Tháo rào cản cho doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%
Sau 3 tháng triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, kết quả cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn còn hạn chế, cần sớm kiểm tra rà soát để có giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp.
>>Gấp rút hỗ trợ lãi suất 2%, gỡ khó cho doanh nghiệp
Kết quả hạn chế
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bộ ngành về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022 của Chính phủ.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, về kết quả triển khai, theo báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng. Hiện các ngân hàng đã và đang rà soát danh mục khách hàng đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất và đang đẩy mạnh công tác hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục hỗ trợ lãi suất.
NHNN cho biết qua ghi nhận sơ bộ từ báo cáo của các ngân hàng thương mại, nổi lên một số nguyên nhân, khó khăn dẫn tới chính sách chậm triển khai là khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất, khó khăn xuất phát từ phía khách hàng vay (ví dụ nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhưng không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc diện được hỗ trợ…) và nguyên nhân từ phía các ngân hàng thương mại.
Điển hình như trong lĩnh vực du lịch, sau hơn 2 năm đóng băng vì dịch bệnh thì đến nay mới rục rịch trở lại. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng, vào mùa cao điểm du lịch hè, các bên lữ hành cần nguồn tài chính lớn để đặt cọc tất cả các dịch vụ trong tour tuyến, nhưng doanh nghiệp đang tự thân vận động xoay sở nguồn tiền. Tiếp cận khoản vay lãi suất thông thường đã khó, gói vay hỗ trợ 2% lãi suất càng khó hơn.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. HCM cho biết, đến nay chưa có doanh nghiệp nào trong hiệp hội tiếp cận được chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Các doanh nghiệp du lịch tại TP. Hồ Chí Minh đang nỗ lực xây dựng nhiều chương trình, sản phẩm mới nhằm đón đầu du khách quốc tế, khi thị trường khôi phục hoàn toàn. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần nguồn vốn lớn, không chỉ vốn để duy trì, vận hành, củng cố chất lượng dịch vụ các chương trình cho du khách nội địa, mà cần phải đẩy mạnh tương tác với các đối tác truyền thống, xúc tiến kết nối tìm thị trường mới.
Hay theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho hay, rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay và mong muốn được vay. Nhưng việc tiếp cận lại rất khó khăn do các ngân hàng đều trả lời đang chờ quy định về quy trình cho vay và quyết toán.
“Các ngân hàng đều e ngại sẽ lặp lại tình trạng của năm 2009 khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất. Khi đó, nhiều khoản vay giải ngân nhưng không quyết toán được, có trường hợp quyết toán xong nhưng khi kiểm toán, thanh tra NHNN kiểm tra thì không chấp nhận, khiến ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn sau đó”, vị đại diện Hiệp hội nói.
Về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia lý giải, sau COVID-19, các doanh nghiệp đều rơi vào tình trạng hoặc có nợ xấu, hoặc hết tài sản đảm bảo, hoặc khả năng trả nợ bấp bênh. Ba điều kiện này đều là điều kiện tiên quyết để vay được vốn ngân hàng, nên để ngân hàng lựa chọn được khách hàng cho vay theo đúng tiêu chí của gói cấp bù lãi suất không hề đơn giản.
“Thường các ngân hàng sẽ lựa chọn xem xét lại một số khoản nợ xấu có thể gia hạn được và cũng có những ngân hàng thương mại xem xét lại tài sản đảm bảo. Hầu hết các ngân hàng thương mại đều đồng tình rằng, nếu khả năng trả nợ của doanh nghiệp tốt, làm ăn có hiệu quả, có đầu ra vững chắc thì họ có thể xem xét lại điều kiện tín dụng linh hoạt hơn một chút”, vị chuyên gia cho biết.
>>Tăng tốc và tăng quy mô hỗ trợ lãi suất
Sớm mở đường cho doanh nghiệp
Với những khó khăn hạn chế được nêu ra, phát biểu tại cuộc họp với NHNN, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đề nghị các bộ ngành tiến hành rà soát lại các quy định liên quan đến ngành nghề, đối tượng được hưởng, các điều kiện vay vốn… để kịp thời điều chỉnh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Trong đó, NHNN phải chủ động nắm bắt tình hình từ cơ sở, nếu phát hiện các khó khăn, vướng mắc thì kịp thời có các giải pháp khắc phục theo thẩm quyền, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đồng thời, Phó Thủ tướng giao NHNN ngay tuần sau phải tổ chức Hội nghị để tiếp thu ý kiến phản ánh của các ngân hàng thương mại, các bộ ngành liên quan (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp) phối hợp cử cán bộ tham dự để hướng dẫn, giải thích cho các tổ chức tín dụng.
Đặc biệt, NHNN sớm thành lập một số đoàn công tác có sự tham gia của các bộ ngành liên quan, để tiến hành khảo sát tình hình triển khai thực hiện của các ngân hàng thương mại, nắm bắt các vấn đề đặt ra trong thực tiễn để kịp thời có các biện pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc của cơ sở.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính đánh giá, vay vốn ngân hàng luôn là một vấn đề không đơn giản với các doanh nghiệp. Để vay được vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải đảm bảo đủ các điều kiện về tài sản đảm bảo, không có nợ xấu, khả năng thanh khoản…
Vì vậy, muốn doanh nghiệp hấp thụ tối đa được gói hỗ trợ lãi suất 2%, các ngân hàng cần tích cực cho vay với những doanh nghiệp có dự án sản xuất kinh doanh tốt, giải ngân dần dần theo tiến độ thực hiện dự án, từ đó giúp các doanh nghiệp vừa có nguồn vốn hồi phục và tăng trưởng, nhưng đồng thời vừa được hưởng lãi suất hỗ trợ mà Chính phủ đề ra.
“Mặt khác, phía ngân hàng cũng cần linh động xem xét các điều kiện doanh nghiệp được giải ngân nhanh chóng. Một trong những vấn đề Chính phủ cần lưu tâm trong thời gian tới, đó là thành lập Quỹ hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp, bởi nếu không có Quỹ đó thì khó có thể yểm trợ cho doanh nghiệp ứng phó, chống chịu với những cú sốc thị trường”. PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Gấp rút hỗ trợ lãi suất 2%, gỡ khó cho doanh nghiệp
11:00, 16/08/2022
Đối tượng nào được hỗ trợ lãi suất 2% mua nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ?
11:55, 11/07/2022
Tăng tốc và tăng quy mô hỗ trợ lãi suất
03:30, 11/07/2022
Khai thông gói hỗ trợ lãi suất: Cần kéo dài thêm thời gian
16:40, 12/06/2022
Khai thông gói hỗ trợ lãi suất: Thời cơ không có “độ trễ”
16:00, 11/06/2022