan TP. Hồ Chí Minh với vốn điều lệ 1.449,9 tỷ đồng. JP Morgan được biết là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Mỹ, trên cả BofA và đã có giấy phép đầu tiên có mặt tại VN từ 1999, quyết định có ở TP HCM từ tháng 5/2022.
Bên cạnh đó, theo danh sách các chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, chúng ta không chỉ có những ngân hàng, định chế hàng đầu toàn cầu kể trên, tính tới 30/6/2022, tổng số có tới 52 chi nhánh chủ yếu “đóng đô” ở Hà Nội, TP HCM và một phần ở Đồng Nai, Bình Dương.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã có sự hiện diện của 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 2 ngân hàng liên doanh, cùng với đó có tới 63 văn phòng đại diện của các ngân hàng nước ngoài trên thị trường 100 triệu dân, vẫn tính đến 30/6/2022 (nguồn: NHNN).
Dù vậy, sự xuất hiện của BofA vẫn làm nức lòng nhà đầu tư ở nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, kế hoạch tái xuất hiện trở lại trên thị trường tài chính Việt Nam của BofA trong bối cảnh mới cho thấy các định chế quốc tế đang “nhìn” về thị trường Việt Nam với cái nhìn tích cực, thậm chí hấp dẫn vì những lợi thế như: Sự ổn định của kinh tế - xã hội; tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân đầu người ngày càng cải thiện với sức chi dùng cao, các chính sách và cam kết mở cửa, hội nhập thị trường tài chính quốc tế… Điều này đang được xác nhận khá rõ từ tín hiệu nhiều định chế, ngân hàng ngoại đầu tư trở lại vào các ngân hàng nội sau một giai đoạn khối ngoại tạm thời im ắng, thậm chí là thoái vốn đối tác chiến lược ở các nhà băng.
Thực hiện cam kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), trong vòng 5 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực (1/8/2020), Việt Nam cam kết sẽ xem xét cho phép các tổ chức tín dụng EU được nâng mức nắm giữ lên tối đa 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam, trừ 4 ngân hàng có vốn Nhà nước. Theo CTCK Mirae Asset, đây cũng là một trong những động lực để nhiều nhà đầu tư đặt kỳ vọng đối với lĩnh vực ngân hàng Việt Nam, trước sự hứa hẹn hấp dẫn của thị trường.
Cùng với đó Chính phủ đã đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, cam kết mở cửa hội nhập thị trường tài chính. Qua đó có thể gợi mở về những cơ hội tốt hơn cho những định chế, tổ chức gia nhập thị trường sớm hơn.
>>> 3 giai đoạn phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM
Thứ hai, với TP HCM nói riêng, sự có mặt của các định chế lớn, các ngân hàng toàn cầu sẽ củng cố thêm điều kiện để kiến tạo Trung tâm tài chính quốc tế không chỉ mãi ở mong đợi hay dự án trên giấy. World Bank, trong một báo cáo sâu về kinh tế Việt Nam, đã gợi ý mô hình kinh tế mới của Việt Nam theo phương pháp khung quản lý tài sản - tích lũy tài sản quốc gia là sự kết hợp của bốn loại vốn: vốn sản xuất, vốn vật chất, vốn con người và vốn tự nhiên của quốc gia. Để cải thiện nguồn vốn, nâng cao hiệu quả vốn thì ở khía cạnh vốn vật chất, theo World Bank, ngoài việc phát triển cơ sở hạ tầng mới và hiện đại còn đòi hỏi phải cải thiện về hiệu quả quản lý đầu tư công, trong đó bao gồm cả việc vận hành, bảo trì, và sử dụng tài sản công hiện có. Việc này sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ của cơ sở hạ tầng. Cũng cần phải lên kế hoạch và phối hợp đầu tư công tốt hơn để tối ưu hóa sức mạnh/tác động tổng hợp giữa các ngành và giữa các vùng, bao gồm giữa thành thị và nông thôn và giữa thị trường trong nước và toàn cầu.
Việc cải thiện vốn vật chất rõ ràng cần sự hiện diện, cung cấp và bắc nhịp cầu nối tới các thị trường xa hơn, từ những ngân hàng, định chế toàn cầu như BofA. Và tất nhiên, là trong những định hướng cụ thể như tham gia vào tiến trình “đặt nền móng” cho “Phố Đông” của TP HCM.
Có thể bạn quan tâm