Nhân dân tệ sụt giảm mạnh trước áp lực của đồng USD
Đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc bất ngờ giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 7 tuần so với đồng USD, khiến các nhà đầu tư bất an trước những dấu hiệu cho thấy căng thẳng Mỹ-Trung đang leo thang.
>>Trung Quốc đặt mục tiêu sử dụng nhiều Nhân dân tệ tại ASEAN
Quan hệ song phương từ lâu đã là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ trong vài năm qua. Các thương nhân cho biết, diễn biến mới nhất đã tác động đáng kể đến đồng Nhân dân tệ, dẫn đến sự bi quan của các nhà đầu tư tăng nhẹ.
Trước khi thị trường mở cửa, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đặt tỷ giá trung bình ở mức 6,8942 CNY/USD, cao hơn 0,12% so với mức cố định trước đó là 6,9028 CNY/USD. Trên thị trường giao ngay, đồng Nhân dân tệ trong nước mở cửa ở mức 6,9139 CNY/USD và có thời điểm suy yếu xuống mức thấp 6,9220 CNY/USD, mức thấp nhất kể từ ngày 3/1.
Một số nhà giao dịch cho biết họ đang theo dõi mức hỗ trợ tiếp theo là 6,95 CNY/USD sau khi giá giao ngay chạm mức 6,9 CNY/USD. Nhưng họ cũng lưu ý rằng các nhà đầu tư sẽ nhanh chóng chuyển sự tập trung này sang chỉ số giá Chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Hoa Kỳ.
Dữ liệu kinh tế mạnh mẽ gần đây của Mỹ và quan điểm “diều hâu” từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã củng cố giá trị đồng USD và gây áp lực lên các đồng tiền khác, bao gồm cả Nhân dân tệ. Trong khi đó tại Trung Quốc, các nhà phân tích kỳ vọng nhiều vào một số cải thiện trong dữ liệu sản xuất của nhà máy sắp tới, vì việc Bắc Kinh rút khỏi chiến lược zero Covid sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế hồi phục.
Chia sẻ với báo giới, nhà phân tích tại ANZ cho biết, dữ liệu chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất tháng 2 sẽ là động lực chính của thị trường tài chính Trung Quốc. “Chúng tôi kỳ vọng con số sẽ cao hơn ở mức 50,5 nhờ vào việc mở cửa trở lại, cũng như sản lượng tăng sau kỳ nghỉ lễ và có khả năng PBoC sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Chỉ số PMI chính thức của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng là 50,1 vào tháng 1 từ mức 47 vào tháng 12/2022, do hoạt động của các nhà máy và dịch vụ phục hồi trở lại”.
>>Khi nào FED ngừng tăng lãi suất?
Với những áp lực đè nặng, Bắc Kinh đã nhất quán quan điểm trong nhiều năm rằng, tăng cường sử dụng đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là khi đối mặt với quyền bá chủ của đồng đô la Mỹ. Sự thúc đẩy tiếp theo liên quan đến những nỗ lực nhằm nâng cao sức hấp dẫn của đồng Nhân dân tệ với tư cách là một loại tiền tệ thay thế trong thương mại quốc tế và như một loại tiền tệ dự trữ.
Điều này sẽ giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ít gặp rủi ro tỷ giá hối đoái, ít phụ thuộc vào các tổ chức tài chính nước ngoài và hệ thống thanh toán quốc tế, đồng thời cho phép Trung Quốc vay tiền với lãi suất thấp hơn.
Các nhà phân tích thị trường cũng dự báo, kế hoạch mở rộng sử dụng đồng tiền của Trung Quốc để giao dịch dầu mỏ với 6 quốc gia Trung Đông, sẽ nâng cao việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trong thương mại toàn cầu giữa các nước và các nhà giao dịch kỳ hạn.
Điều đó có thể dẫn đến nhiều thỏa thuận đổi Nhân dân tệ lấy dầu mỏ hơn, nhưng chủ yếu là để Trung Quốc có thể mua nhiên liệu mà không cần sự can thiệp của Hoa Kỳ. Các chuyên gia cho rằng, sự thay đổi này sẽ không bù đắp được việc sử dụng đồng USD, hoặc thúc đẩy đáng kể việc sử dụng đồng Nhân dân tệ bên ngoài các thị trường năng lượng.
Về điều này, GS. Edwin LC Lai tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông đã phân tích, với mối quan hệ địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng xấu đi trong những năm gần đây, Trung Quốc cảm thấy cấp bách hơn về việc quốc tế hóa đồng tiền của mình.
“Nhưng ngày nay, hơn 50% thương mại của Trung Quốc vẫn không được tính bằng đồng Nhân dân tệ. Không dễ để thúc đẩy mức độ thanh toán và hóa đơn thương mại bằng Nhân dân tệ cao, do tài khoản vốn tương đối đóng và thị trường tài chính kém phát triển của Trung Quốc”, vị GS nói.
Bất chấp lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc về việc giao dịch năng lượng nhiều hơn sẽ được thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ, các nhà phân tích đánh giá rằng điều này khó có thể diễn ra trên quy mô lớn trong tương lai gần.
Ví dụ, dầu là một loại hàng hóa đồng nhất và có thể mua bán chênh lệch giá dễ dàng. Thương mại dầu chỉ có thể được lập hóa đơn bằng một loại tiền tệ được gọi là tiền tệ phương tiện, cũng chính là đồng đô la Mỹ.
Cũng theo GS. Edwin, Hoa Kỳ là quốc gia có thị trường tài chính sâu rộng nhất, tài khoản vốn cởi mở nhất, điều đó càng củng cố sức mạnh của đồng USD đến mức nó sẽ cực kỳ khó bị thay thế trong thương mại. “Sẽ rất khó để đánh bật đồng đô la Mỹ và trở thành đồng tiền thống trị trong tương lai gần, cụ thể là trong 20 năm tới. Bất kỳ việc định giá dầu nào bằng bất kỳ loại tiền tệ nào khác ngoài đồng đô la Mỹ sẽ dẫn đến chênh lệch giá, điều mà bất kỳ người bán dầu nào cũng muốn tránh”.
Có thể bạn quan tâm
Nhân dân tệ kỹ thuật số được đưa vào số liệu tiền mặt chính thức
16:00, 12/01/2023
Trung Quốc mở cửa, Nhân dân tệ tăng giá
04:40, 04/01/2023
Nhân dân tệ phục hồi trước kỳ vọng Trung Quốc điều chỉnh zero Covid
05:21, 08/12/2022