Sức ép tỷ giá cuối năm
Tỷ giá cuối năm vẫn chịu nhiều áp lực do sự phân kỳ chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Việt Nam, song mức độ biến động có thể vẫn trong tầm kiểm soát.
>>>Lãi suất hạ, nhưng cẩn trọng áp lực tỷ giá nửa cuối năm
Theo KB Việt Nam, diễn biến trái chiều về mặt chính sách của Fed và NHNN khiến chênh lệch lãi suất USD và VND được nới rộng, khiến nhu cầu mua và nắm giữ USD gia tăng, gây áp lực lên tỷ giá.
Vẫn nhiều áp lực
KB Việt Nam nhận định, diễn biến trái chiều về mặt chính sách của Fed (tiếp tục tăng lãi suất và duy trì nền lãi suất ở mức cao) và NHNN (với 4 lần hạ lãi suất nửa đầu năm và có thể có thêm đợt hạ lãi suất thời gian tới) được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong 6 tháng cuối năm. Diễn biến này khiến chênh lệch lãi suất USD và VND được nới rộng, qua đó khiến nhu cầu mua và nắm giữ USD gia tăng và gây áp lực lên tỷ giá.
Trên thực tế, USD trên thị trường thế giới cũng phục hồi khá mạnh trở lại sau động thái tăng lãi suất ngày 26/7 vừa qua của FED. Hiện chỉ số đồng USD đang xoay quanh mức 102,3 điểm, tăng 2,5% so với cách đây 1 tháng. Sự phục hồi của USD cũng tạo nhiều sức ép đến tỷ giá trong nước. Theo đó, tỷ giá trung tâm đã tăng 100 đồng/USD trong thời gian này và tăng 66 đồng kể từ thời điểm FED tăng lãi suất đến nay. Giá mua bán USD của các nhà băng cũng tăng khoảng 70 - 80 đồng/USD.
Trên thực tế, đồng USD trên thị trường thế giới cũng phục hồi khá mạnh trở lại sau động thái tăng lãi suất ngày 26/7 của Fed. Hiện chỉ số đồng USD đang xoay quanh mức 102,3 điểm, tăng 2,5% so với cách đây 1 tháng. Sự phục hồi của đồng bạc xanh cũng tạo nhiều sức ép đến tỷ giá trong nước. Theo đó tỷ giá trung tâm đã tăng 100 đồng/USD trong thời gian này và tăng 66 đồng kể từ thời điểm Fed tăng lãi suất đến nay. Giá mua bán đồng bạc xanh của các nhà băng cũng tăng khoảng 70 - 80 đồng/USD.
>>>“Bài test” tỷ giá cho những tháng cuối năm 2023
Bên cạnh áp lực từ sự phục hồi của đồng USD, lạm phát cũng là một rủi ro tiềm ẩn đối với tỷ giá. Theo các chuyên gia, cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có hồi kết và vẫn là nguy cơ lớn làm cho giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thị trường thế giới tăng trở lại. Trong nước, việc tăng giá điện và tăng lương cơ bản từ 1/7… cũng sẽ tác động bất lợi đến lạm phát, từ đó tạo thêm sức ép đến tỷ giá.
Các chuyên gia của VNDirect cũng nhận định một số yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá USD/VND trong nửa cuối năm 2023, bao gồm: Lãi suất điều hành của Fed có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 để kìm chế lạm phát, trong khi NHNN định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng; Lạm phát trong nước có thể tăng từ cuối quý 3/2023.
Cân bằng lãi suất- tỷ giá
Tuy nhiên theo các chuyên gia, cũng có nhiều yếu tố hỗ trợ cho tỷ giá cuối năm. Đầu tiên đó là nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế đang rất dồi dào nhờ cán cân thương mại thặng dư lớn (7 tháng xuất siêu tới 15,23 tỷ USD), giải ngân vốn FDI vẫn duy trì được đà tăng (7 tháng ước đạt 11,58 tỷ USD), ngoài ra còn nguồn kiều hồi, thu từ du lịch…
Cũng nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào nên thời gian qua NHNN đã mua vào được một lượng lớn ngoại tệ để bổ sung cho nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia. Đây là nguồn lực quan trọng để NHNN có thể can thiệp ổn định thị trường. Trong khi việc điều hành tỷ giá của NHNN cũng ngày càng nhuần nhuyễn, linh hoạt
Bởi vậy hầu hết các chuyên gia và các định chế tài chính đều cho rằng, tỷ giá năm nay sẽ chỉ biến động nhẹ. Theo TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, VND sẽ chỉ mất giá khoảng 0,5% so với USD trong năm 2023. TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng tin tưởng việc ổn định tỷ giá trong bối cảnh hiện nay không phải là vấn đề đáng lo ngại, bởi trong cả giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã tạo được một nền tảng có nhiều yếu tố thuận lợi để ổn định tỷ giá.
Ngay cả các công ty chứng khoán, dù bày tỏ lo ngại về sức ép đến tỷ giá những tháng cuối năm, cũng chỉ dự báo tỷ giá tăng khoảng 1-2% trong năm nay.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần sử dụng công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần phải cân bằng giữa bài toán lãi suất và tỷ giá. “Việc tiếp tục sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế là điều thực sự cần thiết, nhưng cần được thực hiện trên cơ sở thận trọng cân nhắc tới các chỉ số kinh tế vĩ mô khác, như chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát, tỷ giá hối đoái, hay mức thâm hụt ngân sách”, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm