“Gỡ vướng” gói hỗ trợ lãi suất
Sốt ruột về việc giải ngân chậm chạp của gói hỗ trợ lãi suất 2%, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm sửa đổi Nghị định 31/2022.
>>Thống đốc NHNN: Khả năng tài chính thường hạn chế doanh nghiệp tiếp cận vốn
Trong 2022, các ngân hàng dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất, tương đương số tiền lãi hỗ trợ khoảng 16.035 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến tháng 1/2023, tổng số tiền hỗ trợ lãi suất mới chỉ đạt 134 tỷ đồng.
Chậm vì đâu?
Nguyên nhân khiến gói hỗ trợ này giải ngân ì ạch chủ yếu do tâm lý e ngại từ cả khách hàng và ngân hàng. Hiện không ít doanh nghiệp ngần ngại vay vốn hỗ trợ lãi suất bởi họ cho rằng nguồn tiền hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nên phải tuân theo rất nhiều quy trình thủ tục khắt khe, đặc biệt là thanh, kiểm tra.
Trong khi theo NHNN, các ngân hàng cũng khó xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất trong trường hợp khách hàng hoạt động đa ngành. Bên cạnh đó, các ngân hàng vẫn e ngại do một số chương trình hỗ trợ lãi suất trước đây chưa được quyết toán. Ngoài ra, họ cũng thận trọng với số tiền hỗ trợ từ ngân sách để tránh rủi ro sau này.
Chưa kể hiện nhiều quy định chưa rõ ràng cũng gây khó cho việc triển khai trên thực tế. Trong đó, đáng chú ý là quy định “khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi theo đánh giá nội bộ của NHTM”. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng cho biết không thể đánh giá được khả năng phục hồi mà chỉ có thể đánh giá khách hàng có đủ điều kiện vay hay không.
Cần sớm chỉnh sửa
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần sớm sửa đổi Nghị định 31/2022 theo hướng bỏ quy định “có khả năng phục hồi”, thay vào đó chỉ cần quy định khách hàng đáp ứng các yêu cầu vay vốn của ngân hàng. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn cụ thể về công tác thanh, kiểm tra theo hướng: hoạt động kiểm tra của NHNN và tổ công tác được tiến hành chủ yếu tại các NHTM. Chỉ khi nào phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở các ngân hàng, thì các cơ quan thanh tra mới tiến hành kiểm tra khách hàng và chỉ nhằm bảo đảm việc tuân thủ quy định về hỗ trợ lãi suất, không bao gồm các phạm vi khác.
“Cơ quan quản lý nên tập trung hướng dẫn doanh nghiệp làm thế nào cho đúng, thay vì coi họ là đối tượng vi phạm pháp luật. Được như vậy, doanh nghiệp vừa dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất và ngân hàng cũng tự tin hơn khi triển khai cấp vốn”, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc CIEM nói.
Ngoài ra theo PGS.TS Định Trọng Thịnh, Chuyên gia tài chính, hiện đối tượng thụ hưởng chính sách hạn chế, chỉ có 11 ngành nghề, trong khi đây lại là những ngành nghề đang gặp nhiều khó khăn nên khó đáp ứng điều kiện vay vốn. Do đó, cần mở rộng lĩnh vực, ngành nghề được thụ hưởng chính sách này.
Có thể bạn quan tâm