Dự thảo Thông tư cơ cấu nợ: Doanh nghiệp và ngân hàng đều hưởng lợi
Chuyên gia tại AFA Capital cho rằng, việc gia hạn và giữ nguyên nhóm nợ là một giải pháp “win – win”, vừa có lợi cho ngân hàng, vừa giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
>>Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cần cụ thể hóa quy định về xử lý nợ xấu
Theo công bố một số kết quả chính của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý 2/2023 của Vụ Dự báo - Thống kê, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng nhận định, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng trong quý 1/2023 tăng nhẹ, nhưng kỳ vọng sẽ cải thiện trong quý 2.
Dự báo cho cả năm 2023, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định nợ xấu nội bảng toàn ngành ngân hàng ở mức 2%, nợ xấu gộp khoảng 4%.
Có thể thấy, nợ xấu là một chỉ tiêu vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế tăng trưởng đang dựa nhiều vào tín dụng như Việt Nam. Nếu nợ xấu của một ngân hàng phát triển theo chiều hướng xấu và không được giải quyết kịp thời, ngân hàng có thể đổ vỡ, dẫn đến hiệu ứng dây chuyền đối với hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế.
Mới đây, NHNN cũng đã công bố dự thảo Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Với động thái trên, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital cho rằng, vào thời điểm Covid-19 bùng nổ, NHNN đã có một loạt các Thông tư nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cũng như ngân hàng để giữ nguyên nhóm nợ, có thời gian giúp các doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh.
Cụ thể tháng 3/2020, NHNN có thông tư 01/2020, sau đó là Thông tư 03 và Thông tư 14 để tránh việc nhảy nhóm nợ của các ngân hàng. Đến nay dù sau Covid, nhưng các điều kiện kinh tế vĩ mô lại có sự biến động rất lớn, trong đó tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng như nợ xấu của các ngân hàng đều có xu hướng tăng, đặc biệt trong quý 4/2022 có tỷ lệ nợ xấu rất cao.
Đối diện với vấn đề trên, NHNN ban hành dự thảo Thông tư được xem là một trong những giải pháp đồng bộ giúp hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, những đối tượng được cơ cấu nợ được khu biệt rất rõ, là gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, có ba điều kiện đánh giá như: Thứ nhất, là không có khả năng trả gốc, lãi đến hạn do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn; Thứ hai, là có khả năng trả nợ đầy đủ theo thời hạn mới được cơ cấu, nghĩa là phải có khả năng trả nợ trong tương lai, có đề xuất với ngân hàng và ngân hàng cho vay đồng ý với phương án trả nợ đó; Thứ ba, là những khoản nợ không vi phạm pháp luật.
Về thời hạn cơ cấu, Dự thảo Thông tư này sẽ cho phép các khách hàng vay vốn được cơ cấu giãn thời gian trả nợ nhưng tối đa 12 tháng.
>>Nên hay không tiếp tục chính sách giãn hoãn nợ?
Ông Tuấn cũng phân tích thêm, khi khách hàng được giữ nguyên nhóm nợ, phía ngân hàng cũng không phải không có trách nhiệm, mà có hai điều khoản đó là: Phương án 1, giữ nguyên nhóm nợ nhưng ngân hàng phải trích lập dự phòng đối với toàn bộ dư nợ theo kết quả phân loại nợ; và Phương án 2, là trích lập dự phòng theo tiến độ, đến 31/12/2023 tối thiểu 50% số tiền dự phòng và đến 31/12/2024 đủ 100% số tiền dự phòng. Về lệ phí, ngân hàng không được thu lãi dự thu theo dõi ngoại bảng.
“Đây là một giải pháp “win – win”. Ở góc độ nợ xấu sẽ không phải trích lập dự phòng ngay 100%. Nhưng trong Thông tư có một điểm mà chúng ta cần lưu ý đó là, có một khoản quy định rất rõ ngân hàng phải chịu trách nhiệm trong việc cơ cấu nợ cho ai và cơ cấu như thế nào. Bởi vì chúng ta phải tránh câu chuyện trục lợi chính sách, vì khách hàng thì xấu nhưng ngân hàng cũng sợ sụt giảm thu nhập nên sẽ xây phương án tái cơ cấu cho khách hàng.
Một tác động nữa đó là sự bảo lãnh phương án cho các khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, để một năm sau họ sẽ trở thành doanh nghiệp tốt, có hoạt động sản xuất kinh doanh tốt trở lại”, ông Tuấn nói.
Chia sẻ quan điểm của mình, chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long nhận xét, kỹ thuật này ở Việt Nam được áp dụng rất nhiều lần như đã nêu trong thời kỳ Covid-19 để kéo giãn thời gian trả nợ. Trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9/2021, toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu vực phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An bị ngưng trệ, không chỉ do dịch bệnh mà còn do bị đứt gãy nguồn cung. Doanh nghiệp không sản xuất, thì đồng tiền không sinh sôi và bản chất ngân hàng phải xác định tiền lãi, tiền gốc rất khó có khả năng thu hồi trong giai đoạn đó, nên Thông tư của NHNN ban hành là để giãn hoãn nợ cho doanh nghiệp.
Từ câu chuyện đó chúng ta thấy rằng, mục đích lớn của việc giữ nguyên nhóm nợ là giúp doanh nghiệp có khả năng tiếp cận được tín dụng và có thêm nguồn vốn, từ đó tái phục hồi sản xuất kinh doanh. Khi đồng tiền được quay vòng trong nền kinh tế, tạo ra giá trị gia tăng trong tương lai thì mới quay trở lại để trả cho khoản nợ đáng lẽ phải nhảy từ nhóm 2 xuốn nhóm 3 hoặc nhóm 4.
“Như vậy, chúng ta sẽ thấy sự đồng bộ các phương pháp, chính sách của cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra trong giai đoạn này, từ giải cứu bất động sảnm trái phiếu doanh nghiệp đến tất cả các chủ thể tham gia thị trường gồm có ngân hàng, doanh nghiệp, người tiêu dùng,... nhằm đảm bảo đáp ứng toàn diện nhu cầu kinh tế xã hội.
Tuy nhiên có một điều chúng ta phải để ý đó là, loại nợ chỉ cho cho vay và cho thuê tài chính, trong khi tăng trưởng tín dụng còn có trái phiếu doanh nghiệp nếu ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp, nhưng không thuộc Dự thảo Thông tư này. Vì đây là Dự thảo Thông tư của NHNN nên chỉ thực hiện theo đúng phạm vi của họ”, ông Long phân tích.
Nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm, đây là giải pháp tình thế để gỡ khó tạm thời cho doanh nghiệp và cả ngân hàng, đồng thời giúp ổn định tâm lý thị trường. Thực tế, các ngân hàng cũng muốn gia hạn nợ cho một số khách hàng có tiềm năng trả nợ để nợ xấu không bị tăng lên và ảnh hưởng đến báo cáo tài chính của ngân hàng. Nhưng cũng rất kỹ trong lựa chọn khách hàng giải ngân vốn, họ có thể gia hạn nợ để nợ xấu bớt xấu, song chưa hẳn đã dễ dãi trong cho vay mới. Ngân hàng sẽ cân nhắc doanh nghiệp thực sự khó khăn về dòng tiền mới gia hạn, hạn chế tình trạng doanh nghiệp có tiền nhưng vẫn chây ì, không có thiện chí trả nợ.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cần cụ thể hóa quy định về xử lý nợ xấu
03:00, 08/04/2023
Rủi ro nợ xấu từ trái phiếu
04:00, 26/03/2023
Kiểm soát chất lượng Bancassurance: Áp chỉ số như phân loại nợ xấu
05:30, 03/03/2023
Chạy đua xử lý nợ xấu
03:34, 24/02/2023