CEO WiGroup: Dự trữ ngoại hối Việt Nam còn khoảng 87 tỷ USD
Theo CEO WiGroup Trần Ngọc Báu, để ổn định tỷ giá USD/ VND trong bối cảnh biến động vừa qua, NHNN đã sử dụng nhiều biện pháp và bán dự trữ ngoại hối ước khoảng 23 tỷ USD.
>>> Cổ phiếu ngân hàng: Phòng thủ hay thúc thủ?
Năm 2022-2024, dẫn thông tin dự phóng tăng trưởng kinh tế toàn cầu của các tổ chức lớn về giai đoạn này, CEO WiGroup cho biết nếu các tổ chức có cập nhật mới dự phóng thì con số thậm chí còn thấp hơn hiện nay bởi sự kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp hơn nhiều, các quốc gia lớn bước vào giai đoạn tăng lãi suất lớn, gây sức ép xấu hơn nữa đến triển vọng kinh tế thế giới.
Cụ thể, theo dự báo của các tổ chức, tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh năm 2022, tính trung bình các dự báo đạt khoảng 3%, thấp hơn nhiều so với mức 5,7% vào năm 2021.
Trong kịch bản xấu hơn nữa, tăng trưởng toàn cầu có thể chỉ ở mức 0-1%, suy thoái kinh tế là điều có thể diễn ra nhưng chưa có nhiều cơ sở. Sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu diễn ra ở các nước phát triển nơi họ phải tăng lãi suất tương đối mạnh mẽ để kiểm soát lạm phát.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới” do Trang thông tin điện tử tổng hợp VietnamBiz (vietnambiz.vn), Việt Nam Mới (vietnammoi.vn) và Công ty Cổ phần WiGroup phối hợp tổ chức, CEO WiGroup cũng cho biết ở những quốc gia đang phát triển và mới nổi như Việt Nam thì lạm phát không phải vấn đề nhưng vì bảo vệ tỷ giá nên phải tăng lãi suất, điều này gây áp lực lên tăng trưởng lên các quốc gia đang phát triển.
Đối với Việt Nam, dự phóng tăng trưởng kinh tế quý III khá tích cực. Ông Báu cũng nhấn mạnh tăng trưởng cả năm dự phóng sẽ rất tích cực, có tổ chức dự báo cao nhất là 8,5%, thấp nhất là 7%, bình quân khoảng 7,8% - vẫn là mức tương đối cao so với trước khi COVID-19 diễn ra. Tuy nhiên, kết quả này đạt được là do nền tảng cơ sở năm 2021 thấp.
Sang năm 2023 khi nền tăng trưởng năm 2022 cao cùng tăng trưởng kinh tế chậm lại toàn cầu thì tăng trưởng GDP Việt Nam dự kiến khoảng 6,8%, thấp hơn trước dịch COVID-19. Có thể nói là các tổ chức lớn đều nhìn thấy sự tiêu cực trong bức tranh kinh tế 2023 của Việt Nam.
>>>4 thách thức giữ ổn định tỷ giá cuối năm
Đáng chú ý trong chia sẻ, CEO WiGroup cho rằng thời điểm hiện nay, tỷ giá là một trong những "điểm nóng" nhất của nền kinh tế. Việt Nam trên thực tế đã có những bước điều chỉnh lãi suất từ tháng 7/2022, nhưng chỉ chính thức công bố vào tháng 9 mới đây, sau khi Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm. Và như đã đề cập, tuy lạm phát không đáng lo nhưng Việt Nam ở trong nhóm các nước phải sử dụng công cụ lãi suất để giảm nhiệt tỷ giá. Thời gian qua NHNN đã triển khai nhiều biện pháp trong đó đã liên tục bán dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá USD/ VND.
"Tổng hợp trên cơ sở dữ liệu của WiChart (Platform truy xuất và trực quan hóa dữ liệu tài chính thuộc WiGroup), NHNN đã bán ra 23 tỷ USD tương đương 22% dự trữ ngoại hối quốc gia. Theo đó, dự trữ ngoại hối quốc gia còn khoảng 87 tỷ USD, cảnh báo về mức 2,7 tháng nhập khẩu", ông Trần Văn Báu nói. Vị CEO cũng chia sẻ cơ sở dữ liệu độc lập với các số liệu ông nêu, khá sát gần với dữ liệu của một số tổ chức.
Trước đó và gần nhất, CTCK ACBS cũng nêu số liệu dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã hạ xuống mức 89 tỉ USD, tương đương 12 tuần nhập khẩu và vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. ACBS nhận định NHNN sẽ khó duy trì lãi suất liên ngân hàng thấp trong thời gian tới vì Fed có thể sẽ có thêm 3 đợt tăng lãi suất nữa từ giờ cho tới cuối năm, gây áp lực mất giá lên tỷ giá VND/USD.
Chính vì vậy, CEO WiGroup cho rằng, trong năm 2023, Việt Nam sẽ hỗ trợ tỷ giá bằng cách nâng thêm lãi suất. Mặt khác, năm 2023, áp lực tỷ giá sẽ không còn nặng nề khi nhiều quốc gia đạt tới đỉnh lạm phát và lãi suất của các nước này lập đỉnh ở 2023.
Có thể bạn quan tâm