Áp lực tỷ giá hạ nhiệt

DIỄM NGỌC 28/12/2022 05:30

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, từ cuối tháng 11, đầu tháng 12/2022, đồng USD đã chững lại và xu hướng chung là sẽ giảm và việc Việt Nam giữ ổn định tỷ giá sẽ giúp ổn định xuất khẩu hơn.

>>Những lưu ý với tỷ giá

Đồng USD đã giảm mạnh vào ngày 27/12 trong khi các loại tiền tệ của Úc và New Zealand tăng vọt, trước thông tin Trung Quốc sẽ hủy bỏ quy tắc kiểm dịch COVID-19 đối với khách du lịch trong nước – một bước quan trọng để nới lỏng các hạn chế ở biên giới.

Chuyên gia đánh giá, theo xu hướng, tháng 12 là một tháng yếu đối với đồng bạc xanh

Chuyên gia đánh giá, theo xu hướng, tháng 12 là một tháng yếu đối với đồng bạc xanh

Theo đó, đồng đô la New Zealand tăng 0,65% lên 0,63115 USD còn đô la Úc tăng 0,25% lên 0,67485 USD.

Trước đó, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, quốc gia này sẽ ngừng yêu cầu khách du lịch trong nước phải cách ly khi đến nơi kể từ ngày 8/1, ngay cả khi các ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến. Đồng thời, Bắc Kinh đã hạ cấp các quy định quản lý những trường hợp nhiễm COVID-19 xuống Hạng mục B ít nghiêm ngặt hơn so với Hạng mục A là cấp cao nhất.

Christopher Wong, chiến lược gia tiền tệ tại OCBC cho rằng: “Dường như tốc độ nới lỏng các hạn chế do COVID vẫn chưa giảm bất chấp số ca nhiễm ở đại lục gia tăng. Điều này có lẽ thể hiện quyết tâm mở cửa trở lại hoàn toàn của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Ngoài ra, có tin tức về việc Trung Quốc có khả năng thực hiện các biện pháp “phi thường” để hỗ trợ tăng trưởng".  

Dữ liệu được công bố vào thứ Sáu cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Hoa Kỳ hầu như không tăng trong tháng 11, trong khi lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, củng cố kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang có thể thu hẹp quy mô trên con đường thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ của mình.

Chiến lược gia Francesco Pesole của ING FX ví von, theo xu hướng, tháng 12 là một tháng yếu đối với đồng bạc xanh. "Điều đáng ghi nhớ là đồng USD đều tăng trong bốn năm qua vào tháng 1. Quan điểm của chúng tôi cho đầu năm 2023 vẫn là đồng tiền này sẽ phục hồi".

>>TS Cấn Văn Lực: Áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất vẫn là thách thức ở 2023

Trước diễn biễn trên, đồng yên Nhật đã tăng 0,1% lên 132,75 JPY/USD, đồng tiền dễ bị tổn thương này gần đây được hỗ trợ bởi sự điều chỉnh bất ngờ của Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) đối với chính sách đường cong lợi suất vào tuần trước.

Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda đã từ bỏ cơ hội thoát khỏi chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo trong thời gian ngắn, ngay cả khi thị trường và các nhà hoạch định chính sách đang báo hiệu sự tập trung ngày càng tăng vào những gì xảy ra sau khi nhiệm kỳ của ông Kuroda sẽ kết thúc vào tháng 4 năm sau.

Các nhà phân tích tại Wells Fargo bình luận: "Mặc dù việc điều chỉnh chính sách đã làm tăng thêm sự không chắc chắn cho triển vọng của BOJ, nhưng chúng tôi tiếp tục nghiêng về phía các nhà hoạch định chính sách của BOJ sẽ không điều chỉnh thêm chính sách nào cho đến cuối năm 2023. Áp lực lạm phát dự kiến sẽ giảm bớt, điều này sẽ làm giảm động lực của BOJ đối với các động thái chính sách tiếp theo".

Tại thị trường Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sáng ngày 27/12 đã niêm yết tỷ giá trung tâm ở 23.624 đồng, giảm nhẹ 2 đồng so với phiên trước. Như vậy, tỷ giá trung tâm đã có phiên giảm thứ 10 liên tiếp với tổng mức giảm là 31 đồng.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho biết, trong năm 2023, tỷ giá hối đoái sẽ không có nhiều biến động. Ông Thịnh chia sẻ vừa qua nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo lắng về việc đồng USD có thể lên giá mạnh, ảnh hưởng lớn đến VND, nên có ý kiến đề nghị phá giá VND ở mức 9- 10% nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên theo quan điểm của vị PGS, điều đó là không nên.

“Việc ổn định tỷ giá, để tỷ giá thay đổi ở mức 3- 4% sẽ giúp ổn định xuất khẩu hơn. Bởi vì thực tế, Mỹ tăng lãi suất nhằm nâng cao giá trị đồng USD và hút đầu tư nước ngoài về Mỹ, từ đó tác động lâu dài đến quá trình sản xuất và nâng cao tiềm lực của nước Mỹ. Vậy Việt Nam giữ ổn định tỷ giá với USD, thì đầu tư nước ngoài sẽ không chạy khỏi Việt Nam, thậm chí sẽ vào Việt Nam nhiều hơn.

Trong năm 2022, giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài đều tăng và đầu tư gián tiếp cũng tương tự do đồng Việt Nam giữ giá. Có thể Mỹ sẽ còn điều chỉnh lãi suất nhưng chắc chắn tỷ giá sẽ giảm áp lực. Cuối tháng 11, đầu tháng 12/202 2, đồng USD đã chững lại và xu hướng chung là sẽ giảm. Thực tế nếu USD không không giảm, thì Việt Nam cũng không đủ tiền can thiệp vào tỷ giá”, PGS. TS. Định Trọng Thịnh dự báo.

Có thể bạn quan tâm

  • Những lưu ý với tỷ giá

    03:30, 25/12/2022

  • TS Cấn Văn Lực: Áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất vẫn là thách thức ở 2023

    12:25, 18/12/2022

  • Fed, tỷ giá và nới room tín dụng của Việt Nam

    05:00, 07/12/2022

  • Thoát áp lực tỷ giá, căng thẳng thanh khoản tăng

    05:30, 04/12/2022

DIỄM NGỌC