Tỷ giá không phải là vấn đề lớn trong năm 2023
Theo CEO AFA Capital, thời điểm hiện tại, vấn đề lo ngại không phải tỷ giá mà là viễn cảnh về việc không tăng trưởng, giảm tăng trưởng hoặc suy thoái mới cần được quan tâm nhiều hơn.
>>Áp lực tỷ giá hạ nhiệt
Theo đánh giá của ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital dưới góc nhìn ổn định kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã làm rất tốt công việc ổn định tỷ giá trong thời gian qua.
Khi đặt trong một môi trường với các công cụ hạn chế như dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ còn đủ khoảng gần 3 tháng nhập khẩu và không còn dư địa nào để bán hay can thiệp vào thị trường, thì ngay lập tức NHNN đã nới biên độ lên khoảng 5%, tạo một khoảng cho thị trường vận động trong khu vực có thể kiểm soát được.
Trong khi đó, tỷ giá là một mặt của lãi suất. Ngay sau khi NHNN có các hành động nhanh, quyết liệt, thậm chí là “quyết liệt quá” khi hai lần tăng lãi suất điều hành từ 4% lên 5% trong tháng 9 và từ 5% lên 6% trong tháng 11, chủ động trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã cho thấy sự cứng rắn về việc giữ ổn định tỷ giá.
“Có thể nói, việc biến động tỷ giá phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhìn một cách hệ thống sẽ thấy đó là những yếu tố ngắn hạn và dài hạn, cụ thể:
Về yếu tố ngắn hạn, trên thị trường liên ngân hàng, khi lãi suất ở thời điểm trước đã rất cao, lãi suất qua đêm có lúc đạt đỉnh lên đến 8,44% và lãi suất một tháng các ngân hàng cho nhau vay đạt đỉnh ở khoảng 11,25%. Nghĩa là việc họ vay VND để mua USD không còn có lợi nữa, thì phải bán USD đi để lấy VND về.
Về dài hạn có các yếu tố như số liệu cán cân quý 3/2022 không mấy khả quan, nhưng số liệu tháng 11-12 đã cho thấy con số tích cực, đặc biệt con số xuất nhập khẩu đã đạt đến hơn 700 tỷ USD. Đây là con số trong 7 năm liên tiếp chúng ta xuất siêu và trong cán cân thương mại, hiện chúng ta đâu đó dương khoảng 10 tỷ USD.
Kết hợp với đó là kỳ vọng tăng lãi suất của FED trong năm 2023 đã giảm nhiều, các ngân hàng đầu tư lớn trên thế giới đều có dự phóng là năm 2023 lãi suất chỉ tăng đâu đó khoảng 0,5 - 0,75% và sẽ đạt đỉnh, cũng như đến cuối năm sau có dấu hiệu giảm nhẹ. Vì vậy, dấu hiệu hạ nhiệt tỷ giá trong thời gian qua cụ thể ở Việt Nam phần lớn là do tâm lý găm dữ trên thị trường liên ngân hàng”, ông Tuấn phân tích.
>>Những lưu ý với tỷ giá
Cũng theo vị CEO, về kịch bản tỷ giá năm 2023 chúng ta nên nhìn rộng ra ở toàn nền kinh tế với những yếu tố vĩ mô. Ông Tuấn nhận định thời điểm xấu nhất như áp lực tỷ giá từ bên ngoài, áp lực thanh khoản từ bên trong, cộng với các biến cố phi thị trường dẫn đến tâm lý xáo động như vấn đề về trái phiếu đã tạm thời được gạt sang một bên.
“Nhìn sang năm 2023, tôi hy vọng thị trường tài chính đã ở mức nền để ổn định còn tăng trưởng thì chưa nghĩ đến. Tôi kỳ vọng tỷ giá năm 2023 nếu có tăng sẽ vẫn trong biên độ 2% như chúng ta vẫn thường kỳ vọng về mức độ mất giá của đồng tiền.
Tuy nhiên có một số điểm cần lưu ý đó là: Thứ nhất, chúng ta phải quan sát thị trường tiền tệ. Đây là thị trường vốn ngắn hạn và thông thường các hoạt động đầu cơ đẩy giá lên - xuống chủ yếu nằm ở thị trường này. Nếu lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp và lãi suất USD trên thị trường quốc tế cao thì sẽ có biến động. Tâm lý găm giữ, kỳ vọng tỷ giá lên sẽ dẫn đến hoạt động đầu cơ.
Thứ hai, đó là thị trường vàng. Trong giai đoạn thế giới đang được đánh giá là suy thoái thì giá vàng có xu hướng tăng rất rõ ràng. Đặc biệt tới đây có ngày Thần tài và châu Á sẽ có xu hướng tích trữ, điều đó cũng có tác động đến giá USD tự do ngoài thị trường.
Thứ ba, chúng ta nhìn rộng hơn sang nền kinh tế lớn bên cạnh Việt Nam là Trung Quốc. Quốc gia này bắt đầu hoạt động trở lại, trong bối cảnh Trung Quốc luôn luôn là đối tác lớn với chúng ta về thương mại thì sẽ tác động đến tỷ giá.
Thứ tư, là về cán cân thương mại. Tôi vọng cán cân xuất nhập khẩu năm 2023 tiếp tục dương. Đó sẽ là điểm rất mạnh để chúng ta có tỷ giá ổn định, khi đó mới kỳ vọng chính sách tiền tệ có thể hạ lãi suất điều hành.
Thời điểm hiện tại, vấn đề lo ngại không phải tỷ giá mà là viễn cảnh về việc không tăng trưởng, giảm tăng trưởng hoặc suy thoái mới cần được quan tâm nhiều hơn. Tỷ giá không phải là vấn đề lớn trong năm 2023”, CEO AFA Capital lưu ý.
Còn theo một số chuyên gia nhìn nhận, cán cân vãng lai ở các quý năm 2023 phụ thuộc khá nhiều vào quyết định về tăng lãi suất của FED trong thời gian tới. Nếu FED tiếp tục tăng lãi suất, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn và lãi phải trả cho các khoản nợ nước ngoài ngày càng tăng, du khách quốc tế tới Việt Nam chưa được cải thiện thì lượng USD vào Việt Nam có thể sẽ giảm xuống và lượng USD chảy ra khỏi Việt Nam ngày càng tăng.
Điểm sáng của năm 2023, là lạm phát của Mỹ có thể đã đạt đỉnh 9,1% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 6/2022 và đang có xu hướng giảm dần với mức 7,7% vào tháng 11/2022. Gần đây, FED có quan điểm sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong năm tới. Vì vậy, áp lực về lãi suất, tỷ giá và cán cân vãng lai được kỳ vọng hạ nhiệt.
Hiện tại, giới phân tích trong nước đưa ra 3 kịch bản biến động của tỷ giá ngân hàng thương mại trong năm 2023.
Một là, lãi suất mục tiêu của FED năm 2023 là 5%, lãi suất hiệu lực của FED được ước lượng khoảng 4,7%; tỷ giá ngân hàng thương mại là 25.609đ đến 25.857đ.
Hai là, lãi suất mục tiêu của FED khoảng 5,25% và lãi suất hiệu lực được kỳ vọng ở mức 4,95%, tỷ giá ngân hàng thương mại là 26.106đ – 26.355đ.
Ba là, lãi suất mục tiêu của Fed khoảng 5,5% và lãi suất hiệu lực được kỳ vọng ở mức 5,2%; tỷ giá ngân hàng thương mại là 26.603đ - 26.852đ.
Có thể bạn quan tâm
Áp lực tỷ giá hạ nhiệt
05:30, 28/12/2022
Những lưu ý với tỷ giá
03:30, 25/12/2022
TS Cấn Văn Lực: Áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất vẫn là thách thức ở 2023
12:25, 18/12/2022
Fed, tỷ giá và nới room tín dụng của Việt Nam
05:00, 07/12/2022