Cần giải pháp tổng thể khơi thông tín dụng nền kinh tế
Theo chuyên gia, lãi suất cao, điều kiện tiếp cận tín dụng chỉ là một khía cạnh trong hàng loạt khó khăn của nền kinh tế. Vấn đề cần giải quyết lúc này là kích thích cầu cầu trong sản xuất, tiêu dùng.
>>Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng
Cầu tín dụng còn thấp
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài khóa - tiền tệ quốc gia, nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay rất thấp (4,73%) là do cầu của nền kinh tế quá yếu, gồm cả sản xuất và tiêu dùng.
Cụ thể, khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc bộ phận hỗ trợ cải cách hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, gần 10.000 doanh nghiệp thì xấp xỉ 60% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay chính là đơn hàng. Một khi không có đơn hàng, hoặc đơn hàng ít thì buộc doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, ngay cả khi tiếp cận được tín dụng.
Việc lãi suất cao cũng là một khía cạnh trong hàng loạt khó khăn đang đặt ra, hay điều kiện tiếp cận tín dụng cũng vậy. Vấn đề phải giải quyết được là cầu của nền kinh tế, bao gồm cầu trong sản xuất, cầu tiêu dùng, khi cầu được khích lệ thì cầu tín dụng cũng có khả năng tăng lên.
“Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhiều lần giảm lãi suất điều hành góp phần kích thích giảm lãi suất, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và doanh nghiệp có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh, nhưng đó không phải là tất cả. Chúng ta phải có biện pháp tổng thể hơn nữa thì cầu tín dụng mới khá hơn và tăng trưởng tín dụng mới được như mong muốn”, PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi nói.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Việt Nam chưa đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, khó khăn của Việt Nam xuất phát từ 2 phía gồm nội tại của nền kinh tế trong nước, cũng như từ kinh tế thế giới và bối cảnh địa chính trị.
Thứ nhất, từ góc độ bên ngoài, như sự kéo dài trong xung đột Nga - Ukraine dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu nhập khẩu của các nước, đặc biệt là những thị trường lớn, thị trường chính của Việt Nam giảm sút. Từ đó dẫn đến hệ lụy nhãn tiền là các doanh nghiệp Việt Nam ở hầu hết mọi lĩnh vực đều giảm đơn hàng, ảnh hưởng đến tỷ lệ, doanh số xuất khẩu.
Thứ hai, là trong nội tại nền kinh tế của chúng ta vẫn còn những khó khăn như các vấn đề về thể chế. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp tháo gỡ liên quan tới việc xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh tốt, một thể chế luật pháp tốt, nhưng trên thực tế vẫn tồn tại thực trạng là có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định. Điều này trong thời gian tới sẽ phải xử lý một cách triệt để.
Thứ ba, là về môi trường đầu tư kinh doanh, dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực cải thiện tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhưng vẫn còn khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính, tới việc áp dụng công nghệ thông tin để có thể tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Trong đó, chúng ta chưa có sự kết nối hiệu quả về cơ sở dữ liệu liên quan đến hành chính, thông tin doanh nghiệp, thuế,... để người dân và doanh nghiệp cũng như cơ quan Nhà nước có một công cụ hiệu quả.
>>"Giữ chân" doanh nghiệp - Cần tiếp tục giảm lãi suất và cung cấp tín dụng
Cần giải pháp tổng thể
Cũng theo bà Trần Thị Hồng Minh, trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, Chính phủ, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Đặc biệt, 2 tháng gần đây đã có rất nhiều đợt giảm lãi suất từ phía NHNN và các ngân hàng thương mại. Chúng tôi cho rằng, những động thái như vậy đã góp phần tích cực vào việc giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn rẻ hơn.
Chúng ta đều thấy, vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp là một trong những khó khăn được nêu ra tại nhiều diễn đàn, hội nghị, mà nguyên nhân chính xuất phát từ cả hai phía: Một là phía ngân hàng, các điều kiện trong chương trình hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp chưa thực sự khai thác một cách hiệu quả. Các ngân hàng gặp khó khăn trong việc cho vay liên quan đến các điều kiện ưu đãi.
Hai là, có nhiều doanh nghiệp trải qua thời gian dịch bệnh kéo dài, họ chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn để vay vốn, dẫn đến việc tiếp cận nguồn vốn rẻ mà Chính phủ đưa ra hoàn toàn khó.
“Chúng tôi cho rằng trong thời gian sắp tới, vấn đề quan trọng nhất vẫn phải là tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực sự phục hồi, vượt qua khó khăn để họ tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng một cách chính thống. Cùng với đó là rà soát lại các điều kiện cho vay, liên quan đến chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, như vậy chính sách của Chính phủ thông qua chương trình này mới phát huy hiệu quả”, bà Hồng Minh nói.
PGS. TS. Nguyễn Thị Mùi phân tích, bên cạnh các chính sách về lãi suất, mới đây, NHNN đã ban hành Thông tư 06/2023 sửa đổi Thông tư 39/2016 về hoạt động cho vay. Thực tế, Thông tư 39 từ năm 2016 trong quá trình triển khai thực hiện đến nay đã có khá nhiều vấn đề cần phải sửa.
Thứ nhất, một số thuật ngữ khi đó quy định là hợp lý nhưng đến nay vẫn chưa rõ ràng, ví dụ cho vay tiêu dùng, cho vay để nâng cao đời sống của người lao động, quy trình rất đơn giản, nhưng khi cho vay nhà ở là vay tiêu dùng, hay cho vay mua đất để làm nhà ở cũng là vay tiêu dùng thì rủi ro cho ngân hàng rất lớn. Trong bối cảnh như vậy sẽ tiềm ẩn nợ xấu nên cần phải quy định chặt chẽ hơn.
Thứ hai, có một số hoạt động mà Thông tư 39 chưa đề cập đến như dùng sổ tiết kiệm bằng ngoại tệ đến vay ngân hàng bằng VND rồi lại đem gửi vào ngân hàng, thì điều đó là sai hoàn toàn bản chất của tiền gửi. Do đó, việc sửa đổi bổ sung Thông tư là cần thiết và từng bước sẽ tạo điều kiện để hoạt động tín dụng rõ ràng hơn, giảm rủi ro không chỉ ở khía cạnh ngân hàng mà cho cả khách hàng trong quá trình thẩm định để cho vay.
Khi tiến hành cho vay, không chỉ Việt Nam mà các nước đều quy định vay thì phải có đảm bảo tiền vay, giúp các tổ chức tín dụng giảm rủi ro. Tiếp đó là giúp cho khách hàng có trách nhiệm, ý thức trong việc trả nợ trên cơ sở đến hạn trả nợ ngân hàng. Đảm bảo tiền vay có hai loại, một là đảm bảo bằng tài sản và hai là đảm bảo không bằng tài sản.
“Một vấn đề tôi muốn nói rõ là không có khoản vay nào không có đảm bảo, chỉ có đảm bảo bằng tài sản hay không bằng tài sản, hay nói cách khác là bằng uy tín, tín chấp. Ở Việt Nam cũng quy định như vậy rất rõ ràng, nhưng từ trước đến nay khi đề cập đến cho vay là thường nói nhiều đến tài sản đảm bảo, bởi vì rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có lịch sử vay và trả nợ chưa tạo được uy tín với ngân hàng, số liệu cũng không rõ ràng khiến các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong kiểm soát dòng tiền.
Còn trong luật trong quy định rất rõ trường hợp nào có thể cho vay tín chấp, một là có uy tín với ngân hàng, hai là lịch sự lịch sử tín dụng vay trả sòng phẳng, ba là khả năng tài chính minh bạch, bốn là quản trị tốt và năm là hiệu quả của dự án phương án kinh doanh. Khi ngân hàng thấy được các số liệu minh bạch, tính toán được dòng tiền thì việc đảm bảo bằng tài sản hay không bằng tài sản không còn ý nghĩa nữa”, vị PGS lý giải.
Về dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay, theo vị chuyên gia còn phụ thuộc vào triển khai chính sách và hiệu quả của các gói giải pháp. Nếu doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn mở rộng sản xuất kinh doanh và cầu của nền kinh tế được cải thiện một cách căn bản, thì tăng trưởng tín dụng sẽ đạt được mục tiêu như NHNN đề ra là khoảng 14-15%.
Có thể bạn quan tâm
Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng
18:00, 10/07/2023
Khơi thông tín dụng bất động sản
03:25, 10/07/2023
Tăng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp: Tăng trưởng GDP 6,5% là khả thi
16:30, 09/07/2023
"Giữ chân" doanh nghiệp - Cần tiếp tục giảm lãi suất và cung cấp tín dụng
12:00, 09/07/2023