Mở rộng đối tượng cho vay ngoại tệ
Nhiều chuyên gia cho rằng, NHNN nên xem xét mở rộng đối tượng vay ngoại tệ để giảm bớt áp lực lên tỷ giá cũng như giảm áp lực lên lãi suất tiền đồng.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần có lộ trình chuyển sang mua- bán ngoại tệ.
>>>4 thách thức giữ ổn định tỷ giá cuối năm
Ổn định tỷ giá
FED liên tục tăng mạnh lãi suất, đã đẩy USD tăng mạnh trên thị trường thế giới. Hiện USD Index đã vọt lên trên ngưỡng 110 điểm, tăng 14,6% so với đầu năm nay.
USD tăng mạnh đang tạo nhiều sức ép đến tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, tỷ giá tại các ngân hàng tăng chưa tới 4%. Để có được kết quả này, NHNN đã phải bán ra một lượng lớn USD từ dự trữ ngoại hối.
TS.Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy bán giám sát tài chính quốc gia nhấn mạnh, phải giữ cho bằng được ổn định tỷ giá. Đây là “phòng tuyến sông Cầu”, nếu vỡ phòng tuyến này thì lạm phát sẽ tràn vào.
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là tiếp tục ổn định bằng cách nào khi áp lực lên tỷ giá những tháng cuối năm được dự báo sẽ tiếp tục tăng?
>>>Cẩn trọng rủi ro khi đầu tư vào cổ phiếu doanh nghiệp lỗ tỷ giá
Chuyển cầu về tương lai
Theo TS. Trương Văn Phước, để tiếp tục ổn định USD/VND, NHNN nên xem xét mở rộng đối tượng cho vay ngoại tệ để chuyển cầu ngoại tệ hiện nay sẽ về tương lai. Mặc dù điều đó đi ngược lại chủ trương chống đôla hóa, song theo ông Phước, đây là sự đánh đổi hết sức cần thiết cho Việt Nam, trong bối cảnh hiện tại nếu không muốn phải tốn thêm dự trữ ngoại tệ để duy trì ổn định tỷ giá.
Đồng tình quan điểm này, một chuyên gia ngân hàng phân tích, hiện không ít doanh nghiệp phải mua ngoại tệ để thanh toán tiền hàng hóa nhập khẩu. Trong khi hoạt động nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hóa thường tăng rất mạnh trong dịp cuối năm, kéo theo nhu cầu ngoại tệ cũng tăng cao, từ đó tạo thêm áp lực đến tỷ giá.
“Nếu được vay ngoại tệ thì phải một thời gian nữa doanh nghiệp mới phải mua ngoại tệ để trả nợ. Điều đó sẽ giảm bớt áp lực lên tỷ giá những tháng cuối năm”, vị này phân tích.
Ngoài ra, việc được vay ngoại tệ cũng “chia sẻ” bớt nhu cầu vay tiền đồng, trong khi lãi suất vay USD lại thấp hơn khá nhiều so với lãi vay VND nên sẽ giảm bớt áp lực tăng lãi vay VND. Đó là điều mà các cơ quan quản lý đang mong muốn trong bối cảnh áp lực lạm phát lớn như hiện tại.
Tuy nhiên, vị chuyên gia nói trên cho rằng, chỉ nên mở rộng đối tượng cho vay ngoại tệ trong ngắn hạn. Bởi nếu kéo dài việc này, có nguy cơ xóa bỏ mọi thành tựu chống đôla hóa. “Về dài hạn, muốn chống đôla hóa, cần chuyển dần quan hệ vay - mượn sang mua - bán ngoại tệ, tiến tới chấm dứt hoàn toàn tín dụng ngoại tệ”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm