Vẫn nóng “tín dụng đen”
159.000 khách vay chịu lãi suất “cắt cổ” lên tới 2.000%/năm thông qua gần 300 ứng dụng cho vay online do 1 công ty tạo ra cho thấy, nhu cầu vay tiền của người dân vẫn cao và “tín dụng đen” vẫn nóng.
>>3 năm phát hiện xử lý 2.740 vụ tín dụng đen, nhiều bị hại là công nhân
Thực trạng khó kiểm soát
Thông tin từ đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (A05) Bộ Công an cho biết, mới đây cơ quan này vừa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (C02) và Công an tỉnh Lào Cai triệt phá đường dây cho vay nặng lãi quy mô lớn, hoạt động xuyên quốc gia do các đối tượng nước ngoài cầm đầu.
Cụ thể, các đối tượng này thành lập Công ty TNHH Công nghệ Funmobi hỗ trợ hoạt động vay đặt tại TP.HCM; bộ phận trung gian thanh toán hoạt động chi hộ/thu hộ đặt tại TP.Hà Nội và bộ phận nhắc nợ/thu hồi nợ đặt tại tỉnh Lào Cai.
Đường dây này sử dụng gần 300 ứng dụng cho vay tiền trên điện thoại di động như Vndong, Hitien, Zdong, Hvay,... đồng thời liên kết với gần 200 công ty cầm đồ, công ty tài chính để cung cấp các gói sản phẩm cho vay trị giá từ 2 đến 7 triệu đồng, kỳ hạn vay 7 ngày với lãi suất hơn 2.000%/năm.
Theo A05, tính đến nay đã có khoảng 159.000 khách hàng vay tiền qua các ứng dụng Vndong, Hitien, Zdong, Hvay,… với tổng số tiền vay là 1.802 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 659,6 tỷ đồng, số tiền thực tế khách hàng đã trả nợ là 830,1 tỷ đồng, phí phạt là 9,87 tỷ đồng, số tiền thu lời bất chính là 322,6 tỷ đồng.
Đây là vụ việc mới nhất liên quan tới vấn nạn tín dụng đen cho vay qua app online được phanh phui, thể hiện thực trạng nhu cầu vay thị trường tín dụng đen vẫn rất khó kiểm soát trong nhiều năm qua.
Báo cáo thực hiện Chỉ thị số 12 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” mà Bộ Công an gửi Thủ tướng cuối tháng 12/2021 nêu rõ: Hoạt động cho vay qua app, website vẫn phát triển, có khoảng hơn 200 ứng dụng cho vay trực tuyến liên quan đến tín dụng đen.
Vào đầu tháng 6/2020, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TP.HCM đã phối hợp với Công an Quận 1 tiến hành kiểm tra trụ sở Công ty TNHH Cashwagon, được cho là liên quan đến việc cho vay qua ứng dụng (app) với lãi suất, phí “cắt cổ” và bị nhiều nạn nhân tố cáo, đặc biệt là những thủ đoạn, chiêu trò biến con nợ thành những con nợ lớn hơn, chất chồng các khoản nợ đến mức không thể trả nổi.
Trước đó, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã phối hợp, chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM điều tra vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” do các đối tượng người Trung Quốc cùng đồng bọn thực hiện. Cơ quan công an cho hay, một số đối tượng người nước ngoài lập công ty tài chính, thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật, tạo ra ứng dụng cho vay tiền trực tuyến. Điển hình có thể kể đến các ứng dụng như “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online”.
Hay thời điểm cuối năm 2019, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã phối hợp, chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh điều tra vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” do các đối tượng người Trung Quốc cùng đồng bọn thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Điều đáng chú ý trong vụ án này là các đối tượng đã cho người dân vay với lãi suất 4,4 %/ngày, tương đương 1.600 %/năm.
>>Giải bài toán nhức nhối tín dụng đen
Giải bài toán pháp lý
Trên các phương tiện truyền thông nhiều năm qua cũng liên tục cập nhật các vụ việc đau lòng cùng những hệ lụy nghiệm trọng của người dân do việc vay tín dụng đen qua app online, thậm chí có người đã có những hành động dại dột.
Căn nguyên chính dẫn đến tình trạng trên vẫn là thực tế người dân cần tiền nhưng không tìm được nguồn nào đáp ứng nhu cầu trong khi vay các app online lại quá dễ dàng. Nguy hiểm hơn, người dân không có thông tin để biết app nào cho vay với lãi suất trong khuôn khổ của pháp luật, app nào là app tín dụng đen.
Do hoàn cảnh khó khăn như dịch bệnh, cắt giảm việc làm, cần tiền sinh hoạt, ốm đau,... người dân buộc phải tìm đến các app online để vay vì không có tài sản thế chấp cũng như thủ tục phức tạp. Chính vì vậy, các app cho vay tiền online sẽ được xem như một giải pháp nhanh chóng. Để có tiền, khách hàng sẽ liều vay mà không nghĩ đến kế hoạch trả nợ thế nào. Đến hẹn không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán thì họ sẽ bị phạt, lãi mẹ đẻ lãi con, thậm chí đi vay app khác để trả nợ và vòng xoáy vay-nợ sẽ đeo bám người dân.
Với nhu cầu quá lớn về vay cá nhân, thị trường ngoài các doanh nghiệp P2P Lending hoặc app cho vay chân chính, thì còn có nhiều công ty cho vay trá hình với lãi suất “cắt cổ”. Nếu không hiểu về cách tính lãi của các app tín dụng đen, người vay sẽ dễ bị lẩn quẩn trong vòng quay đó, khi trả gốc xong rồi nhưng vẫn lãi mẹ đẻ lãi con dẫn đến kiệt quệ.
Vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước nên đẩy mạnh việc quản lý các công ty cho vay ngang hàng bằng những khung pháp lý cụ thể, tăng tốc quá trình cấp phép thí điểm sand-box về P2P Lending để người dân lựa chọn đúng công ty, được đảm bảo bằng uy tín, áp dụng lãi suất theo quy định.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền thông tin tới người dân về việc vay dễ thì khó trả, người dân nên chủ động tìm hiểu thông tin trước khi vay, tránh việc bị “ép” vào con đường cùng. Rõ ràng, những ứng dụng cho vay nặng lãi online đã gây rối loạn thị trường, làm cho hình thức cho vay ngang hàng và thị trường tài chính công nghệ qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh bị biến tướng ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này.
Cũng theo đề xuất của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước cần tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng có liên quan đến hoạt động cho vay dễ phát sinh hoạt động tín dụng đen, trong đó có hoạt động vay trực tuyến, vay qua app, vay ngang hàng, về việc người nước ngoài đầu tư kinh doanh dịch vụ cho vay tại Việt Nam.
Nếu người dân phát hiện có dấu hiệu cho vay tín dụng đen thì cần kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng gần nhất và các bộ ngành liên quan phát hiện, yêu cầu doanh nghiệp có liên quan tăng cường kiểm duyệt, gỡ bỏ, cấm hoạt động với các ứng dụng, website có dấu hiệu liên quan đến hoạt động tín dụng đen, có phương án sao lưu, phục hồi dữ liệu phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp có liên quan theo quy định.
Đặc biệt, trước khi vay, người dân hãy thêm thời gian tìm hiểu về ứng dụng mà mình định vay, kiểm tra thông tin lãi suất có công khai không, tìm hiểu trên google, website, fanpage... của công ty đó, tìm hiểu có mã số thuế, địa chỉ công ty, thông tin về người đại diện trước pháp luật... Những bước trên chỉ mất vài phút nhưng chủ quan có thể gây ra nhiều hệ lụy không đáng có.
Có thể bạn quan tâm
3 năm phát hiện xử lý 2.740 vụ tín dụng đen, nhiều bị hại là công nhân
01:25, 13/06/2022
THỦ TƯỚNG ĐỐI THOẠI VỚI CÔNG NHÂN: Hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi, xoá bỏ tín dụng đen
12:22, 12/06/2022
Nông dân Đà Lạt sập bẫy "tín dụng đen" với hợp đồng giả cách
06:00, 17/06/2022
Sập bẫy "tín dụng đen" với hợp đồng giả cách, nông dân mòn mỏi chờ giải quyết
04:00, 20/06/2022
Thống đốc NHNN: Sẽ tăng cường các kênh tiếp cận tín dụng chính thức, hạn chế tín dụng đen
18:21, 08/06/2022
Giải bài toán nhức nhối tín dụng đen
11:02, 29/05/2022