Cần thiết đặt mục tiêu giảm lãi suất trong năm 2023
Mục tiêu quan trọng nhất của chính sách tiền tệ năm 2023 là phải nghiên cứu để giảm lãi suất ở mức phù hợp, tăng trưởng tín dụng hợp lý và cố gắng ổn định tỷ giá.
>>Chính sách tiền tệ 2023: Dịch chuyển theo hướng kiềm giữ đà tăng lãi suất
Rút kinh nghiệm từ năm 2022
Trong năm 2023, mục tiêu tăng trưởng và lạm phát của Quốc hội, Chính phủ đặt ra có thể sẽ đạt được với mức độ khả quan, vì lạm phát của Việt Nam năm 2022 khá thấp, chỉ 3,2%. Kinh tế vĩ mô ổn định tạo ra tâm lý vững chắc cho các nhà đầu tư quốc tế, nhất là vấn đề về tỷ giá hối đoái.
Đây là những điểm nổi bật nhất của kinh tế vĩ mô năm vừa qua, góp phần tạo ra vị thế của Việt Nam trong giai đoạn đầu công cuộc phục hồi kinh tế sau đại dịch, tạo ra tiền đề thuận lợi hơn trong những năm tới.
Hiện nay, chính sách tiền tệ vẫn đóng vai trò khá lớn trong ổn định kinh tế vĩ mô vì bối cảnh kinh tế thế giới phức tạp bởi hai nguyên nhân cơ bản là lạm phát cao và tăng trưởng thấp ở hầu hết các nước, một số quốc gia còn rơi vào tình trạng suy thoái nhẹ.
Thực tế, việc suy giảm kinh tế và lạm phát trên thế giới không phải là một cuộc khủng hoảng, mà thuần túy chỉ là một tai nạn y tế, tai nạn về xung đột, ngoài ra không có dấu hiệu về khủng hoảng cấu trúc. Do đó, hệ thống tài chính toàn cầu và hệ thống ngân hàng vẫn ổn định, công ăn việc làm cũng như thu nhập của người dân không giảm, nhưng mọi người không dám chi tiêu mà để dành phòng ngừa cho các rủi ro trong ngắn - trung hạn.
Khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ khá tốt, nhưng tại Việt Nam vẫn có những nhận định rất khác nhau, có tâm lý bi quan cho rằng đây là một cuộc khủng hoảng vì chúng ta phải ứng phó như một cuộc khủng hoảng. Điều đó dẫn đến một số chính sách hơi mạnh tay như lo ngại quá mức về việc đồng USD tăng giá, khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngay lập tức bán USD để điều hành ngoại tệ và can thiệp thị trường bằng cách tăng lãi suất với cường độ lớn nhằm tăng giá trị VND.
Những tính toán như vậy ban đầu cũng có thể thông cảm được, bởi vì những dự báo từ bên ngoài về kinh tế thế giới rất tiêu cực. Tuy nhiên đây cũng là điều mà cơ quan điều hành cần phải rút kinh nghiệm trong tương lai, khi nhìn nhận một hiện tượng kinh tế toàn cầu thì phải nhìn được đúng bản chất và thấy được những gì có thể tác động đến Việt Nam.
Khi chúng ta nhìn nhận đây không phải là cuộc khủng hoảng, hay ảnh hưởng của lạm phát là từ chi phí đẩy, thì cách ứng phó phải khác, phải dùng chính sách tài khóa để ứng phó sẽ hiệu quả hơn nhiều. Một vài lần giảm giá xăng dầu có thể giảm lạm phát trong nước rất mạnh, qua đó giúp hạn chế sử dụng chính sách tiền tệ hơn.
Trong khi chính sách tiền tệ liên quan trực tiếp đến sản xuất nội địa, đặc biệt các doanh nghiệp nội địa dựa chủ yếu vào lãi suất để sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.
Một vấn đề nữa là, năm 2022 đã bộc lộ một số yếu điểm trong công cụ thực thi chính sách tiền tệ, ví dụ như nghiệp vụ thị trường mở, công cụ bơm hút tiền không thông suốt. Công cụ để điều tiết lãi suất, tỷ giá, điều tiết thị trường tiền tệ gần như chưa được xây dựng và hoàn thiện một cách vững chắc. Do đó, còn có sự lúng túng, thiếu công cụ để bơm tiền ra như trái phiếu Chính phủ, phải dùng đến công cụ khác mà ít quốc gia sử dụng như tín phiếu ngân hàng trung ương.
Việc bơm hút tiền chủ yếu dựa trên mua - bán ngoại tệ là điều chúng ta cần chú ý và phải có xây dựng hệ thống chính sách công cụ, chính sách tiền tệ hiện đại hơn, được số hóa nhiều hơn và nhạy cảm hơn với thị trường trong tương lai.
>>Lạm phát kỳ vọng và lãi suất điều hành có thể tăng trong quý đầu năm
Ứng phó với thách thức năm 2023
Như tôi đã phân tích ở trên, thế giới không có khủng hoảng kinh tế, những thách thức từ bên ngoài sẽ sớm giảm áp lực, như đồng USD đang giảm giá, kinh tế của Mỹ và Trung Quốc cũng có dấu hiệu phục hồi mạnh hơn dự báo, nhất là Trung Quốc đã gỡ bỏ phần lớn rào cản về Zero Covid.
Chỉ còn một yếu tố chúng ta chưa dự đoán được hiện nay là xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài. Tuy nhiên, một cuộc xung đột vũ trang lớn như vậy không thể kéo dài mãi, dần dần các bên sẽ phải ngồi lại với nhau để xử lý những vấn đề về lãnh thổ một cách dài hạn.
Còn thách thức lớn nhất ở Việt Nam là vấn đề do chính chúng ta gây ra, vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp đang quan tâm hiện nay đó là, có đúng lãi suất thực (lãi suất đã trừ đi lạm phát) ở Việt Nam đang quá cao so với các nước hay không?
Có thể thấy, lãi suất tiền gửi ở Việt Nam đang khoảng 9,4%/năm, lạm phát 3,2%, như vậy lãi suất thực lên tới 6,4%/năm. Còn với lãi suất cho vay hiện khoảng 12,5%/năm, trừ đi lạm phát 3,2%, nghĩa là lãi suất thực cho vay lên tới trên 9%.
So sánh với Mỹ sẽ thấy, quốc gia này lạm phát 8% nhưng lãi suất cho vay một năm của họ chỉ khoảng 3,5 - 4%. Vậy lãi suất thực của Mỹ đang -4%, trong khi chúng ta lại dương gần 9,5% cộng với -4% của Mỹ thì lãi suất cho vay một năm của Việt Nam đang cao hơn của Mỹ khoảng 13%.
Tôi nói một cách rất chắc chắn rằng, đây là mức lãi suất thực cao nhất thế giới hiện nay và các doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh dưới áp lực lãi suất quá lớn. Còn nếu so sánh với châu Âu thì tình trạng này còn tệ hơn, do châu Âu lạm phát lên tới 10% nhưng lãi suất cho vay vẫn thấp hơn ở Mỹ.
Tất cả những điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang cạnh tranh với doanh nghiệp của Mỹ, của châu Âu trong bối cảnh chi phí tài chính lớn, lãi suất cao. Như vậy, thị trường nội địa đang đẩy các doanh nghiệp lùi dần để nhường chỗ cho hàng hóa nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, họ không phải vay tiền của Việt Nam và không phải chịu mức lãi suất đó.
Cũng vì vậy, theo tính toán gần đây của chúng tôi, Việt Nam tận dụng được các cơ hội từ những Hiệp định thương mại tự do đã ký với bên ngoài chỉ đâu đó khoảng 27 - 30%, còn trong điều kiện lãi suất như hiện nay con số đó có thể thấp hơn nhiều.
>>Áp lực lạm phát: 25% nhà đầu tư Việt Nam giảm đầu tư
Giải bài toán hạ lãi suất
Câu hỏi đặt ra là tại sao lạm sát, tỷ giá của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới nhưng lãi suất lại đứng trên đỉnh của thế giới? Vì vậy, mục tiêu của Chính phủ và NHNN trong năm tới về chính sách tiền tệ nên đi theo hướng giảm lãi suất. Giảm tới đâu sẽ cần có công thức để tính toán, nhưng muốn giảm thì phải hiểu đúng nguyên nhân lãi suất tăng.
Vấn đề không đến từ “room” tín dụng mà do cung tiền, lãi suất tăng đồng nghĩa với việc cung tiền giảm và ngược lại. Còn “room” tín dụng chỉ là biện pháp hành chính, để chúng ta không chế tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại trên nền tảng cung tiền cố định.
Hơn nữa, độ trễ của chính sách tiền tệ của Việt Nam rất lớn, có thể là 6 tháng đến một năm với vòng quay tiền tệ rất thấp. Theo đó, vòng quay tiền tệ của chúng ta trong năm 2022 chỉ được 0,66 vòng/năm, con số này ở năm 2021 là 0,6 vòng và năm 2020 là 0,51 vòng, trong khi vòng quay cung tiền của Mỹ từ 1,6 – 2 vòng/năm. Đó là điểm mấu chốt để NHNN đưa vào hệ thống tính toán của mình và xem khối lượng tiền cung ứng đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế nên là bao nhiêu trong giai đoạn tới.
Năm 2022 tăng trưởng kinh tế đạt 8,5% nhưng khối lượng tiền cần cho tăng trưởng không phải lớn, bởi vì mức tăng trưởng này tính trên một số quý âm của năm 2021. Năm nay, cho dù mục tiêu là 6% hay 6,5% nhưng trên nền tảng tăng trưởng của năm 2022 thì phải cần nhiều tiền hơn để lưu thông hàng hóa. Đây là điều ngay từ bây giờ NHNN đã phải tính toán một cách có kế hoạch và chủ động.
Tôi rất tán thành với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp mới đây là cần linh hoạt, chủ động và cân đối giữa các công cụ chính sách với nhau, bao gồm cả chính sách tài khóa.
Một điều đáng chú ý nữa là không nên có sự phân biệt quá mức giữa các ngành nghề cho vay, ví dụ như bất động sản, bởi vì trong điều kiện bình thường, chúng ta có thể khống chế thị trường bất động sản ở mức nhất định, nhưng trong điều kiện hiện tại bất động sản gần như rơi vào tình trạng đóng băng. Nếu tiếp tục khống chế tín dụng bất động sản, cộng với thị trường trái phiếu đang trong tình trạng suy giảm mạnh thì có thể dẫn đến nổ “bong bóng”, từ đó tác động dữ dội đến hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng tới an ninh tiền tệ. Câu chuyện an ninh tiền tệ lúc này chính là an ninh hệ thống ngân hàng và cũng là giữ cho bằng được thị trường tài sản phục hồi.
Có thể bạn quan tâm
Chính sách tiền tệ 2023: Dịch chuyển theo hướng kiềm giữ đà tăng lãi suất
05:20, 03/01/2023
Lạm phát kỳ vọng và lãi suất điều hành có thể tăng trong quý đầu năm
05:00, 02/01/2023
Đà Nẵng: Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận chương trình hỗ trợ lãi suất
11:35, 30/12/2022
NHNN: 2023, các ngân hàng sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất
05:05, 28/12/2022