Khoảng cách chính sách tiền tệ Mỹ - Trung ngày càng xa
Việc Trung Quốc cắt giảm lãi suất càng làm gia tăng khoảng cách chính sách giữa quốc gia này với Mỹ và mọi sự chú ý đang đổ dồn vào động thái tiếp theo của FED tại Hội nghị Jackson Hole.
>>Ngược chiều chính sách với Mỹ, Trung Quốc sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất
Việc cắt giảm lãi suất mới nhất của Trung Quốc đã làm gia tăng khoảng cách chính sách giữa cách tiếp cận của Bắc Kinh và của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), điều này có thể gây ra thách thức hơn nữa cho nỗ lực ổn định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Động thái trong ngày 22/8 của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) nhằm hạ lãi suất cơ bản cho khoản vay kỳ hạn 1 năm và 5 năm (LPR) cũng làm tăng sự chú ý vào cuộc họp chính sách quan trọng của Mỹ sẽ diễn ra vào cuối tuần này. Cụ thể, PBoC đã cắt giảm LPR một năm dựa trên hầu hết các khoản vay mới và dư nợ từ 3,7% xuống 3,65%, trong khi thước đo 5 năm là tỷ lệ tham chiếu cho các khoản thế chấp cũng cắt giảm từ 4,45% xuống 4,3%.
Tại Mỹ, kể từ tháng 3 đến nay, FED đã tung ra các mức tăng lãi suất với nhiều kỳ vọng chống lạm phát khi tỷ lệ này đã vượt quá 9%. Gavelkal Dragonomics, một công ty nghiên cứu kinh tế cho biết, Chủ tịch Powell có khả năng sẽ nhắc nhở mọi người rằng, FED vẫn tập trung vào việc giảm kỳ vọng lạm phát trở lại mức bền vững 2%. Tương tự, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng ANZ Raymond Yeung cũng nhận định: “FED khó có thể làm chậm đáng kể tốc độ tăng lãi suất vì việc làm tăng mạnh và lo ngại lạm phát vẫn ở mức cao”.
Trước sự ngược chiều chính sách của hai quốc giá, bà Guan Yi Low, chuyên gia khu vực châu Á tại M&G Investments đánh giá, PBoC có dư địa để duy trì chính sách tiền tệ phù hợp, với mức lạm phát của Trung Quốc dự kiến sẽ duy trì dưới mức mục tiêu của ngân hàng trung ương là khoảng 3% trong năm 2022.
“Việc cắt giảm lãi suất hơn nữa sẽ dẫn đến chênh lệch lãi suất giữa Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác, đặc biệt là Mỹ, có thể làm dấy lên lo ngại về dòng vốn chảy ra, cũng như gia tăng áp lực lên thu nhập của ngân hàng, vốn đã có dấu hiệu tiêu cực do tăng trưởng chậm lại và suy thoái tài sản”, bà nói.
Theo SCMP, PBoC lần đầu tiên tham dự Hội nghị chuyên đề Jackson Hole vào năm 2005, nhưng các quan chức cấp cao của nước này phần lớn vắng mặt trong cuộc họp của các ngân hàng trung ương chủ chốt trong những năm gần đây. Jackson Hole trong quá khứ đã được sử dụng để đưa ra những thông báo quan trọng. Nhưng năm nay, trên mặt trận đó, thông điệp của FED đã rất rõ ràng kể từ khi Mỹ chuyển sang cách tiếp cận thắt chặt dựa trên dữ liệu kinh tế tháng 7. Kỳ vọng vẫn là ông Powell sẽ khẳng định lại những gì ông ấy và các đồng nghiệp đã nói trước công chúng vừa qua, mà không gây ra quá nhiều dự đoán trước cuộc họp tháng 9.
>>Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay, tìm cách hồi sinh lĩnh vực nhà ở
Sự khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa các quốc gia đã dẫn đến dòng vốn chảy ra từ Trung Quốc và phá vỡ tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ, đe dọa mục tiêu tăng trưởng của Bắc Kinh.
Theo S&P Global Ratings, dòng chảy tài chính ròng của Trung Quốc ước tính đạt 108 tỷ USD trong quý 2, tăng gần 38 tỷ USD so với một năm trước đó. Bắc Kinh đã nêu bật các chính sách tiền tệ độc lập của mình và có biện pháp kiểm soát vốn nhằm ngăn chặn dòng tiền chảy ra lớn hơn dự kiến, nhưng áp lực đã thể hiện nhiều hơn lên tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ.
Điểm cân bằng của đồng Nhân dân tệ do ngân hàng trung ương thiết lập, đã tiếp cận mức thấp nhất trong hai năm là 6,8198 CNY/USD vào ngày 22/8, cho thấy một đồng tiền Trung Quốc đang yếu hơn.
Các quan chức nước này từ lâu đã phàn nàn rằng, việc nới lỏng tiền tệ chưa từng có ở phương Tây kể từ năm 2020 đã thúc đẩy lạm phát toàn cầu và việc Mỹ tăng lãi suất liên tiếp làm tăng nguy cơ suy thoái. Cựu thống đốc PBoC Dai Xianglong phát biểu tại Hội thảo kỷ niệm 25 năm cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 rằng: “Đồng đô la Mỹ là một đồng tiền dự trữ chính. Các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển có quyền thúc giục chính phủ Hoa Kỳ, thông qua hội nghị thượng đỉnh G20 hoặc các cuộc họp liên quan giảm tỷ lệ nợ của mình xuống dưới 70%”.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được cho là sẽ không đạt mục tiêu hàng năm sau khi báo cáo chỉ tăng trưởng 2,5% trong nửa đầu năm nay. Standard Chartered, Goldman Sachs, Nomura và Natixis gần đây đều đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm 2022, với mức dự đoán từ 3,5 xuống 2,8%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 3,3%, giảm so với mức 4,4% vào tháng 4.
Sheana Yue, chuyên gia tại Capital Economics dự báo: “Chúng tôi dự đoán sẽ có thêm hai lần cắt giảm 10 điểm cơ bản đối với lãi suất chính sách của PBoC trong thời gian còn lại của năm nay và tiếp tục dự báo cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong quý tới. Nhiều khả năng PBoC sẽ sử dụng các biện pháp khác để khuyến khích các ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Mặc dù các biện pháp nới lỏng hơn đang được áp dụng, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn ít hơn so với với các đợt nới lỏng chính sách trước đây. Hơn nữa, PBoC đang có vẻ miễn cưỡng chấp nhận các biện pháp kích thích quy mô lớn, bất chấp tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng bất kỳ sự hỗ trợ bổ sung nào cũng sẽ không thể thúc đẩy một sự phục hồi mạnh mẽ”.
Có thể bạn quan tâm
Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay, tìm cách hồi sinh lĩnh vực nhà ở
13:01, 20/05/2022
“Co kéo” giảm lãi suất cho vay
00:00, 24/03/2022
Ngược chiều chính sách với Mỹ, Trung Quốc sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất
16:30, 15/03/2022
Lo ngại suy giảm kinh tế, Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay
17:50, 21/01/2022