Cần sớm mở cánh cửa thị trường mua bán nợ xấu

DIỄM NGỌC - HỒNG MINH 17/05/2023 11:30

Theo chuyên gia, Việt Nam muốn trở thành một phần của thị trường tài chính toàn cầu, muốn có nguồn tín dụng cho doanh nghiệp nội địa, thì cần mở cánh cửa cho thị trường mua bán nợ xấu của mình.

>>“Xoa dịu” nỗi lo nợ xấu

Tránh tạo khoảng trống pháp lý

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, tăng khá mạnh so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021.

Hội thảo “Vấn đề xử lý nợ xấu trong Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi)”

Hội thảo “Vấn đề xử lý nợ xấu trong Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi)” (ảnh: Hồng Minh)

NHNN xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm 5% tổng dư nợ - gần tương đương với tỷ lệ nợ xấu nền kinh tế phải đối diện khi Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực.

Để không tạo khoảng trống pháp lý xử lý nợ xấu khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, NHNN đã dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến. Theo đó, đã bổ sung thêm 1 chương quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.

Cụ thể, Chương IX trong dự thảo Luật sửa đổi gồm 9 điều liên quan đến các nội dung: khái niệm nợ xấu; bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm; hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính; và chuyển nhượng tài sản bảo đảm.

Việc bổ sung các quy định này nhận được sự ủng hộ của các ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đối với nội dung của các quy định cụ thể, vẫn còn những ý kiến khác nhau.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng và doanh nghiệp tỏ ra băn khoăn về việc một số nội dung của Nghị quyết 42 đã không được đưa vào dự thảo Luật TCTD như: xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản, bán nợ xấu có tài sản bảo đảm đang bị kê biên, phân bổ lãi dự thu, quy định về áp dụng thủ tục xét xử rút gọn… Những nội dung này sẽ được quy định tại văn bản pháp luật nào và khi nào được ban hành là vấn đề đang được các ngân hàng và doanh nghiệp hết sức quan tâm.

>>Ngân hàng Việt có đối mặt với khủng hoảng nợ xấu như 10 năm trước?

Khó thu giữ tài sản bảo đảm

Phát biểu tại Hội thảo “Vấn đề xử lý nợ xấu trong Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi)” sáng ngày 17/5 do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức tại Hà Nội, các đại biểu đều đánh giá Nghị quyết 42 đã phát huy hiệu quả lớn, là bước đột phá trong công tác xử lý nợ xấu ở Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình áp dụng cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh bản thân nền kinh tế và hệ thống các tổ chức tín dụng có nhiều thay đổi.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA)

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA)

Theo đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại đang suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu gặp nhiều khó khăn. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3%. Song, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất là một số khoản nợ về nguyên tắc đã trở thành nợ xấu song do được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ…rồi các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...

“Thực tế, trong hệ thống, nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh năm 2022 và quý 1/2023 cho thấy nợ xấu gia tăng mạnh so với trước, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 2%, một số ngân hàng nợ xấu tăng đột biến 4%”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Chia sẻ quan điểm của mình, ông Hoàng Hải Vương, Giám đốc Khu vực Miền Bắc, Ngân hàng Eximbank bày tỏ, một trong những khó khăn lớn nhất trong xử lý nợ xấu là quá trình thu giữ TSBĐ. Theo Nghị quyết 42, thì quyền thu giữ TSBĐ phải đi kèm với điều kiện là hồ sơ thế chấp giữa khách hàng và các TCTD phải có thỏa thuận về các điều khoản thu giữ tài sản bảo đảm.

“Tuy nhiên thực tế là, tính đến thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực, đa số các hợp đồng thế chấp không có điều khoản này, như vậy muốn thực hiện được thì các TCTD phải tiến hành đàm phán với khách hàng vay để ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh, tuy nhiên đối với những khoản nợ xấu đã phát sinh thì thuyết phục khách hàng trả nợ vay đã khó, thuyết phục khách hàng ký phụ lục hợp đồng còn khó khăn hơn rất nhiều”, ông Vương nhấn mạnh.

Về thứ tự thanh toán khi xử lý TSBĐ, nhiều chuyên gia và ngân hàng thương mại đều ủng hộ phương án ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ của TCTD trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội có một số ý kiến cho rằng, việc quy định ưu tiên này tại dự thảo Luật vẫn chưa phù hợp với pháp luật về thuế và pháp luật có liên quan.

>>Xử lý tài sản bảo đảm : "Ách tắc" vì pháp lý

Mở cửa thị trường xử lý nợ xấu

Từ góc nhìn và kinh nghiệm quốc tế, đại diện cho Tổ chức Tài chính Thế giới (IFC), ông Darryl Dong - Cán bộ Quốc gia Cao cấp khuyến nghị, Luật các TCTD sửa đổi cần mở rộng quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) cho các bên mua nợ xấu, thông qua việc cho họ được thế quyền trong các quyền và nghĩa vụ của bên bán nợ xấu. Hoặc ít nhất, cho phép bên mua nợ xấu được ủy quyền cho bên bán nợ xấu (tức TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc VAMC) quản lý khoản nợ xấu, thu nợ, và nếu cần thiết, thu giữ tài sản bảo đảm hay phát mại thay mặt cho bên mua nợ xấu.

Đại diện Tổ chức Tài chính Thế giới (IFC), ông Darryl Dong - Cán bộ Quốc gia Cao cấp

 Ông Darryl Dong - Cán bộ Quốc gia Cao cấp Đại diện Tổ chức Tài chính Thế giới (IFC)

Hiện nay, Luật lệ Việt Nam và các đề xuất đều chưa thu hút được các bên tham gia thị trường. Hiện quy định mới chỉ cho phép các ngân hàng và VAMC tham gia thị trường nên thực chất nợ chỉ chuyển dịch, đá đi đá lại giữa các ngân hàng mà chưa có một giải pháp thị trường đúng nghĩa.

Đây là lúc chúng ta phất cờ xử lý nợ xấu thông qua việc mở cửa thị trường. Khi Việt Nam muốn trở thành một phần của thị trường tài chính toàn cầu phải có được bảng cân đối tài sản mạnh mẽ, muốn có nguồn tín dụng cho doanh nghiệp nội địa cần mở được cánh cửa cho thị trường mua bán nợ xấu của mình.

Biện pháp tiếp cận tốt hơn cả hiện nay là nên có luật riêng dành cho nợ xấu. Đây là việc quan trọng để chỉ chuyên xử lý nợ xấu và tập trung, phản hồi nhanh chóng với thị trường.

Khung pháp lý xử lý nợ xấu và Luật Các TCTD là 2 văn bản có bản chất hoàn toàn khác nhau. Luật Các TCTD là quy định về hoạt đông, quản trị của TCTD, trong khi quy định giải quyết nợ xấu liên quan nhiều tới xử lý tài sản bảo đảm, tố tụng....

Chúng ta có 2 khuyến nghị cho chương xử lý nợ xấu trong Luật Các TCTD (sửa đổi) như sau:

Thứnhất, Việt Nam cần có nhà đầu tư nước ngoài tới giải quyết hỗ trợ nợ xấu, thu hút vốn của các nhà đầu tư này. Hiện nay VAMC và ngân hàng độc quyền trong mua bán, giải quyết nợ xấu, đó không phải giải pháp theo thị trường mà chỉ trên sổ sách kế toán.

Chúng ta cần phải cho các nhà đầu tư tham gia, ngành ngân hàng không thể một mình giải quyết, phát triển thị trường mua bán nợ xấu. Việc mở cửa này cần được làm rõ, quy định rõ trong luật. Việt Nam cần quy định mới đủ tốt sẽ thu hút chuyên gia và nhà đầu tư nợ xấu.

Đồng thời cho phép tổ chức phi ngân hàng mua bán trực tiếp nợ xấu từ ngân hàng. Các bên mua bán nợ xấu rất quan trọng, bên mua nợ xấu cần được kế thừa đầy đủ trách nhiệm quyền hạn với khoản nợ xấu được mua.

Thứhai, xử lý TSBĐ - Dự thảo luật chỉ cho phép các ngân hàng và VAMC quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Điều này không đúng nguyên tắc thị trường, việc không thể xử lý tài sản bảo đảm khi bên tham gia là tổ chức phi ngân hàng, đây là một nút chặn.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đề cập việc ban hành một Thông tư liên tịch để quy định cụ thể về thời gian xử lý, xác minh, trả lời các văn bản của các cơ quan chức năng và hướng dẫn các cơ quan chức năng phối hợp để đẩy nhanh quá trình xử lý, giải quyết hồ sơ của các TCTD.

Có thể bạn quan tâm

  • “Xoa dịu” nỗi lo nợ xấu

    03:24, 15/05/2023

  • 17/5: Hội thảo "Vấn đề xử lý nợ xấu trong Luật Các TCTD (sửa đổi)"

    11:19, 14/05/2023

  • Ngân hàng Việt có đối mặt với khủng hoảng nợ xấu như 10 năm trước?

    05:00, 30/04/2023

  • Nợ xấu thấp, HDBank báo lãi quý 1/2023 tăng 26%

    18:37, 28/04/2023

DIỄM NGỌC - HỒNG MINH