Đối lập chính sách gây áp lực gia tăng lên đồng Nhân dân tệ

DIỄM NGỌC 22/06/2023 05:00

Giao dịch phân kỳ giữa đồng đô la Mỹ và Nhân dân tệ đang diễn ra sôi nổi. Nếu Bắc Kinh không sớm kiểm soát tỷ giá hối đoái, đồng Nhân dân tệ có thể sẽ sớm chạm mức thấp nhất trong 15 năm.

>>Liệu đồng đô la Mỹ có bị soán ngôi bởi Nhân dân tệ?

Ngược chiều lãi suất

Đây được xem là một tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với Chính phủ Trung Quốc, vì đồng Nhân dân tệ (CNY) yếu hơn có thể là tin tốt cho các nhà xuất khẩu trong nước đang gặp khó khăn, nhưng cũng có thể khiến Bắc Kinh phải hứng chịu những cáo buộc mới từ Washington về việc thao túng tiền tệ.

Chênh lệch ngày càng tăng của lợi tức trái phiếu Mỹ đối với Trung Quốc đang tạo thêm động lực cho giao dịch đồng Nhân dân tệ yếu hơn

Chênh lệch ngày càng tăng của lợi tức trái phiếu Mỹ đối với Trung Quốc đang tạo thêm động lực cho giao dịch đồng Nhân dân tệ yếu hơn

Sự khác biệt giữa lãi suất tăng của Mỹ và lãi suất thấp hơn ở Trung Quốc chính là vấn đề, trong khi chênh lệch ngày càng tăng của lợi tức trái phiếu Mỹ đối với Trung Quốc đang tạo thêm động lực cho giao dịch đồng Nhân dân tệ yếu hơn. Nỗi lo càng không có hồi kết khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lo lắng về lạm phát, còn Bắc Kinh lo ngại hơn về việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2023. Giao dịch chênh lệch USD-CNY có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát nếu không sớm có sự can thiệp.

Tuần trước, Fed đã tạm dừng chiến dịch kéo dài 14 tháng không ngừng nhằm dập tắt lạm phát quá mức bằng chính sách tiền tệ cứng rắn hơn, mặc dù Fed đã nói rõ rằng đó là một bước đột phá với ý định tăng lãi suất một lần nữa trong những tháng tới.

Ngược lại, phía Bắc Kinh đã cắt giảm 10 điểm cơ bản một trong các lãi suất cho vay cơ bản để giúp thúc đẩy nhu cầu trong nước và đưa nền kinh tế trở lại mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay. Với những kỳ vọng về lãi suất đang đi theo các hướng khác nhau, những người đầu cơ giá lên với đồng đô la Mỹ hầu như không cần bất kỳ sự khuyến khích nào. Triển vọng lãi suất tương đối xa nhau thì vấn đề chỉ còn là giao dịch đồng USD-CNY có thể tăng cao đến mức nào, trước khi Bắc Kinh ra lệnh tạm dừng.

Tuy nhiên, hợp đồng tương lai trên thị trường tiền tệ của Hoa Kỳ vẫn cho thấy Fed có ít nhất một lần tăng lãi suất nữa, theo công cụ FedWatch của CME Group, 74% khả năng lãi suất của Fed sẽ tăng 0,25% tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 7. Mức độ thắt chặt hơn nữa còn phụ thuộc vào tốc độ lạm phát cơ bản. Thực tế, có rất ít cơ hội nới lỏng trong năm nay vì lạm phát khó có thể đạt được mục tiêu 2% của Fed trước cuối năm 2023.

Theo ông David Brown, Giám đốc điều hành của New View Economics đánh giá, nền kinh tế Trung Quốc có vẻ sẽ không đạt mức tăng trưởng 5% như kỳ vọng và sẽ cần nhiều sự giúp đỡ hơn nữa, khi triển vọng tăng trưởng toàn cầu đang bị mắc kẹt trong tình trạng ảm đạm. Có rất nhiều cơ hội để giảm lãi suất do Trung Quốc có ít vấn đề về lạm phát, dữ liệu giá tiêu dùng mới nhất cho tháng 5 cho thấy tỷ lệ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái là 0,2%.

Khi Mỹ càng thắt chặt chính sách và Trung Quốc càng nới lỏng, thì càng có nhiều tín hiệu “bật đèn xanh” cho áp lực gia tăng từ đồng đô la Mỹ đối với đồng Nhân dân tệ. Nó cũng có thể là một điều may mắn cho Bắc Kinh bởi các nhà xuất khẩu của Trung Quốc đang gặp khó khăn, với doanh số xuất khẩu của tháng 5 giảm 7,5% so với một năm trước.

“Trong bối cảnh tăng trưởng thương mại thế giới bị ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và việc thắt chặt của ngân hàng trung ương, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng. Đồng Nhân dân tệ yếu hơn sẽ là một phần thưởng đáng hoan nghênh, nhưng khả năng cạnh tranh xuất khẩu tăng lên cho các nhà sản xuất của Trung Quốc sẽ không được Hoa Kỳ và châu Âu đón nhận.

Cùng với đó, sự khác biệt về chênh lệch lợi suất chính phủ giữa Mỹ và Trung Quốc càng làm trầm trọng thêm vấn đề sức mạnh của đồng bạc xanh với đồng Nhân dân tệ, thu hút các nhà đầu tư bị hấp dẫn bởi lợi suất cao hơn. Với việc chênh lệch trái phiếu chính phủ Mỹ-Trung kỳ hạn 10 năm chuyển từ vùng âm vào năm 2022 sang mức chênh lệch lợi suất khoảng 1% hiện tại, đây là lý do đủ tốt để các nhà đầu tư tiếp tục mua đô la Mỹ thay vì Nhân dân tệ”, ông David Brown phân tích.

>>Tỷ giá sẽ ổn định

“Lối đi riêng” của Trung Quốc

Như vậy, nếu không có sự can thiệp ngắn hạn, đồng đô la Mỹ có thể dễ dàng vượt qua mức cao nhất năm 2022 là 7,33 - 7,5 CNY/USD - một tỷ lệ chưa từng thấy kể từ năm 2007. Đó thực sự là một băn khoăn lớn của các nhà chức trách, rằng để đồng tiền yếu hơn nhằm thúc đẩy xuất khẩu, hay giữ giá trị để duy trì sự ổn định?

PBoC về cơ bản có vẻ hài lòng với việc để đồng USD tăng giá khiến cho Nhân dân tệ mất giá sâu hơn, trong bối cảnh đà tăng trưởng của Trung Quốc đang yếu dần

"PBoC về cơ bản có vẻ hài lòng với việc để đồng USD tăng giá khiến cho Nhân dân tệ mất giá sâu hơn, trong bối cảnh đà tăng trưởng của Trung Quốc đang yếu dần"

Ông Alvin Tan, người đứng đầu bộ phận chiến lược ngoại hối châu Á tại RBC Capital Markets nhận định: “PBoC về cơ bản có vẻ hài lòng với việc để đồng USD tăng giá khiến cho Nhân dân tệ mất giá sâu hơn, trong bối cảnh đà tăng trưởng của Trung Quốc đang yếu dần. Xét cho cùng, đồng tiền mất giá chính là một dạng của nới lỏng tiền tệ”.

Ông Tan cũng giữ nguyên dự báo rằng, tỷ giá USD/Nhân dân tệ sẽ ở mức 7,1 CNY/USD vào thời điểm cuối quý 3 năm nay, trước khi kết thúc năm 2023 ở mức 7,05 CNY/USD.

Còn theo nhà kinh tế cấp cao của Trung Quốc tại Commerzbank - Tommy Wu, PBoC dường như chấp nhận đồng Nhân dân tệ giảm giá và lưu ý rằng, tỷ giá tham chiếu chính thức hàng ngày của đồng Nhân dân tệ trong thời gian gần đây đều phù hợp với kỳ vọng của thị trường.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và nhà phân tích không mong đợi đồng Nhân dân tệ sẽ tiếp tục giảm giá mạnh từ đây. Trong số các ngân hàng đầu tư toàn cầu được Reuters khảo sát hai tuần trước, tất cả đều cho biết họ không kỳ vọng Nhân dân tệ sẽ giảm giá quá mức 7,3 CNY/USD trong năm nay.

Hiện tại, chiến lược lưu thông kép của Bắc Kinh không mâu thuẫn với đồng Nhân dân tệ đang suy yếu, nếu nó có thể tận dụng tối đa nền kinh tế bên ngoài để thúc đẩy tăng trưởng trong nước. Trong khi trên thị trường tiền tệ, vốn dĩ các nhà hoạch định chính sách thường có xu hướng đạt được những gì họ muốn.

Đối với Việt Nam, các chuyên gia đều lạc quan rằng tỷ giá sẽ không phải mối lo trong năm nay. Nhưng theo TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), đồng Nhân dân tệ mất giá dù ít hay nhiều cũng sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, hàng hóa của Trung Quốc đổ vào Việt Nam sẽ rẻ đi khiến nhập siêu tăng lên. Nếu điều này xảy ra sẽ tạo sự cạnh tranh rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam về chất lượng, giá cả, thị phần. Khi ấy, các doanh nghiệp Việt sẽ phải “gồng mình” để cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc nếu nước này tiếp tục phá giá đồng tiền.

“Ngoài ra, dù cơ hội mua nguyên phụ liệu đầu vào từ thị trường này với giá thấp hơn, nhưng hàng Trung Quốc cũng sẽ rẻ hơn ở các thị trường khác, giúp nâng cao tính cạnh tranh, nhất là thị trường EU, Nhật và các nước Đông Á... Khi đó, hàng Việt Nam xuất khẩu sẽ bị giảm lợi thế cạnh tranh, thậm chí doanh nghiệp trong nước mất thị phần vào tay doanh nghiệp Trung Quốc ở những thị trường khác”, ông Phương bày tỏ.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt vẫn luôn phải chú trọng đến công tác phòng vệ rủi ro tỷ giá, lãi suất thông qua việc nâng cao nhận thức về rủi ro thị trường và các công cụ phòng vệ có thể.

Có thể bạn quan tâm

  • Liệu đồng đô la Mỹ có bị soán ngôi bởi Nhân dân tệ?

    05:00, 26/05/2023

  • Rào cản hạn chế tiến trình quốc tế hoá đồng Nhân dân tệ

    04:01, 17/05/2023

  • Đồng Nhân dân tệ vẫn khó thâm nhập thương mại toàn cầu

    04:42, 29/03/2023

  • Nhân dân tệ sụt giảm mạnh trước áp lực của đồng USD

    16:45, 25/02/2023

DIỄM NGỌC