Ứng phó rủi ro tỷ giá
Tỷ giá USD/VND tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp đã bị và có nguy cơ lỗ do chênh lệch tỷ giá.
Nhiều chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp nhập khẩu, có vay nợ nước ngoài cần có giải pháp ứng phó rủi ro tỷ giá.
>>> Tránh trả giá vì tỷ giá
Doanh nghiệp “ngấm đòn”
Công ty CP Đầu tư Cao su Đắk Lắk (UPCoM: DRI) là một ví dụ điển hình trong số nhiều doanh nghiệp bị lỗ chênh lệch tỷ giá. Cụ thể, chi phí tài chính quý 2/2022 tăng tới 430% do phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá gần 50,5 tỷ đồng (gấp 12,5 lần cùng kỳ năm ngoái), khiến lãi ròng của DRI giảm 88%, chỉ đạt hơn 4 tỷ đồng.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính cho biết, việc thanh toán bằng USD trong các giao dịch xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng 70%. Tính từ đầu năm đến nay, USD đã tăng 12,6% thì những doanh nghiệp nhập khẩu sẽ bị thiệt hại nặng.
“Giá xuất khẩu chỉ tăng bình quân 9%, trong khi đó giá nhập khẩu tăng tới 11%. Như vậy, chúng ta bị thiệt 2- 3%, chứ không có lợi nhiều. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp nước ngoài còn yêu cầu phía Việt Nam giảm giá nên khi USD tăng thì doanh nghiệp cũng không được hưởng hoàn toàn mức tăng đó”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
>>> Lạm phát, tỷ giá và dự phòng
Phòng ngừa rủi ro
Trước thực trạng trên, ThS. Đặng Ngọc Biên, Chuyên gia tài chính tại Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng nếu các doanh nghiệp thực hiện liên tục các chiến lược phòng ngừa rủi ro tỷ giá, sẽ dẫn đến tăng chi phí, làm giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể cân nhắc các lợi ích đem lại, cụ thể.
Thứ nhất, đối với rủi ro kinh tế, đòi hỏi các lựa chọn chiến lược của doanh nghiệp phải vượt ra ngoài lĩnh vực quản lý tài chính. Trong đó, cần phân phối các tài sản của công ty đến nhiều địa điểm khác nhau, giúp sức khỏe tài chính doanh nghiệp tránh được những ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá.
Thứ hai, về rủi ro giao dịch và chuyển đổi, nguồn bảo hiểm chống lại các tác động của rủi ro tỷ giá chính là những hợp đồng kỳ hạn. Cụ thể, doanh nghiệp có thể bán hoặc mua ngoại tệ trong tương lai theo tỷ giá hối đoái thỏa thuận được xác định trước, thay vì tỷ giá thị trường tại thời điểm giao dịch.
“Điều khoản của các hợp đồng kỳ hạn này được thiết lập bởi chính thị trường kỳ hạn và sẽ thay đổi theo kỳ vọng của mỗi bên tham gia vào sự biến động của tiền tệ. Các doanh nghiệp cũng có thể giảm rủi ro tỷ giá thông qua việc đảm bảo thực thi các khoản phải trả và các khoản phải thu. Một công ty cũng có thể thu tiền và thanh toán sớm hay trễ tùy thuộc vào biến động tỷ giá”, ThS. Đặng Ngọc Biên khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm