TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Chuyển động chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém

LÊ MỸ 06/05/2023 15:24

Một trong những thông tin tích cực đáng chú ý trong tuần của hệ thống ngân hàng, là việc chuyển giao 4 TCTD nhóm 0 đồng và kiểm soát bắt buộc về các ngân hàng lớn.

>> CBBank và OceanBank sắp được "khớp lệnh" hướng tái cơ cấu mới

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với bốn TCTD thuộc diện yếu kém, kiểm soát đặc biệt.

4 TCTD yếu kém, kiểm soát đặc biệt sẽ được chuyển giao bắt buộc thời gian tới là CBBank, GPBank, OceanBank và DongABank

4 TCTD yếu kém, kiểm soát đặc biệt sẽ được chuyển giao bắt buộc thời gian tới là CBBank, GPBank, OceanBank và DongABank

Thông tin được nêu trong trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2023 vừa được NHNN gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Bốn TCTD yếu kém gồm ba ngân hàng mà Nhà nước mua lại 0 đồng là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank), cùng với đó là ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt - Ngân hàng Đông Á (DongABank). Các TCTD này sẽ được NHNN chuyển giao bắt buộc trong thời gian tới. 

Về việc xử lý các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, NHNN báo cáo thêm, đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các nội dung tiếp theo để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định.

Riêng đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt tháng 10/2022, NHNN đang khẩn trương triển khai các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đánh giá tổng thể thực trạng và chủ trương cơ cấu lại để có cơ sở xây dựng phương án cơ cấu lại ngân hàng này, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.

>>ĐHĐCĐ MB 2023: Tăng vốn điều lệ, tiếp tục nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng

Thực tế, việc chuyển giao bắt buộc 4 TCTD được nêu, đã được “bật tín hiệu” từ 2022. Theo đó, cả MB, Vietcombank lẫn VPBank đều đã đưa kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD yếu kém trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022.

Kế hoạch này tiếp tục được các nhà băng trên đưa vào nội dung kỳ họp và chia sẻ nhiều hơn các thông tin trong kỳ ĐHĐCĐ 2023 vừa diễn ra.  

Tại ĐHĐCĐ 2023 mới đây, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Vietcombank - tiếp tục cho biết, Vietcombank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém. Hiện Vietcombank đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại yếu kém. Đến nay phương án nhận chuyển giao đã được trình và đang chờ NHNN  phê duyệt.

Theo lãnh đạo Vietcombank, “đây là một phần trách nhiệm, bởi chúng ta chỉ làm tốt trong một hệ thống ngân hàng ổn định. Mặt khác, đây cũng là một cơ hội cho Vietcombank. Với những hỗ trợ, điều kiện từ phía Chính phủ, NHNN tạo ra cho ngân hàng động lực mới, cơ hội phát triển mới trong thời gian tới".

Trước đó, một nguồn tin từ CBBank trao đổi với Diễn Đàn Doanh Nghiệp, cho biết trong năm 2022 cũng đã được Vietcombank hỗ trợ. "2022 cũng là năm kết quả kinh doanh của CBBank đạt được tốt nhất kể từ sau tái cơ cấu", thông tin chia sẻ.

CBBank là một trong những ngân hàng đã được Vietcombank hỗ trợ và nhờ đó có kết quả tích cực trong 2022

CBBank là một trong những ngân hàng đã được Vietcombank hỗ trợ và nhờ đó có kết quả tích cực trong 2022

Với MB, tại ĐHĐCĐ của MB năm 2022, ông Lưu Trung Thái- Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ MB (nay ông Thái là Chủ tịch HĐQT MB) - cho biết, việc nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD giúp MB có cơ hội để tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường khoảng 1,5 - 2 lần trong dài hạn, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới. 

Năm 2022, ghi nhận OceanBank đã kí kết chiến lược cùng MB.

Còn tại ĐHĐCĐ năm nay, lãnh đạo MB tiết lộ đang tiến hành định giá một ngân hàng yếu kém được chuyển giao bắt buộc. Dự kiến cuối năm 2023 và đầu năm 2024, MB sẽ định giá xong để trình Chính phủ. 

Với VPBank, kế hoạch nhận chuyển giao một ngân hàng được Chủ tịch HĐQT VPBank - ông Ngô Chí Dũng - cho hay, là đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất cơ quan chức năng.

Theo các diễn tiến, thị trường cho rằng OceanBank sẽ là ngân hàng được “khớp lệnh” cùng MB; còn CBBank sẽ về tay Vietcombank. GPBank là trường hợp chưa được thông tin rõ ràng song trên thị trường cũng có nhiều nguồn tin cho rằng đây là “đối tượng nghiên cứu” của VPBank; bên cạnh là thông tin đồn đoán DongABank có thể được HDBank nhận chuyển giao bắt buộc.

Cuối 2022, HDBank đã thông qua ĐHĐCĐ bất thường về chủ trương tham gia tái cơ cấu TCTD. Nội dung này cũng tiếp tục được ĐHĐCĐ 2023 của HDBank mới đây thông qua và lãnh đạo HDBank trao đổi với cổ đông cho rằng, đây là đề án phải bảo mật, thông tin sẽ công bố khi được phép. 

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, cổ đông HDBank cũng bỏ phiếu thông qua chủ trương tham gia tái cơ cấu, nhận chuyển giao TCTD. Nhiều cổ đông kỳ vọng NH có thể được nới room ngoại lên 49% với kế hoạch này

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, cổ đông HDBank cũng bỏ phiếu thông qua chủ trương tham gia tái cơ cấu, nhận chuyển giao TCTD. Nhiều cổ đông kỳ vọng NH có thể được nới room ngoại lên 49% với kế hoạch này

Cũng năm 2022, các ngân hàng có chủ trương tham gia tái cơ cấu TCTD, ghi nhận chung đã được NHNN cấp room tín dụng cao. Đây được xem là một trong những lợi thế mà các TCTD này có thể tiếp tục được hưởng trong năm nay, vừa tương xứng với năng lực tài chính theo xếp hạng của NHNN đánh giá (đảm bảo uy tín mới có thể tham gia chương trình - theo chia sẻ của một Lãnh đạo ngân hàng); vừa tạo thuận lợi để các hoạt động hỗ trợ TCTD yếu kém có hiệu quả. 

Đáng chú ý ngoài các ngân hàng được nêu, thị trường còn xuất hiện MSB có chủ trương sáp nhập một TCTD (nhưng không được ĐHĐCĐ 2023 thông qua). MSB cũng là ngân hàng có room tín dụng cao so với mặt bằng chung ở 2022 và xét trên cả room đã được cấp đầu 2023.

Những chuyển động chuyển giao bắt buộc các TCTD yếu kém như vậy ngày càng cụ thể, rõ ràng hơn, tiến gần đến thực thi được các mục tiêu, nhiệm vụ mà ngành ngân hàng đã được Thủ tướng phê duyệt trong Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”.

Trong báo cáo gửi Quốc hội của NHNN, được biết ngoài nội dung về công việc xử lý ngân hàng yếu kém, NHNN cũng nêu rõ đã làm việc trực tiếp với một số TCTD trong những tháng đầu năm. Mục đích là để nắm rõ thực trạng chất lượng tín dụng, kế hoạch và lộ trình xử lý nợ xấu, cấp tín dụng đối với một số lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp...

Các TCTD kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và yêu cầu có lộ trình giảm dần tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nhằm ngăn chặn nợ xấu phát sinh.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần triển khai cả tín dụng bất động sản cùng tái cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp

    Cần triển khai cả tín dụng bất động sản cùng tái cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp

    11:30, 18/02/2023

  • NCB kiện toàn bộ máy lãnh đạo, đẩy mạnh tái cơ cấu

    NCB kiện toàn bộ máy lãnh đạo, đẩy mạnh tái cơ cấu

    09:54, 22/04/2023

  • ĐHCĐ HDBank: Lấy phát triển bền vững làm kim chỉ nam, đặt mục tiêu lợi nhuận 13.197 tỷ đồng

    ĐHCĐ HDBank: Lấy phát triển bền vững làm kim chỉ nam, đặt mục tiêu lợi nhuận 13.197 tỷ đồng

    19:34, 26/04/2023

  • Vietcombank - 60 năm lớn mạnh cùng đất nước

    Vietcombank - 60 năm lớn mạnh cùng đất nước

    00:28, 03/05/2023



LÊ MỸ