“Không nên cứng nhắc, để doanh nghiệp phải trả giá đắt”
Chuyên gia nhấn mạnh không nên quá cứng nhắc mục tiêu giữ tỷ giá, để doanh nghiệp trả giá quá đắt, khi chi phí vốn vay quá lớn.
>>>Tỷ giá, lãi suất và lạm phát sẽ chi phối kịch bản "xấu" của VN-Index trong 2023
Theo GS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cái giá phải trả của việc giữ tỷ giá tại Việt Nam không đơn giản. "Không nên quá cứng nhắc một mục tiêu để doanh nghiệp trả giá quá đắt, khi chi phí vốn vay quá lớn", ông Đạt đánh giá.
Vị chuyên gia dẫn chứng, năm 2022, quan điểm của Việt Nam là cân bằng giữa yếu tố vĩ mô và nền kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát của Việt Nam là trên 3%, nhưng lãi suất tăng 6-7%.
"Lãi suất tăng gấp đôi lạm phát, như vậy cần lý giải tại sao và mối quan hệ này có gì đặc biệt hay không? Cần có suy nghĩ về trạng thái cân bằng giữa lạm phát, lãi suất trong năm 2023", ông Đạt phân tích.
Ông Đạt thừa nhận, nền kinh tế Việt Nam tồn tại con số đáng "ngạc nhiên" là lãi suất cao, đơn đặt hàng giảm, thu ngân sách tăng trưởng gần 30% so với dự báo.
Vị này đặt câu hỏi: "Số thu ngân sách cao, đặt ra câu hỏi dự toán đưa ra thấp hay Nhà nước thu quá nhiều trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn? Cần lý giải rõ ràng; bên cạnh đó cũng đặt ra câu hỏi do chúng ta tăng thu nội địa hay thu từ xuất nhập khẩu mới có số thu lớn đến vậy?".
Đồng thời, GS Trần Thọ Đạt cho rằng, tăng trưởng GDP năm 2022 trên 8%, nhưng Việt Nam không nên say sưa với thành tích vì tăng trưởng này bởi tăng trưởng này chủ yếu dựa trên so sánh năm 2021 với mức tăng trưởng thấp chỉ 2,6%, trong khi đó nền kinh tế hiện đối diện với khó khăn lớn, đặc biệt là tính thanh khoản và lãi suất khá cao.
"Tôi cảm nhận năm 2023 là năm khá đặc biệt. Đặc biệt là xáo trộn đời sống, suy giảm niềm tin của nhà đầu tư và sự xáo trộn thị trường tài chính. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng rất tốt trong ASEAN, chỉ đứng sau Malaysia và cao nhất trong 10 năm nhưng thị trường chứng khoán lại giảm mạnh nhất trong mấy chục năm qua. Tại sao lại có suy giảm niềm tin trên thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp, đây là cái chúng ta cần lưu ý thêm để lột tả thêm bức tranh của nền kinh tế?", GS Trần Thọ Đạt nói.
>>>TS Cấn Văn Lực: Áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất vẫn là thách thức ở 2023
Về vấn đề này, tại Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam 2023 mới đây, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cũng đặt ra bài toán làm sao để tìm điểm cân bằng hài hòa giữa điều hành lãi suất và điều hành tỷ giá trong năm 2023. Nếu hy sinh tỷ giá để tỷ giá tăng cao, đồng nội tệ mất giá nhiều thì sẽ giữ được lãi suất, giữ được dự trữ ngoại hối.
Ngược lại, nền kinh tế Việt Nam độ mở rất lớn, nếu để tỷ giá mất giá nhanh và mất giá quá lớn thì chúng ta sẽ nhập khẩu lạm phát, từ đó không kiểm soát được lạm phát, các cân đối vĩ mô sẽ không kiểm soát được và có thể rơi vào mất ổn định kinh tế vĩ mô.
Về cơ bản, trong các nguồn lực để tạo ra nguồn vốn phục vụ cho quá trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thì tín dụng ngân hàng chỉ là một trong các nguồn vốn bên cạnh nguồn vốn tự có của doanh nghiệp, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn FDI, nguồn vốn kiều hối...”, ông Quang nói.
Từ thực tế này, theo ông Quang, để phát triển kinh tế - xã hội phải khơi thông và tạo được sự kết nối, phát triển đồng bộ của tất cả các nguồn vốn này, mà trong đó tín dụng ngân hàng được xem là hạt nhân, là mạch máu kết nối các nguồn vốn này.
Tuy nhiên, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng nên trong bối cảnh thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản biến động phức tạp, khó lường, có dấu hiệu thu hẹp, thì càng gây áp lực lớn lên cân đối vốn tín dụng ngân hàng và công tác điều hành chính sách tiền tệ
Do đó, để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, ông Quang chia sẻ, tín dụng, lãi suất, tỷ giá, các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ khác sẽ được NHNN điều hành rất đồng bộ, linh hoạt nhưng không xa rời mục tiêu kiểm soát lạm phát, trên tinh thần thấm nhuần quan điểm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”:
“Mục tiêu quan trọng nhất của điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, còn cách thức, công cụ điều hành thì rất linh hoạt, tùy từng thời điểm thị trường để tùy cơ ứng biến đưa ra các giải pháp, chính sách, lộ trình phù hợp để vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng không lơ là với rủi ro lạm phát”, ông Quang nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Tỷ giá, lãi suất và lạm phát sẽ chi phối kịch bản "xấu" của VN-Index trong 2023
05:00, 12/01/2023
Năm 2023, tỷ giá VND/ USD dự báo sẽ ổn định và có xu hướng giảm
05:00, 01/01/2023
Tỷ giá không phải là vấn đề lớn trong năm 2023
05:20, 29/12/2022
Áp lực tỷ giá hạ nhiệt
05:30, 28/12/2022