Đề xuất VNBA thành lập công ty mua bán nợ xấu
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, VNBA là nơi có thể tập hợp các ngân hàng thương mại thành lập công ty cổ phần mua bán nợ, từ đó có tác dụng đẩy nhanh xử lý nợ xấu trên thị trường hơn.
>>Cần sớm mở cánh cửa thị trường mua bán nợ xấu
Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm Nghiên cứu Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, từ đầu năm 2023, trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, Chính phủ, NHNN và các bộ, ngành khác đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, qua đó giảm thiểu khả năng gia tăng đột ngột nợ xấu đối với hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD).
Tuy nhiên, dự báo nợ xấu của hệ thống TCTD có thể còn tăng trong năm 2023 khi rủi ro tín dụng gia tăng, do khách hàng phải chịu tác động cộng hưởng từ những rủi ro còn lại do ảnh hưởng của Covid-19, khó khăn trên thị trường bất động sản (BĐS) và thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), đi cùng với tình hình kinh tế trong nước và quốc tế khó khăn và mặt bằng lãi suất còn ở mức cao.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cuối tháng 3/2023 là 2,88% (tăng so với mức 2,46% vào cuối năm 2016 và mức 2% vào cuối năm 2022), nợ xấu gộp khoảng 5% (theo NHNN).
Trong bối cảnh thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 chỉ được kéo dài đến hết năm 2023, việc luật hóa các quy định xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm liên quan trong Luật các TCTD (sửa đổi) là rất cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý bền vững cho xử lý nợ xấu và đảm bảo an toàn hoạt động cho các TCTD.
>>Mua bán nợ xấu "bít đường", ngân hàng và VAMC ráo riết tìm lối thoát
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh cho rằng, chúng ta cần tăng quyền tự chủ của ngân hàng thương mại, tăng khả năng dùng biện pháp để tiếp cận thị trường mua bán nợ. Trong đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) có thể thành lập công ty mua bán nợ.
Chia sẻ sâu hơn về quan điểm này, TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá, công ty mua bán nợ có quy định về vốn điều lệ, mà VNBA lại là nơi có thể tập hợp các ngân hàng thương mại thành lập công ty cổ phần mua bán nợ, từ đó có tác dụng đẩy nhanh xử lý nợ xấu hơn.
“Đây không phải vấn đề mà các ngân hàng thương mại cứ ôm để bán dần, mà phải xử lý nhanh, muốn vậy cần có thị trường với các doanh nghiệp tham gia. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa hình thành được thị trường này rõ nét, nợ xấu để trong ngân hàng rồi đưa ra ngoài, có khi bị “ngâm” hàng chục năm.
Do đó, tôi muốn đề xuất VNBA vì họ có các lợi thế rất lớn như: Thứ nhất, VNBA có thể huy động vốn dễ dàng từ các ngân hàng thương mại. Thứ hai, họ có các khách hàng bán nợ là tất cả các ngân hàng thương mại, với thông tin khá tốt về tình hình nợ xấu, hay doanh nghiệp có nợ xấu. Đồng thời, có nghiệp vụ đánh giá triển vọng các khoản nợ nhằm xử lý nợ xấu nhanh”, vị chuyên gia nói.
Thực tế, "chợ nợ xấu" của Việt Nam đã có từ hơn 1 năm nay nhưng hoạt động mua bán vẫn khá trầm lắng, quy mô của thị trường so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia,… còn rất khiêm tốn.
Cụ thể, sàn giao dịch nợ VAMC chính thức hoạt động từ tháng 10/2021, nhưng thông tin từ công ty này cho hay, lũy kế tính đến hết năm 2022 mới có gần 160 thành viên đăng ký, ký hợp đồng nguyên tắc với 18 khách hàng là tổ chức tín dụng và các đơn vị thành viên. Tổng giá trị các khoản nợ trên sàn khoảng 38.000 tỷ đồng và VAMC đã thực hiện thành công hợp đồng tư vấn cùng khách hàng với tổng giá trị khoản nợ, tài sản bảo đảm gần 340 tỷ đồng.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, để hoàn thiện thị trường mua bán nợ tại Việt Nam, vị chuyên gia cũng kiến nghị các giải pháp như sau:
Một là, hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, trước mắt là Nghị định về thị trường mua-bán nợ. Về lâu dài có thể xây dựng Luật theo hướng bổ sung các chủ thể tham gia thị trường (tổ chức, cá nhân, định chế tài chính phi ngân hàng; nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước...). Mở rộng phương thức mua - bán nợ và sản phẩm, dịch vụ liên quan (cho phép chứng khoán hóa), Luật hóa Nghị quyết 42 trong Luật TCTD.
Hai là, nhất quán, đồng bộ quy định việc tham gia của nhà đầu tư tư nhân (gồm cả nhà đầu tư nước ngoài) khi sửa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng cho phép các tổ chức tài chính nước ngoài được nhận thế chấp quyền sử dụng đất, bất động sản (nhà ở, BĐS du lịch nghỉ dưỡng…) thông qua trung gian (có thể là các TCTD Việt Nam).
Ba là, đưa ra các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của các chủ thể tham gia thị trường, cho phép thành lập Hiệp hội các doanh nghiệp mua - bán nợ (dạng như LSTA của Mỹ...); tổ chức nhận ủy thác (trustee) cho nhà đầu tư nước ngoài, công ty định giá, tổ chức xếp hạng tín nhiệm, công ty môi giới...
Bốn là, phát triển thị trường thứ cấp, tăng tính thanh khoản, nghiên cứu thành lập công ty tái cho vay thế chấp. Ngoài ra, cần phát triển hạ tầng tài chính như thông tin, dữ liệu, kế toán, kiểm toán, thanh toán bù trừ, định hạng tín nhiệm...; Đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp Nhà nước.
Có thể bạn quan tâm
Nợ xấu ngân hàng đang “đáng ngại” ra sao?
05:10, 22/05/2023
Cấp bách ban hành Luật xử lý nợ xấu
12:00, 21/05/2023
Xử lý nợ xấu: Bế tắc trong việc thu giữ tài sản bảo đảm
00:06, 19/05/2023
Thu giữ tài sản bảo đảm: Vướng mắc lớn khi xử lý nợ xấu
05:20, 18/05/2023