NHNN: Tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng nhưng không hạ chuẩn tín dụng
Lãnh đạo NHNN cho biết, định hướng điều hành tín dụng từ nay đến cuối năm là tiếp tục giữ chỉ tiêu tăng trưởng, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng nhưng không hạ chuẩn tín dụng.
>> NHNN: Huy động vùng Đông Nam Bộ chiếm 1/3, tín dụng chiếm 35% cả nước
Theo cơ quan quản lý ngành, trong những tháng còn lại của năm 2023, bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, thời gian tới NHNN tiếp tục điều hành hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2023 bình quân khoảng 4,5%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng
Phát biểu tại phát biểu tại Hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết định hướng chính sách tiền cuối năm cụ thể:
Về điều hành tín dụng: NHNN sẽ tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng 14-15% cả năm 2023, chỉ đạo TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng nhưng không hạ chuẩn tín dụng nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp nhằm nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, nhất là vấn đề tiếp cận vốn tín dụng. Trên cơ sở nắm bắt các tồn tại, vướng mắc, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Đẩy mạnh triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và nhà ở công nhân; các chương trình tín dụng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế;
Chỉ đạo các TCTD chủ động xây dựng các chương trình, gói sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, tăng khả năng tiếp cận vốn; đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng, trong đó có các chương trình nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng Đông Nam Bộ theo Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW và Quyết định số 2230/QĐ-NHNN ngày 30/12/2022 về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai Nghị quyết 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ.
Tích cực triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN.
Về điều hành lãi suất: NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
NHNN cũng sẽ tiếp tục điều hành thanh khoản cho nền kinh tế phù hợp với quy định để cung ứng thanh khoản cho hệ thống TCTD; điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
>>Thống đốc NHNN: Khả năng tài chính thường hạn chế doanh nghiệp tiếp cận vốn
Đáng chú ý trước đó, tại Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng năm 2023 tại Hà Nội, trước các kiến nghị về giảm lãi suất và giảm chuẩn tín dụng để doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn vay,
Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng nhận định: “Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang đi trên dây, vừa phải điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ doanh nghiệp. Tất cả dồn vào ngành ngân hàng”. “Nếu ngày hôm nay doanh nghiệp dồn hết khó khăn vào ngân hàng, thời gian tới ngân hàng khó khăn thì doanh nghiệp cũng gặp khó”, ông Hùng nói.
Phó Thống đốc NHNN tham gia sự kiện này, ông Phạm Thanh Hà, cũng cho biết, khó khăn của nền kinh tế là một tổng thể và trong đó có thể phân ra khó khăn của doanh nghiệp và khó khăn của các ngân hàng. "Nếu các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp ở mức chấp nhận được thì nền kinh tế sẽ tốt lên. Tuy nhiên, nếu hoãn, giãn nợ, ngân hàng nới lỏng điều kiện tín dụng thì khó khăn sẽ bị chuyển về phía ngân hàng".
Như vậy, các nhà điều hành có lý do và nhất quán định hướng tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng nhưng không hạ chuẩn tín dụng
Kiến nghị tài khóa mở rộng
Cơ quan quản lý cũng kiến nghị, đề xuất về giải pháp, chính sách vĩ mô khác. Cụ thể theo các nhà điều hành, Chính sách tài khóa cần mở rộng để hỗ trợ cải thiện thanh khoản cho nền kinh tế theo hướng: (i) đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. (ii) để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ, cần điều tiết giảm lượng tồn ngân quỹ nhà nước, tăng lượng tiền đưa ra lưu thông trong nền kinh tế.
Chính sách thương mại: (i) Có các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các Hiệp định thương mại tự do, qua đó thúc đẩy xuất khẩu và gia tăng các đơn hàng xuất khẩu từ đó tạo công ăn việc làm và gia tăng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đối với hệ thống ngân hàng; thu hút FDI, FII, góp phần thu hút được các dòng vốn ngoại tệ về nước, từ đó làm tăng lượng tiền trong nền kinh tế. (ii) Có các giải pháp khai thác cầu nội địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào cầu nước ngoài để tăng tính độc lập tự chủ nền kinh tế.
Bên cạnh đó, xử lý các vấn đề tồn tại của thị trường BĐS, TPDN để qua đó góp phần đẩy mạnh cả 2 phía cung – cầu tín dụng.
Có các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường TPDN; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn việc chào bán, giao dịch TPDN đảm bảo đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp kinh doanh BĐS phát hành TPDN.
Nghiên cứu nâng cao hiệu quả cơ chế bảo lãnh DNVVN nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của DNVVN.
Nghiên cứu các giải pháp, chính sách hỗ trợ thúc đẩy gia tăng tác động lan tỏa của khu vực FDI, tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI để củng cố nền tảng nội địa của nền kinh tế, tạo nguồn thu ngoại tệ bền vững cho nền kinh tế trong trung – dài hạn.
Tại hội nghị, Lãnh đạo NHNN đã lắng nghe các ý kiến, kiến nghị đóng góp của các Lãnh đạo và Hiệp hội doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp tại địa phương. Nhà điều hành kiến nghị đối với địa phương, cần triển khai các giải pháp, chính sách hiệu quả, đồng bộ trong quản lý sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng các kênh phân phối hiện đại, phát triển thị trường, kích cầu tiêu dùng nội địa; tổ chức xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh, đặc thù của địa phương, nhất là các thị trường lớn, các thị trường còn nhiều dư địa khai thác theo chương trình tổng thể của Bộ Công thương, các chương trình của tỉnh, thành phố trong Vùng, đặc biệt là các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết để khai thác có hiệu quả các thị trường.
Hỗ trợ hoàn thiện thủ tục pháp lý các dự án đầu tư nói chung và bất động sản nói riêng trên địa bàn. Rà soát vướng mắc của thị trưởng BĐS, tháo gỡ các vấn đề về nguồn cung và cơ cấu sản phẩm; có giải pháp giảm thực chất giá BĐS, nhất là phân khúc nhà cao cấp để người mua tham gia thị trường, tăng luân chuyển dòng tiền vào thị trường BĐS và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho khu vực.
Triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với đặc thù của từng tỉnh, thành phố và phù hợp với định hướng phát triển địa phương trong từng thời kỳ. Tiếp tục bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực để kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất; tăng cường kết nối các doanh nghiệp trong khu vực tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu;
Chỉ đạo các Sở, ban ngành, chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng trong triển khai các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng... khi doanh nghiệp tiếp cận vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh.
Hỗ trợ ngành ngân hàng trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tập trung triển khai các giải pháp tăng tỷ lệ giải ngân đầu tư công trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân vốn đầu công của vùng đạt thấp hơn mức trung bình của cả nước. Trong đó, chú trọng đẩy nhanh giải ngân các công trình hạ tầng đô thị, dự án giao thông trọng điểm.
Có thể bạn quan tâm