Khủng hoảng thanh khoản rình rập hệ thống tài chính toàn cầu
Giới chuyên gia dự báo, năm 2023 có một mối đe dọa tiềm ẩn đang chực chờ đó là nguy cơ xảy ra khủng hoảng thanh khoản trong hệ thống tài chính toàn cầu.
>>Vì sao hệ thống các TCTD đối mặt với rủi ro thanh khoản?
Năm 2022 khép lại với những biến động khó lường như cuộc chiến giữa Nga - Ukraine, giá cả và lãi suất tăng vọt, biến đổi khí hậu và cả chiến dịch zero Covid ở Trung Quốc.
Bước sang năm 2023, giới chuyên gia dự báo có một mối đe dọa tiềm ẩn khác đang chực chờ đó là nguy cơ xảy ra khủng hoảng thanh khoản trong hệ thống tài chính toàn cầu. Mối đe dọa này thậm chí rất khó phát hiện cho đến khi quá muộn và cũng có thể được coi là “kẻ huỷ diệt thầm lặng”.
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết vào tháng 12/2022, số lượng lớn các vị thế hoán đổi ngoại hối ngoại bảng do các ngân hàng nắm giữ đã lên tới hơn 80.000 tỷ USD. Đây là một gánh nặng lớn cho năm 2023 khi tỷ giá hối đoái vẫn dao động đáng ngại.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng trên thị trường chứng khoán có thể xảy ra là điều hiển nhiên khi giá cổ phiếu lao dốc và cả đối với thị trường trái phiếu do biến động lợi suất,... Thực tế, khủng hoảng thanh khoản ít có triệu chứng cho đến khi nó bắt đầu ảnh hưởng đến các cơ quan nội bộ của hệ thống tài chính nói chung.
Viện CFA (Chartered Financial Analyst) cũng mô tả: “Sự cố là của toàn bộ hệ thống chứ không ở trên từng bộ phận riêng lẻ. Trong bối cảnh tài chính hiện nay, nguy cơ ảnh hưởng theo tầng gây ra bởi các mối liên kết trong hệ thống, dẫn đến suy thoái kinh tế nghiêm trọng”.
Lịch sử tài chính vốn đã xuất hiện những cuộc khủng hoảng như vậy, ví dụ như sự sụp đổ lớn của thị trường chứng khoán và suy thoái kinh tế sau năm 1929, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Chỉ một thời gian sau cuộc khủng hoảng cuối cùng, thế giới đang tiếp tục phải đối mặt với những thách thức mới.
>>“Giải mã” biến số lãi suất năm 2023
Chuyên gia tài chính John Plender gần đây đã lưu ý trên tờ Financial Times rằng, những sai lầm trong chính sách tiền tệ thời gian qua có thể phần nào phản ánh sự hỗn loạn của thị trường. Đó là sự thay đổi tương đối đột ngột trong chính sách tiền tệ, khi đi từ một thập kỷ rưỡi lãi suất và lạm phát thấp, nhằm khuyến khích vay mượn sang việc thắt chặt tiền tệ nhanh chóng, tạo ra môi trường lãi suất tăng cao và suy thoái kinh tế.
Những thay đổi như vậy gây ra hậu quả rõ ràng dưới hình thức giá cả và nhu cầu tiền lương tăng cộng với nhu cầu và đầu tư giảm, nhưng hậu quả vô hình còn “ngấm ngầm” hơn, gây thiệt hại cho vô số tổ chức tài chính quan trọng.
“Các ngân hàng đang gặp rủi ro, đặc biệt là những ngân hàng ở các thị trường mới nổi, trong khi lĩnh vực tài chính phi ngân hàng được quản lý nhẹ nhàng hơn như các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư mạo hiểm, sàn giao dịch tiền tệ,... có thể đối mặt với rủi ro cao hơn. Trong khi các tổ chức phi ngân hàng thực chất rất quan trọng đối với sự an toàn của hệ thống tài chính nói chung.
Các tổ chức khác, từ xã hội đến các tập đoàn kinh doanh cũng dễ bị tổn thương vào thời điểm lãi suất tăng nhanh và khả năng vỡ nợ tiềm tàng. Tuy nhiên, những vấn đề như vậy thường bị bỏ qua bởi lựa chọn bỏ qua chính sách tiền tệ lỏng lẻo”, ông phân tích.
Vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra dự báo, các thước đo về tính thanh khoản của thị trường đã trở nên tồi tệ hơn đối với các loại tài sản, đặc biệt là trong những tuần gần đây, khi sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế và chính sách tiền tệ gia tăng khiến các nhà đầu tư ít chấp nhận rủi ro hơn nhiều. Điều này có thể gây rủi ro cho sự ổn định tài chính.
“Các thước đo chính về rủi ro hệ thống, như chi phí tài trợ bằng USD và chênh lệch tín dụng đã tăng lên. Nguy cơ thắt chặt các điều kiện tài chính một cách thiếu trật tự có thể liên kết với các lỗ hổng đã tồn tại từ trước”, IMF cho biết.
Một vấn đề đang chú ý nữa là đối với người gửi tiết kiệm, nhà đầu tư và những người sử dụng hệ thống tài chính khác dưới mọi hình thức, sự cảnh giác sẽ trở nên vô ích nếu nhà đầu tư không biết mình đang tìm kiếm điều gì hay phải đề phòng điều gì.
Theo khảo sát các Ngân hàng Trung ương gần đây của BIS (được thực hiện 3 năm một lần) cho thấy, đã có những thay đổi trong mô hình giao dịch và cấu trúc thị trường trong thị trường phái sinh ngoại hối và lãi suất phi tập trung. Trong đó, các vị trí hoán đổi ngoại hối có hơn 80.000 tỷ USD khoản nợ ẩn bằng đô la Mỹ, được báo cáo ngoại bảng, trong khi khối lượng giao dịch ngoại hối hàng ngày chịu rủi ro thanh toán vẫn ở mức cao bất chấp các cơ chế để giảm thiểu rủi ro đó.
Ông Plender lý giải, khoản nợ nói trên chủ yếu liên quan đến các giao dịch hoán đổi ngoại hối, giao dịch kỳ hạn và hoán đổi tiền tệ của các ngân hàng vượt quá lượng tín phiếu Kho bạc Hoa Kỳ, hợp đồng mua lại và giấy thương mại có sẵn để đáp ứng các khoản nợ.
“Có thể những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến các giao dịch ngắn hạn và không khớp với thời gian đáo hạn, ít nhất với quy mô đủ gây ra mối đe dọa cho hệ thống tài chính. Các nền kinh tế có lẽ nên chấp nhận rằng, bất cứ điều gì cũng có thể sẽ sai. Do đó, đề phòng rắc rối trong hệ thống tài chính toàn cầu trong năm mới là điều tiên quyết”, ông nói.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao hệ thống các TCTD đối mặt với rủi ro thanh khoản?
05:00, 13/01/2023
DỰ BÁO KINH TẾ 2023: Thanh khoản sẽ tốt hơn vào những tháng cuối năm 2023
16:07, 27/12/2022
Thoát vùng rủi ro thanh khoản
04:00, 16/12/2022
Bất động sản có còn khủng hoảng thanh khoản trong 2023
05:00, 15/12/2022