“Hẹp cửa” giảm thêm lãi vay

HÀ ANH 14/02/2023 03:30

Dù FED giảm tốc độ tăng lãi suất, NHNN hỗ trợ thanh khoản ngân hàng, nhưng dư địa giảm thêm lãi vay không còn nhiều.

>>Bật chế độ phòng thủ trong môi trường lãi suất cao

p/Diễn biến lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua. Nguồn: ACBS

Diễn biến lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua. Nguồn: ACBS

Theo các chuyên gia, việc ổn định mặt bằng lãi vay như hiện tại đã là một thành công của NHNN trong năm nay.

Vơi bớt áp lực…

Theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, lãi suất và tỷ giá tại Việt Nam đã tăng khá nhanh. Tuy nhiên khi áp lực lạm phát và tăng lãi suất toàn cầu giảm dần, thì áp lực tỷ giá trong nước cũng sẽ giảm bớt. Theo đó, chúng ta không phải tăng lãi suất mạnh và nhanh như trước đây.

Bên cạnh những chuyển động tích cực bên ngoài, NHNN vừa ban hành Thông tư 26/2022/NHNN sửa đổi Thông tư 22/2019/NHNN. Trong đó, tính thêm 1 phần tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước vào tổng tiền gửi của các ngân hàng khi tính tỷ lệ tổng dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR).

Theo ước tính của các chuyên gia, Thông tư 26/2022/NHNN đã giúp tổng tiền gửi của các NHTM Nhà nước tăng thêm khoảng 150.000 tỷ đồng. Điều đó không chỉ mở rộng khả năng cho vay, mà còn giúp cải thiện thanh khoản cho các nhà băng này, từ đó giảm áp lực tăng lãi suất huy động.

>>FED và vòng luẩn quẩn lãi suất

… nhưng khó giảm

Tuy nhiên theo các chuyên gia, con số 150.000 tỷ đồng là khá nhỏ so với tổng dư nợ của toàn hệ thống vào khoảng 12 triệu tỷ đồng. Hơn nữa, Thông tư 26/2022/NHNN chủ yếu tác động tới các NHTM Nhà nước lớn; còn các ngân hàng nhỏ gặp khó khăn thanh khoản vẫn phải trông vào nguồn vốn huy động, và công cụ cạnh tranh hút vốn chủ yếu của các nhà băng này vẫn là lãi suất.

Trong khi đó, áp lực lạm phát năm nay của Việt Nam dự báo sẽ lớn hơn, một mặt do tác động từ diễn biến lạm phát toàn cầu, một mặt do độ trễ của chính sách nới lỏng tiền tệ, tài khóa thời gian trước.

Hay như FED, dù chậm lại tốc độ tăng lãi suất, nhưng vẫn khẳng định sẽ chưa sớm chấm dứt chu kỳ thắt chặt tiền tệ và sẽ không giảm lãi suất trong năm 2023. Điều đó có thể hỗ trợ USD tiếp tục neo ở mức cao, nếu các NHTW khác cũng chậm lại tốc độ tăng lãi suất theo FED.

Theo TS. Nguyễn Đức Độ- Học viện tài chính, dư địa để nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế gần như không còn. Nhiệm vụ quan trọng nhất đối với NHNN trong năm 2023 là phải kiểm soát được lạm phát. Bởi nếu để xảy ra tình trạng lạm phát cao, lãi suất sẽ tăng theo, tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Dù áp lực tỷ giá, lãi suất không còn lớn như năm 2022, song lãi vay cũng khó giảm trong năm nay. Theo đó, các ngân hàng cần cố gắng giảm lãi suất huy động và cắt giảm chi phí hoạt động để nới thêm dư địa giảm lãi vay.

Có thể bạn quan tâm

  • Nền lãi suất cao không ảnh hưởng biên lãi ròng của ngân hàng

    Nền lãi suất cao không ảnh hưởng biên lãi ròng của ngân hàng

    05:00, 06/02/2023

  • Khi nào FED ngừng tăng lãi suất?

    Khi nào FED ngừng tăng lãi suất?

    04:00, 07/02/2023

  • Cần giải pháp giảm lãi suất để doanh nghiệp được tiếp cận vốn

    Cần giải pháp giảm lãi suất để doanh nghiệp được tiếp cận vốn

    04:30, 07/02/2023

HÀ ANH