Tìm giải pháp gỡ nút thắt thanh khoản

DIỄM NGỌC 07/12/2022 15:54

Theo TS. Võ Trí Thành, cái khó lớn nhất là cùng một lúc chúng ta phải xử lý 3 bài toán gồm ổn định vĩ mô, tỷ giá và an toàn hệ thống tài chính ngân hàng, nhưng để tìm điểm cân bằng lại không đơn giản.

>>Thoát áp lực tỷ giá, căng thẳng thanh khoản tăng

Khó tìm điểm cân bằng

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế đánh giá, việc tắc nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế hiện nay đến từ nhiều vấn đề như câu chuyện chính sách, kênh dẫn vốn tín dụng, trái phiếu, đến cổ phiếu. Với sự ảm đạm của thị trường thì IPO là điều không dễ, tất cả những phương thức huy động đều khó khăn, tâm lý thị trường trong trạng thái phòng thủ cao, nhiều người có tiền nhưng không xuống tiền đã dẫn đến thanh khoản bị tắc nghẽn.

Hiện nay, câu chuyện về tỷ giá, cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam chưa phải quá khó khăn, nhưng cũng không được như những năm trước đây

Hiện nay, câu chuyện về tỷ giá, cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam chưa phải quá khó khăn, nhưng cũng không được như những năm trước đây

Cái khó lớn nhất hiện nay là cùng một lúc chúng ta phải xử lý 3 bài toán gồm: Thứ nhất, là ổn định kinh tế vĩ mô mà câu chuyện không chỉ đơn thuần là lạm phát. Nếu tính theo năm, tính theo cùng kỳ thì lạm phát đang tăng; 10 tháng đầu năm là 4,3% chứng tỏ mục tiêu chúng ta đạt được chỉ ở mức trung bình.

Thứ hai là câu chuyện về tỷ giá, cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam chưa phải quá khó khăn, nhưng cũng không được như những năm trước đây.

Thứ ba, là an toàn của hệ thống tài chính ngân hàng. Không riêng sản xuất kinh doanh ở những lĩnh vực phi tài chính, mà còn liên quan đến cả hệ thống tài chính ngân hàng.

Trong khi quá trình phục hồi vẫn đang tiếp tục, nhưng phía trước chắc chắn sẽ khó khăn hơn. Tất cả các dự báo kinh tế gần đây của các tổ chức đều cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn phục hồi nhưng sẽ chậm lại và mặt bằng so sánh của năm tới với năm nay, hay năm nay với năm trước là rất khác nhau.

Mục tiêu Chính phủ đặt ra được Quốc hội thông qua có hai điểm chính: Một là tăng trưởng chỉ còn 6,5%, hai là lạm phát chấp nhận ở mức cao hơn, khoảng 4,5%. Điều đó thể hiện việc cân bằng thế nào giữa các mục tiêu, từ ổn định vĩ mô đến an toàn hệ thống tài chính ngân hàng và phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Bài toán đi tìm điểm cân bằng đó không đơn giản. Dưới góc độ của doanh nghiệp thì vốn là nhu cầu rất chính đáng, ở góc độ người tiêu dùng là nhu cầu về thu nhập đảm bảo đời sống, còn từ góc độ của cơ quan quản lý là phải an toàn hệ thống, ổn định vĩ mô. Bởi vì nếu “vỡ trận” thì tất cả cũng vỡ và đã có nhiều bài học xương máu từ thế giới đến Việt Nam”, TS. Võ Trí Thành phân tích.

Vị chuyên gia cho biết thêm, hiện nay chúng ta triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ phục hồi chưa nhanh, chưa được như mong muốn. Hiện tại mới thực hiện được 60.000 tỷ đồng, nghĩa là còn gần 300.000 tỷ đồng vẫn chưa thực hiện được, vì vậy cần phải đẩy mạnh vấn đề này.

“Thời gian vừa qua tại Trung Quốc đã có một chương trình 16 điều “giải cứu” bất động sản với tinh thần cơ bản là nới ít nhiều điều kiện cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, cùng với đó là nới tín dụng cho những người mua nhà ở và tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu quay lại vận hành. 16 điều này khá cụ thể, Việt Nam cũng có thể nhìn vào đó để có những cách hỗ trợ phù hợp. Thực tế Chính phủ Việt Nam cũng đang bàn các giải pháp vượt khó gắn với các điều tôi đã nêu trên”, vị chuyên gia nói.

>>NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2%

Nới room tín dụng sao cho phù hợp?

Mới đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa quyết định nới chỉ tiêu tín dụng cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5-2%, thay vì trước đó kiên quyết không nới room quá 14% cho cả năm 2022.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa quyết định nới chỉ tiêu tín dụng cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5-2%

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa quyết định nới chỉ tiêu tín dụng cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5-2%

Dữ liệu từ CTCK VNDirect cho thấy, cung tiền M2 (tiền mặt, tiền gửi không kỳ hạn, cộng với tiền gửi tiết kiệm) chỉ tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước trong ba quý đầu năm nay, thấp nhất trong 10 năm qua. Trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục sau đại dịch COVID-19, nhu cầu vay đã tăng mạnh kể từ đầu năm 2022, dẫn đến ngay từ cuối quý 2 năm nay, tín dụng đã tăng mạnh 9,4% so với đầu năm. Ngay thời điểm đó, hầu hết các ngân hàng thương mại đều chạm hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu do NHNN giao.

TS. Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT CTCK Smart Invest cho rằng chúng ta phải nhìn nhận thực tế về việc gặp khó khăn khi tiếp cận vốn đến từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị tê liệt, vì hơn 900.000 tỷ đồng của các tổ chức phi tài chính phát hành trong suốt giai đoạn vừa qua. Để gỡ nghẽn được việc tiếp cận vốn này, chúng ta phải quan tâm đến việc giải cứu cho thị trường trái phiếu.

Trước đây, thị trường trái phiếu chưa lớn đến mức như vậy nên thị trường biến động như thế nào cũng không ảnh hưởng đến thị trường tài chính tiền tệ nói chung, nhưng đến nay, quy mô đã lớn và việc thị trường bị nghẽn sẽ làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường, dẫn đến các thị trường vốn khác bị tắc nghẽn lại.

Giải pháp đưa ra lúc này, thì room tín dụng chắc chắn cũng là một vấn đề cần phải xem xét. Nhưng câu chuyện nên được tính toán dài hạn hơn cho những năm sau, đó là room tín dụng của Việt Nam trong năm 2022 là 14%, song khi triển khai, NHNN không giao hạn mức cho từng ngân hàng thương mại là bao nhiêu từ đầu năm, mà  giao theo tỷ lệ nhất định, theo giai đoạn nhất định và sau đó mới lại xem xét điều chỉnh tiếp.

“Vậy nên chăng, khi room tín dụng vẫn là một trong những công cụ kiểm soát lượng cung tiền trên thị trường, chúng ta có thể linh hoạt hơn bằng cách giao tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại từ đầu năm với sự tính toán từ đầu. Khi đó các ngân hàng thương mại sẽ phải chủ động điều tiết, không dẫn đến tình trạng cho vay hết trong 6 tháng đầu năm, sau đó muốn cho vay thêm thì phải đi thu hồi nợ cũ. Có những giai đoạn cao điểm, NHNN chưa kịp nới room dẫn đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh của từng ngành không tiếp cận được.

Yếu tố nữa mà chúng ta cần xem xét đó là, không nên bó cứng room tín dụng cho toàn ngành, mà nên bó cứng ở một số phân ngành có tính chất đầu cơ cao, đặc biệt những ngành về đầu tư cổ phiếu. Hay bất động sản cũng phải có sự chọn lọc rõ ràng, những nhà phát triển bất động sản tốt thì không nên bó cứng, tránh dẫn đến việc giá bất động sản không giảm đi so với những giai đoạn vừa qua, thậm chí còn tăng lên và việc tiếp cận bất động sản cho nhu cầu chính yếu càng khó khăn do lượng cung trên thị trường ít đi”, ông Tuấn khuyến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần “cú hích” cho tín dụng

    16:35, 05/12/2022

  • Cấp bách nới room tín dụng: Nắn dòng vốn vào sản xuất kinh doanh

    01:00, 03/12/2022

  • NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2%

    19:15, 05/12/2022

  • Thoát áp lực tỷ giá, căng thẳng thanh khoản tăng

    05:30, 04/12/2022

  • Giải quyết khó khăn thanh khoản cho thị trường bất động sản

    11:20, 02/12/2022

DIỄM NGỌC