Nóng hổi quy định tại Dự thảo về nới room ngoại của ngân hàng
“Room” ngoại của các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc TCTD yếu kém có thể sẽ được nới lên 49% thay vì 30% như hiện nay.
>>> Nới room ngoại cho ngân hàng
Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến, có nhiều quy định mới đáng chú ý.
Cụ thể, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6 về hình thức mua cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần trong trường hợp tổ chức tín dụng cổ phần chào bán cổ phần, phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung khoản 6a vào sau khoản 6 Điều 7 (Tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Trong trường hợp đặc biệt để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, Chính phủ quyết định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc vượt giới hạn quy định tại khoản 5 Điều này khi phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc.
>>> Ngân hàng nào sẽ được nới room ngoại lên 49% theo EVFTA?
Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 7, tỷ lệ sở hữu quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 6a Điều này bao gồm cả phần vốn nhà đầu tư nước ngoài ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần.
Về điều kiện đối với tổ chức tín dụng Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (Điều 11), dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau: Tổ chức tín dụng cổ phần có phương án tăng vốn điều lệ được Đại hội đồng cổ đông thông qua, trong đó có phương án bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Đối với tổ chức tín dụng có tỷ lệ sở hữu của Nhà nước trên 50% vốn điều lệ, phương án tăng vốn điều lệ thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính của doanh nghiệp nhà nước trước khi trình Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Dự thảo vẫn giữ nguyên các quy định như: một tổ chức nước ngoài không được sở hữu quá 15%, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được sở hữu quá 20%, một nhà đầu tư nước ngoài và người liên quan không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ của một TCTD Việt Nam. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.
Theo quy định tại Dự thảo, nếu được thông qua và có hiệu lực sớm, các tổ chức tín dụng đang nhận chuyển giao bắt buộc TCTD yếu kém gồm Vietcombank, MBBank, HDBank và VPBank sẽ là những ngân hàng "sáng giá" vì có cơ hội nới room ngoại tối đa lên tới 49%.
Bên cạnh đó, cũng cần nhớ theo Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), trong 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực (ngày 01/08/2020), Việt Nam đã cam kết xem xét cho phép 2 tổ chức tín dụng Châu Âu được phép sở hữu tới 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ không áp dụng đối với các SOCB như BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank khỏi cam kết này.
Như vậy ngay trong thời gian tới, nền kinh tế kỳ vọng có thể có tổng cộng tới 6 TCTD sẽ "rộng cửa" đón vốn của nhà đầu tư nước một cách rộng rãi, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm đối tác và góp vốn "đủ size" từ các định chế nước ngoài đối với thị trường Việt Nam, cũng như tăng cơ hội nâng cao năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh, hội nhập quốc tế của các ngân hàng Việt.
Có thể bạn quan tâm
Ngân hàng nào cần nới room ngoại?
16:35, 07/11/2021
Sẽ nới room ngoại cho nhóm cổ phiếu ngành xăng dầu trên sàn niêm yết?
05:25, 12/06/2021
Ngân hàng Bản Việt hạn chế room ngoại, vì sao?
05:35, 01/06/2021
Vì sao HSC muốn hạ room ngoại?
05:00, 23/04/2021
Room ngoại của cổ phiếu OCB bao nhiêu?
05:18, 07/04/2021