Chính sách vốn riêng biệt cho lĩnh vực nông nghiệp
Chính sách vốn là vấn đề tối quan trọng cho lĩnh vực nông nghiệp, để ra được mô hình sản xuất song song với chính sách cho vay, thì phải có Nghị định của Chính phủ về cho vay theo chuỗi giá trị.
>>Nới room tín dụng vẫn khó đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp
Nguồn lực kém hiệu quả
Hiện nay, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là các Nghị định của Chính phủ hay các thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước đã rất tập trung rất nhiều cho lĩnh vực nông nghiệp. Phải khẳng định rằng, vốn ngân hàng đã tiếp sức cho lĩnh vực này, góp phần mang lại hiệu quả lớn.
Về kết quả, có hai giai đoạn rõ nét bao gồm: Giai đoạn từ năm 1988 – 2007, đây là thời điểm vốn của ngân hàng tiếp cho các hộ nông dân mang lại hiệu quả to lớn trên nhiều khía cạnh, đưa nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, mang lại sự ổn định, từ một đất nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo, tạo giá trị lớn cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Trong những năm vừa qua, vốn cho nông nghiệp nông thôn đã góp phần giúp xuất khẩu của ngành nông nghiệp đạt được giá trị trên 40 tỷ đô la Mỹ. Đồng thời, từ hộ nông dân, trang trại, gia trại, các ngành nghề trồng lúa, nuôi trồng thuỷ sản đều phát triển khá mạnh, cải thiện lớn đời sống ở khu vực nông thôn với chương trình xây dựng nông thôn mới, mà đến nay nhiều xã, huyện đã đạt được.
Bằng thước đo kinh tế, vốn tín dụng đã góp phần đưa tăng trưởng GDP hằng năm của nông nghiệp từ 2,5% lên 3,5%, đóng góp một phần đáng kể vào tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Đối với giai đoạn từ năm 2007 đến nay, để có thước đo hiệu quả, cụ thể hơn về việc vốn tín dụng cho chương trình nông nghiệp, nông thôn cần phải tính toán một cách kỹ lưỡng hơn. Bởi dư nợ của ngành nông nghiệp đến thời điểm này là 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 25% so với tổng dư nợ của nền kinh tế và GDP của nông nghiệp chỉ đóng góp 12,5%, tương đương 50 tỷ đô la Mỹ. Tỷ lệ dư nợ trên GDP của ngành nông nghiệp chia cho GDP ngành nông nghiệp gấp 2,54 lần, trong khi bình quân chung của cả nền kinh tế, thì tín dụng cho GDP chỉ 124% (1,24 lần), để thấy rằng vốn bơm cho nông nghiệp rất lớn, nhưng hiệu quả mang lại theo chỉ số như vậy thì cần phải xem xét lại để nâng cao hiệu quả của nguồn vốn này.
Mặc dù, ngân hàng đã triển khai rất nhiều chương trình cho vay để phát triển sản xuất vùng nông thôn, nhưng người dân vẫn còn khó tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, thậm chí nhiều người phải tìm đến tín dụng đen để đáp ứng nhu cầu về vốn. Vấn đề này có một phần phụ thuộc vào người dân ở khu vực nông thôn, do thói quen, tiện lợi và ngại về thủ tục.
Cụ thể, người dân có thói quen khi thiếu tiền, cần gấp tiền thì tìm đến những địa chỉ nào cho vay thuận lợi nhất, không cần thủ tục rườm rà, nên mới dẫn tới câu chuyện vay nặng lãi hoặc cho vay lãi suất rất cao. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, hướng dẫn, tập huấn và quảng bá sản phẩm của các tổ chức tín dụng, cũng như các quỹ đến người nông dân chưa hiệu quả.
Tôi đã từng tiếp xúc với các hộ nghèo và được biết, một năm họ chỉ được tập huấn hai lần, lồng ghép cả tập huấn sản xuất với vay vốn. Vì thế người nông dân không thể nắm hết được các trình tự, thủ tục, lợi ích của sản phẩm tín dụng ra sao.
Một nguyên nhân rất quan trọng nữa đó là chính sách của chúng ta còn những điểm xung đột pháp lý, trong đó cải tiến chính sách và quy trình chưa được triệt để nhằm giảm bớt thủ tục hồ sơ, đặc biệt từ các quỹ hỗ trợ tài chính ngoài ngân sách. Do đó, cần phải rút gọn những thủ tục này và thực hiện một cách minh bạch, để người nông dân chỉ cần điền thông tin vào các biểu mẫu khi đi vay vốn, chứ không cần phải viết quá nhiều.
Đáng chú ý, với những người nông dân nuôi tôm, nuôi cá tra, hay sản xuất nông nghiệp nói chung không vay được vốn bởi vì còn có những khoản nợ bị khoanh lại do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh. Ví dụ như dịch tả châu Phi vừa qua khiến người nông dân thiệt hại, nợ được khoanh theo Nghị định 55 của Chính phủ và bổ sung Nghị định 116, nhưng đó vẫn là nợ xấu, cho nên khi đến vay ngân hàng có nợ xấu là nghiễm nhiên không đủ điều kiện vay vốn.
>>Tái cấu trúc Quỹ Bảo lãnh tín dụng
Xây dựng chính sách riêng biệt
Có ý kiến cho rằng, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn đến nay vừa thiếu, vừa yếu, đây là một quan điểm khá chính xác. Bởi vì hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp rất ít, những doanh nghiệp thực sự thành công trong lĩnh vực này cũng có những điểm sáng nhưng không nhiều.
Một lý do dễ hiểu là, doanh nghiệp muốn tham gia lĩnh vực nông nghiệp thì phải tích tụ ruộng đất, phát triển cánh đồng mẫu lớn, sản xuất quy mô lớn mới có năng suất cao và cạnh tranh được với nước ngoài. Tuy nhiên, tích tụ ruộng đất ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn, bên cạnh đó việc gắn kết trong chuỗi giá trị, hay tạo ra chuỗi giá trị với quy trình sản xuất theo chất lượng sản phẩm, đạt được các tiêu chuẩn của thế giới như Viet Gap, Global Gap,... đòi hỏi quy mô, mà chỉ có doanh nghiệp mới làm được nhưng chúng ta đang bị thiếu.
Có thể thấy, chất lượng sản phẩm và thương hiệu của Việt Nam trên bản đồ thế giới còn đang ở mức chập chững bước đi ban đầu, không khẳng định được thương hiệu và sản phẩm quan trọng của Việt Nam.
Nguyên nhân nữa đó là, có rất nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách, đơn cử như tại tỉnh Sơn La có 21 quỹ, mỗi quỹ khoảng vài chục tỷ đồng nhưng lại không hỗ trợ được ai vì hoạt động của những quỹ này không hiệu quả. Vấn đề đặt ra là tại sao chúng ta không tập trung nguồn lực lại để có quỹ lớn hơn? Thời gian vừa qua có quỹ hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực khởi nghiệp gọi là “Doanh nông trẻ” dành cho những doanh nhân trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Nếu được hỗ trợ thì các doanh nghiệp sẽ tiến quân vào lĩnh vực nông nghiệp rất nhiều.
Để hấp dẫn đầu tư vào nông nghiệp thì cần các nhóm giải pháp quan trọng lớn như: Thứnhất, là về chính sách, trong đó tập trung vào tích tụ ruộng đất. Nhà nước phải thành lập ngân hàng đất đai về quyền sử dụng đất của người nông dân, nếu người dân không dùng đất có thể gửi vào ngân hàng này. Theo quy hoạch sử dụng đất đai sẽ cho doanh nghiệp thuê lại đúng mục đích và thu một phần cổ tức từ doanh nghiệp để trả lại cho người dân.
Chính sách nữa là tiếp cận về năng lượng, khoa học công nghệ, con giống, đặc biệt là quy trình hỗ trợ cho doanh nghiệp và người nông dân làm được những quy trình về chứng chỉ như Viet Gap, Global Gap, ASC,...
Thứ hai, là về khoa học công nghệ xanh, như thủy canh. Hiện nay vẫn là những doanh nghiệp doanh nhân ở các nước phát triển như Nhật Bản gia nhập thị trường này tại Việt Nam, ví dụ như trồng tía tô xuất khẩu, bơ xuất khẩu vì họ trường vốn, sẵn sàng bỏ vốn cho người nông dân và đến mùa sẽ thu lại. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam không làm được, cũng không có giống mới, công nghệ mới.
Thứ ba, là sản xuất hàng hóa lớn, tổ chức được nhiều chuỗi giá trị gắn giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - người nông dân, hay tổ chức lại theo phương thức kinh tế tuần hoàn.
Thứ tư, là chính sách vốn, đây là vấn đề tối quan trọng, để ra được mô hình sản xuất song song với chính sách cho vay, thì phải có Nghị định của chính phủ về cho vay theo chuỗi giá trị.
Có thể bạn quan tâm
Vốn “mồi” xanh
01:14, 25/09/2022
Xây dựng nền nông nghiệp “số hóa” nhìn từ bài học của Hoa Kỳ
11:10, 25/09/2022
Tạo “đường băng” để du lịch nông nghiệp cất cánh
04:00, 22/09/2022
Thanh Hóa: 2 dự án lọt vào chung kết cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp - đổi mới sáng tạo”
12:29, 20/09/2022