Tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng Big 4 theo phương án nào?
Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước đề cập phương án tăng vốn điều lệ cho nhóm Big 4.
>>> Một loạt ngân hàng được tăng vốn điều lệ
Tại báo cáo thực hiện yêu cầu của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đang xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho bốn ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (thường được gọi là nhóm ngân hàng SOEs, hay là nhóm ngân hàng Big 4).
Cụ thể, việc tăng vốn điều lệ cho bốn ngân hàng thương mại có vốn nhà nước này, sẽ là:
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), đề xuất tăng vốn từ nguồn ngân sách nhà nước.
Ba ngân hàng còn lại đã cổ phần hóa và niêm yết gồm Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), thì Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến về việc phân phối lợi nhuận năm 2021 để làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét tăng vốn điều lệ cho ba ngân hàng này.
Theo nội dung trên, các phương án xem xét đề xuất tăng vốn điều lệ cho nhóm Big 4 sẽ giống với các phương án đã được trình và chấp thuận trong đợt tăng vốn gần nhất.
Theo đó, Agribank đã được Quốc hội thông qua và Chính phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn ngân sách nhà nước và Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng nhằm tăng vốn điều lệ cho ngân hàng này.
>>> Ngân hàng dồn dập đua tăng vốn
Vietcombank, VietinBank, BIDV đều cùng được phê duyệt các phương án sử dụng phần lợi nhuận, chia cổ tức để tăng vốn.
VietiBank đã phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận còn lại năm 2019, tổng vốn điều lệ tăng thêm là 10.824 tỷ đồng.
Vietcombank cũng đã phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận còn lại năm 2019, tổng vốn điều lệ tăng thêm là 10.237 tỷ đồng.
10.365 tỷ đồng là vốn điều lệ đã được tăng thêm của BIDV, sau khi thực hiện chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2018 - 2020.
Có điểm khác với giai đoạn trước đây, trong giai đoạn vừa qua, 3 ngân hàng này cũng được phê duyệt phương án chia cổ tức bằng tiền mặt song song với phát hành cổ phiếu. Một Lãnh đạo NHNN cho biết, việc phê duyệt phương án, trong giai đoạn mà các ngân hàng này được chia cổ tức tiền mặt, cũng là một cách các ngân hàng san sẻ với Nhà nước nhằm tăng nguồn lực hỗ trợ vượt đại dịch, phục hồi kinh tế.
Trước đó, trong kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2022, 3 ngân hàng Vietcombank, VietinBank và BIDV cũng đã trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2022.
Ban Lãnh đạo Vietcombank khẳng định với cổ đông là, việc tăng vốn điều lệ cũng sẽ tạo điều kiện để ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và đầu tư cho các dự án chuyển đổi để nâng cao năng lực quản trị và hoạt động. Do đó, ngân hàng trình cổ đông xem xét thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 và 2020. Với gần 856,6 triệu cổ phiếu sẽ phát hành để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 181 cổ phiếu mới), dự kiến sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng, từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng.
VietinBank đến "phút chót" ĐHĐCĐ đã đề xuất, bổ sung tờ trình tăng vốn điều lệ vứi phương án tăng từ 48.057 tỷ đồng lên 53.751 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020. Theo đó VietinBank sẽ phát hành hơn 569 triệu cổ phiếu để chia cổ tức, tương đương tỷ lệ 11,85%.
Đối với BIDV, ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 61.208 tỷ đồng. Phương án cụ thể là sẽ phát hành hơn 607 triệu cổ phiếu, tương đương 12% số cổ phần đang lưu hành, để trả cổ tức năm 2021. Với tỷ lệ chia cổ tức là 12%, cổ đông sở hữu 100 cổ phần tại thời điểm chốt danh sách sẽ nhận được 12 cổ phiếu phát hành thêm. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III và quý IV/2022, trên cơ sở phê duyệt của cơ quan nhà nước có thầm quyền. BIDV dự kiến huy động 6.070 tỷ đồng sau phát hành.
Cùng với đó, BIDV dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.552 tỷ đồng thông qua việc chào bán hơn 455 triệu cổ phiếu bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, tỷ lệ phát hành dự kiến là 9%. Thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2022 - 2023.
Ngoài các ngân hàng trên, đến nay, với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, NHNN cũng đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 15 tổ chức. Việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng là lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ. Hàng loạt các ngân hàng thương mại cổ phần tư vấn cũng đã và đang thực hiện các kế hoạch tăng vốn đã được phê duyệt trong năm, đưa thêm hàng tỷ đơn vị cổ phiếu ngân hàng vào niêm yết bổ sung trên sàn chứng khoán.
Trước đó, báo cáo của một CTCK cho biết khi kế hoạch tăng vốn của một số ngân hàng được thực hiện thành công, là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng giá cổ phiếu. Đây cũng là một trong những điều kiện mà các ngân hàng đang nỗ lực chạy đua, đáp ứng để có cơ hội đảm bảo các tiêu chí chấm điểm cao theo thang bậc của NHNN, qua đó có thể được nới room tín dụng tốt hơn (và đã phản ánh một phần qua đợt nới room gần nhất 7/9). Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang suy giảm mạnh như hiện tại, việc thêm hàng tỷ cổ phiếu mới của các ngân hàng lên sàn, làm pha loãng giá cổ phiếu và đẩy nhiều cổ phiếu ngân hàng rớt về xa dưới 2x, đang làm thị trường quan ngại hơn về khả năng bật dậy từ đáy sâu.
Có thể bạn quan tâm
Áp lực pha loãng cổ phiếu ngành chứng khoán từ các đợt tăng vốn khủng
05:30, 01/10/2022
Công ty Cổ phần điện Gia Lai - GEC dự kiến tăng vốn điều lệ lên hơn 4000 tỷ
11:08, 30/09/2022
Louis Capital hủy tăng vốn, lên kế hoạch chuyển từ lãi sang lỗ
05:00, 29/09/2022
SeABank tăng vốn điều lệ lên gần 19.809 tỷ đồng
17:40, 09/08/2022