Thu giữ tài sản bảo đảm: Vướng mắc lớn khi xử lý nợ xấu
Nhiều ngân hàng cho biết vướng mắc lớn nhất trong xử lý nợ xấu là thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ), nhiều khách hàng có nợ xấu thiếu hợp tác, hay cố tình không trả nợ, không chịu bàn giao TSBĐ để xử lý.
>>Chạy đua xử lý nợ xấu
Nợ xấu gia tăng mạnh
Những tháng đầu năm 2023, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của kinh tế toàn cầu. Trước bối cảnh đó, các ngân hàng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hoạt động.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất ngân hàng đã hạ nhiệt đáng kể sau quyết định hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tuy nhiên mức lãi suất huy động và cho vay hiện nay vẫn ở mức cao do thực tế tốc độ huy động vốn vẫn tăng trưởng thấp hơn tín dụng.
Bên cạnh đó, các khoản huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là kỳ hạn ngắn trong khi các khoản cho vay dài hạn lại chưa thu hồi được trong bối cảnh khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm, các khoản huy động cũ lãi suất cao chưa đáo hạn,… nên các ngân hàng vẫn chưa có cơ sở để giảm mạnh lãi suất cho vay.
Cùng với đó, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên khả năng hấp thụ vốn thấp, dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm lại. Đến ngày 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, nhưng thấp hơn nhiều so với năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,46%).
Chất lượng tài sản suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu của NHTM gặp nhiều khó khăn do: Một là, hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng vay tiếp tục gặp khó khăn, giảm nguồn thu và khả năng trả nợ, nguy cơ phát sinh nợ xấu;
Hai là, việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng;
Ba là, các DNVVN đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, trong khi việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 đã hết hiệu lực…
Mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3%, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất là một số khoản nợ về nguyên tắc đã trở thành nợ xấu do được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ… rồi các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...
Thực tế trong hệ thống, nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh năm 2022 và quý 1/2023 cho thấy, nợ xấu gia tăng mạnh so với trước, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 2%, một số ngân hàng nợ xấu tăng đột biến 4%. Chất lượng tài sản của các NHTM có sự phân hóa mạnh.
>>WiGroup: Tỷ lệ ngân hàng dễ tổn thương bởi nợ xấu tăng lên
Thu hồi nợ còn vướng mắc
Trong thời gian vừa qua, nhiều ngân hàng cho biết vướng mắc lớn nhất trong xử lý nợ xấu là thu giữ TSBĐ. Trong đó, khách hàng có nợ xấu thiếu hợp tác, cá biệt có khách hàng cố tình không trả nợ, không chịu bàn giao TSBĐ để xử lý.
Vì vậy, các ngân hàng buộc phải xử lý nợ thông qua biện pháp tố tụng, dẫn đến việc thu hồi nợ mất nhiều thời gian để xử lý. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành án, các đương sự cố tình tạo ra tranh chấp bên thứ ba, sau đó khởi kiện ra Tòa án nhằm kéo dài việc kê biên, xử lý tài sản bảo đảm.
Đặc biệt, một số khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là các dự án đang dở dang có giá trị lớn, chưa hoàn thiện pháp lý và khó xử lý. Trong khi công tác phối hợp với chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan còn nhiều khó khăn, cụ thể như việc tiếp cận thông tin về tình trạng TSĐB; đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở; thi hành án; việc giới hạn phạm vi lựa chọn tổ chức thẩm định giá...
Ngoài ra, việc mua bán nợ xấu của TCTD cho các tổ chức, cá nhân chưa phát sinh nhiều do bên mua nợ còn e ngại thủ tục xử lý nợ trên thực tế gặp nhiều khó khăn.
Từ góc độ pháp luật, hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất như việc thu giữ TSBĐ; áp dụng thủ tục rút gọn; ưu tiên thanh toán để thu hồi nợ xấu; hay xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản.
Chưa kể những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác, cụ thể về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ, vướng mắc liên quan đến hoạt động mua bán nợ và khó khăn trong việc nhận gán nợ TSBĐ là bất động sản, xử lý TSBĐ là chứng khoán trong giao dịch cầm cố với ngân hàng.
>>Hệ thống ngân hàng đủ nguồn lực để ứng phó với rủi ro nợ xấu
Cần giải pháp đồng bộ
Thứ nhất, về phía Quốc hội, Toà án, Quốc hội trước khi thông qua các dự thảo Luật cần lắng nghe ý kiến từ các cử tri bộ ngành các tổ chức chính trị xã hội ngành nghề và chính các doanh nghiệp; rà soát các luật liên quan để ban hành luật sửa đổi phù hợp với thực tiễn.
Tòa án nhân dân Tối cao có văn bản hướng dẫn các Tòa án cấp dưới trong việc xử lý các vướng mắc tranh chấp liên quan đến việc chủ TSBĐ tạo ra các tranh chấp giả tạo nhằm kéo dài việc xử lý TSBĐ của TCTD.
Đối với các trường hợp cố tình chây ì, lẩn trốn, không xuất hiện, không hợp tác với cơ quan chức năng nhằm mục đích để kéo dài thời gian xử lý nợ, trốn tránh nghĩa vụ, coi thường sự nghiêm minh của luật pháp, cần tạo thành án lệ về việc xét xử vắng mặt các đối tượng này, hoặc áp dụng các biện pháp rút gọn tại tòa để rút ngắn thời gian khởi kiện, nhanh chóng xử lý có kết quả thu hồi của khoản nợ.
Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự.
Thứ hai, về phía Chính phủ, cho phép các NHTM Nhà nước được tăng vốn điều lệ các năm tới thông qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại sau trích lập các quỹ giai đoạn 2022-2023 nhằm gia tăng năng lực tài chính, dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu tăng cao thời gian tới.
Chỉ đạo các Bộ, Ngành liên quan tiếp tục rà soát lại các quy định liên quan đến ngành nghề, đối tượng được hưởng, các điều kiện vay vốn… tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN để có các điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai thực hiện.
Bộ Tài chính phối hợp Bộ ngành liên quan xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giao dịch trên thị trường chứng khoán và chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán để giao dịch công khai, minh bạch; Ban hành hướng dẫn về định giá Khoản nợ xấu thông qua Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam theo quy định của Luật Giá.
Bộ Tư pháp chỉ đạo Tổng cục thi hành án rà soát những bản án thi hành còn tồn đọng, liên quan đến xử lý TSBĐ thu hồi nợ xấu.
Thứ ba, về phía Ngân hàng Nhà nước, cần sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động ngân hàng số, xác thực khách hàng điện tử (eKYC), cho vay theo phương thức điện tử. Theo đó, việc phê duyệt tín dụng thông qua các hệ thống phần mềm, số hóa, dưới các hình thức giao dịch điện tử, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, tạo điều kiện cho các TCTD trong quá trình hoạt động và cho khách hàng vay vốn hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cần nghiên cứu kỹ Luật về ngân hàng của các nước trong khu vực và trên thế giới để các quy định tại Luật các TCTD (sửa đổi) phù hợp với đặc thù Việt Nam nhưng cũng phải tiệm cận và phù hợp thông lệ quốc tế. Đồng thời rà soát một số dự thảo Luật liên quan đến hoạt động ngân hàng đang sửa đổi hiện nay để tránh sự chồng chéo, không phù hợp với Luật các TCTD (sửa đổi).
Đặc biệt, cần lưu ý những nội dung dự thảo Luật giao dịch điện tử để đưa vào Luật các TCTD nhằm thực hiện tốt chuyển đổi số, cho vay trên nền tảng công nghệ, thẩm định và quyết định cho vay trên dữ liệu lớn.
Có thể bạn quan tâm
Để TCTD được chủ động lựa chọn phương thức xử lý nợ xấu
10:52, 17/05/2023
Cần sớm mở cánh cửa thị trường mua bán nợ xấu
10:22, 17/05/2023
“Xoa dịu” nỗi lo nợ xấu
03:24, 15/05/2023
17/5: Hội thảo "Vấn đề xử lý nợ xấu trong Luật Các TCTD (sửa đổi)"
11:19, 14/05/2023