Đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 2% lãi suất

DIỄM NGỌC 31/08/2022 04:50

Chia các đối tượng dựa theo tiêu chí sức khỏe tài chính, thay đổi điều kiện cho vay phù hợp,... có thể giúp các doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%.

>>Tháo rào cản cho doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%

Thay đổi điều kiện cho vay

Sau hai năm dịch bệnh khắc nghiệt, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã rời bỏ thị trường, chủ yếu do thiếu vốn. Trong khi đó, nguồn vốn lâu nay các DNNVV mong muốn tiếp cận là vốn ngân hàng, nhưng hầu như gặp khó bởi ngân hàng có nhiều điều kiện ngặt nghèo để đáp ứng khoản vay.

Chính sách ưu đãi doanh nghiệp đã được ban hành nhưng lại có những điều kiện ràng buộc đi kèm quá chặt chẽ sẽ khiến người cần thụ hưởng khó tiếp cận (ảnh minh hoạ)

Chính sách ưu đãi doanh nghiệp đã được ban hành nhưng lại có những điều kiện ràng buộc đi kèm quá chặt chẽ sẽ khiến người cần thụ hưởng khó tiếp cận (ảnh minh hoạ)

Cụ thể, báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải từ 2-3 năm liền có lãi, nhưng qua dịch, DNNVV không có lãi nên hồ sơ tài chính không đảm bảo, không vay được vốn tín dụng ngân hàng. Ngoài ra, DNNVV phải làm kế hoạch để chứng minh dòng tiền đó có thể trả nợ, song thị trường bấp bênh như hiện nay, DNNVV rất khó để thực hiện được việc này.

LS. Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đánh giá, thực tế những tiêu chí này đã được ngân hàng đặt ra từ trước COVID-19, nhưng nhiều DNNVV vẫn khó đáp ứng được.

“Chúng tôi đã từng làm chương trình kết nối doanh nghiệp với ngân hàng nhưng chỉ có doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt mới kết nối được; còn những doanh nghiệp khó khăn về tài sản đảm bảo, dòng tiền thì khó tiếp cận được vốn tín dụng. Do đó, nhiều người cho rằng, Nhà nước hỗ trợ 2% lãi suất nhưng doanh nghiệp không tiếp cận vì những lý do trên. Còn một lý do nữa là ngân hàng không muốn, không dám cho vay...

Một số giám đốc chi nhánh ngân hàng trao đổi, thời kỳ năm 2009-2010 có hỗ trợ lãi suất nhưng đến giờ vẫn chưa quyết toán xong. Do đó, với gói hỗ trợ lãi suất 2% hiện nay, cần hỗ trợ làm sao cho ngân hàng an toàn, ngân hàng cho vay rồi mà không quyết toán được thì cũng sẽ gặp nhiều rủi ro”, vị LS nói.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Mạc Quốc Anh, Viện Trưởng Viện Kinh tế & Phát triển Doanh nghiệp lý giải, trong quá trình triển khai chương trình, các ngân hàng thường gặp một số khó khăn như phải xác định rõ đối tượng cho vay, trong khi quan điểm của ngành ngân hàng là không hạ chuẩn tín dụng, chỉ cho vay nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Dù Nghị định 31/2022/NĐ-CP đã nêu rõ những nhóm đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc các lĩnh vực cụ thể, đủ điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ, nhưng vẫn cần chia các đối tượng này dựa theo tiêu chí sức khỏe tài chính và ưu tiên hỗ trợ những doanh nghiệp có khả năng phục hồi mạnh mẽ trước.

“Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, không có tài sản thế chấp khi làm thủ tục thì vay vốn là hoàn toàn bất khả thi. Vì vậy, doanh nghiệp cần được bảo lãnh tín dụng. Ngân hàng chỉ cần xem phương án của doanh nghiệp có thể tạo ra dòng tiền trả nợ không, nếu phương án kinh doanh tốt thì phê duyệt cho vay.  Điểm mấu chốt là nên thay đổi điều kiện cho vay một cách phù hợp và ngân hàng chịu trách nhiệm trong việc thẩm định này. Ví dụ, một doanh nghiệp mua dây chuyền máy móc thiết bị, qua thẩm định giá có thể cho thế chấp bằng chính hệ thống thiết bị đó”, TS. Mạc Quốc Anh phân tích.

Ở góc độ nghiên cứu, ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó viện trưởng viện Chiến lược, NHNN cho rằng, nếu chính sách ưu đãi doanh nghiệp đã được ban hành nhưng lại có những điều kiện ràng buộc đi kèm quá chặt chẽ sẽ khiến người cần thụ hưởng khó tiếp cận.

Vì vậy, vị chuyên gia cho rằng các chính sách hỗ trợ cần bám sát thực tiễn để chính sách có thể đi vào cuộc sống, đến đúng các đối tượng cần hỗ trợ. Chính sách hỗ trợ sẽ giảm ý nghĩa nếu quá khó khăn về thủ tục.

Đối với những doanh nghiệp đã làm đủ nghĩa vụ với ngân hàng, có tình hình tài chính lành mạnh sau khi đã để nợ quá hạn, nợ xấu tạm thời, có thể làm đơn đề nghị với ngân hàng trực tiếp quan hệ tín dụng. Cùng với đó, tình hình thực tế của doanh nghiệp sẽ được cập nhật, tổng hợp trên Trung tâm Thông tin tín dụng quốc giá (CIC) để ngân hàng có thể xem xét xóa toàn bộ thông tin về nợ xấu để có điều kiện tiếp cận vốn hơn về sau.

>>Gấp rút hỗ trợ lãi suất 2%, gỡ khó cho doanh nghiệp

Sát cánh cùng doanh nghiệp

Tại Hội nghị trực tuyến cả nước phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đề nghị:

Thứ nhất, đối với các ngân hàng thương mại, cần triển khai ngay việc phối hợp với khách hàng rà soát danh sách tất cả các khách hàng hiện hữu thuộc đối tượng, ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất, có khoản vay ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân từ ngày 01/01/2022 và có phát sinh kỳ trả lãi từ ngày 20/5/2022 để nắm bắt nhu cầu được hỗ trợ; thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định.

Thống đốc NHNN đề nghị, Các ngân hàng thương mại phải đảm bảo không để xảy ra trường hợp khách hàng đủ điều kiện, đúng đối tượng mà không được hỗ trợ lãi suất (ảnh minh hoạ)

Thống đốc NHNN đề nghị, các ngân hàng thương mại phải đảm bảo không để xảy ra trường hợp khách hàng đủ điều kiện, đúng đối tượng mà không được hỗ trợ lãi suất (ảnh minh hoạ)

Khách hàng được hỗ trợ lãi suất thì phải cập nhật ngay số liệu để NHNN tổng hợp, cùng với các Bộ, Ngành báo cáo kết quả với Chính phủ. Các ngân hàng thương mại phải đảm bảo không để xảy ra trường hợp khách hàng đủ điều kiện, đúng đối tượng mà không được hỗ trợ lãi suất.

Các tổ chức tín dụng quán triệt đầy đủ các nội dung, công việc phải triển khai tới từng chi nhánh, phòng giao dịch trong hệ thống về việc xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần khẩn trương, quyết liệt, kịp thời triển khai thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.

Thứ hai, đối với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất này, chủ động hướng dẫn tháo gỡ khó khăn phát sinh trên địa bàn và kịp thời phản ánh với ngân hàng nhà nước những vấn đề vượt thẩm quyền. Từ thực tiễn trên địa bàn, các chi nhánh ngân hàng nhà nước cần chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

NHNN chi nhánh chủ động phối hợp các sở, ngành địa phương tổ chức các Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp; tăng cường thông tin, đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng thương mại và khách hàng trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận chính sách, thể hiện tinh thần triển khai quyết liệt từ cơ sở.

Tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thành lập đường dây nóng để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân phản ánh những vướng mắc, khó khăn phát sinh và xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức tín dụng không triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất này.

Thứ ba, với các đơn vị thuộc Ngân hàng nhà nước Trung ương, theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong nước, quốc tế để tham mưu các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất chủ động, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; qua đó, tạo điều kiện hỗ trợ triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước.

Thành lập đường dây nóng tại Ngân hàng Nhà nước Trung ương để cùng đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố tiếp nhận các phản ánh chính sách từ người dân, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại nhằm kịp thời xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Theo kiến nghị của TS. Mạc Quốc Anh, các doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất là rất tốt, nhưng song song với đó, Nhà nước phải kích thích được tổng cầu tăng cao để đảm bảo cán cân cung – cầu ổn định.

Cụ thể như kích thích hoạt động mua sắm trong dân, tăng cường giao thương của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đầu chuỗi. Dòng tiền phải được nền kinh tế hấp thụ, sinh sôi nảy nở và lưu thông thì mới đúng ý nghĩa và giá trị thực. Chính sách hỗ trợ lãi suất về mặt chủ trương là rất đúng đắn và được ủng hộ, nhưng doanh nghiệp vay được vốn thì tiền phải đưa vào lưu thông, sản xuất và có hiệu quả để trả được gốc và lãi.

Với nhiều năm sát cánh cùng cộng đồng DNNVV, ông Mạc Quốc Anh nhận định, thách thức của nền kinh tế đặt ra hiện nay là tình hình thế giới bất ổn, áp lực lạm phát tăng cao, sức ép từ tỷ giá, người dân bắt đầu thắt chặt chi tiêu; trong khi đó, thu nhập của người dân lại không tăng và lợi nhuận trên mỗi đầu sản phẩm của doanh nghiệp bị giảm xuống. Nếu hàng hóa sản xuất ra mà tồn kho từ 20 - 30 % thì doanh nghiệp không đảm bảo được lợi nhuận để trang trải chi phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính.

“Để giải quyết bài toán căn cơ này, Chính phủ cần có chính sách kích thích sự mua sắm trong dân bằng việc kích thích các kênh bán hàng giá cả hợp lý, đồng thời đẩy mạnh hoạt động chi tiêu công.

Rõ ràng, chi tiêu công ảnh hưởng rất nhiều đến các ngành kinh tế. Đây còn là những hoạt động làm vì cộng đồng, xã hội, có mục tiêu rộng hơn khối tư nhân, liên quan đến đường xá, cơ sở hạ tầng, trường học, công viên cây xanh và các dự án lớn trải dài ở nhiều địa phương. Kích thích chi tiêu công sẽ hỗ trợ giải phóng lượng sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa lưu thông trên thị trường”, TS. Mạc Quốc Anh nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần có chính sách riêng để đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%

    04:00, 21/08/2022

  • Nới room tín dụng để hỗ trợ lãi suất

    12:00, 19/08/2022

  • Tháo rào cản cho doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%

    05:10, 19/08/2022

  • Gấp rút hỗ trợ lãi suất 2%, gỡ khó cho doanh nghiệp

    11:00, 16/08/2022

DIỄM NGỌC