Tỷ giá bật tăng có đáng lo?
Tỷ giá bất ngờ tăng mạnh trong những ngày vừa qua khiến nhà đầu tư trên thị trường không khỏi lo ngại những tín hiệu khó khăn cho chính sách tiền tệ và ngoại hối những tháng cuối năm.
>>>Sức ép tỷ giá cuối năm
Hai ngày gần nhất, tỷ giá đã có những biến động mạnh.
Ngày 14/8, tỷ giá bán USD của Vietcombank +80 đồng, tương đương +0,33% so với 13/08/2023. Mức độ biến động là +1,1% so với đầu năm (ngang với mức thiết lập cuối tháng 02/2023).
Ngày 15/8, tỷ giá niêm yết của Vietcombank tiếp tục +45 đồng. Như vậy chỉ trong 2 ngày, mức tăng tổng đã tới 125 đồng hay 0,52%.
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 14/8 ở mức 23.848 đồng/USD. Với biên độ +/-5%, tỷ giá sàn và tỷ giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại là 22.655-25.040 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN là 23.400 – 24.990 đồng/USD.
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố hôm nay là 23.881 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN là 23.400 đồng/USD chiều mua và 25.025 đồng/USD chiều bán.
Như vậy, tỷ giá tham khảo chiều bán tại Sở đã vượt mốc quan trọng 25.000 đồng/ USD. Đây là một dấu hiệu cho thấy tác động của xu hướng mạnh lên của chỉ số đồng bạc xanh (USD-Index) và thực tế Việt Nam thuộc các quốc gia hạ lãi suất/lãi suất thấp so với đồng USD đang bắt đầu phản ánh vào thị trường.
Thống kê chung về biến động tỷ giá USD/VND từ đầu tháng 7, ghi nhận mức tăng liên tục và sắp chạm mốc 24.000 đồng/ USD (tính theo tỷ giá trung tâm. Và các NHTM hiện đã giao dịch mua bán USD/VND trong phạm vi 23.400 – 24.900 đồng.
Trên thị trường thế giới, chỉ số đồng USD (DXY) cũng đã tăng mạnh đạt 103.17 so với mức đáy từ giữa tháng 7 là 99.7.
>>>“Bài test” tỷ giá cho những tháng cuối năm 2023
>>> VinFast niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ: Mở đường cho những khát vọng
Biến động này với tốc độ tăng của tỷ giá, theo nhóm FIDT Research nhận định, sẽ dẫn đến sự thận trọng của nhà đầu tư trên thị trường tài chính Việt Nam khi có thể tác động đến hành vi của khối ngoại và chính sách giảm lãi suất tiếp tục của Ngân hàng Nhà nước.
Còn theo MSVN, tâm lý chung trên thị trường ít còn lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất làm hạn chế khả năng giám giá của đồng USD kể cả khi Fed đưa tín hiệu rõ ràng hơn về việc giảm lãi suất. Đồng thời, giá hàng hoá trên thế giới dường như đã chạm đáy, qua đó gây áp lực ngắn hạn lên tỷ giá chung của khu vực Châu Á.
MSVN lý giải một vài lí do chính khiến cho tỷ giá USDVND tăng trong thời gian trở lại đây, bao gồm: 1) Nhu cầu xuất nhập khẩu bắt đầu cải thiện; 2) Chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ; 3) Nhu cầu cho đồng USD của một số doanh nghiệp FDI.
Tuy nhiên, theo quan điểm của MSVN, tỷ giá USD/VND hiện vẫn đang lành mạnh và trong tầm kiểm soát của Chính phủ.
Với mục tiêu giảm 1-2% mỗi năm và tỷ giá USD/VND đã đứng yên gần 7 tháng, việc tỷ giá USD/VND mới chỉ tăng trở lại trong thời gian gần đây chưa gây ra nhiều áp lực đối với việc kiểm soát tỷ giá.
Cả cán cân thương mại và cán cân tài khoản vãng lãi hiện tại của Việt Nam vẫn đang duy trì mức thặng dư, do vậy mà Chính phủ vẫn hoàn toàn có khả năng kiểm soát tỷ giá trong mục tiêu", các chuyên gia của Công ty Chứng khoán này nhận định.
Có thể bạn quan tâm
TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: "Tin mừng" cho tỷ giá
12:00, 22/07/2023
Dự báo tỷ giá sẽ tăng không quá 2,5% đến cuối năm
04:53, 17/07/2023
“Bài test” tỷ giá cho những tháng cuối năm 2023
03:40, 12/07/2023
Áp lực tỷ giá từ Nhân dân tệ
16:00, 11/07/2023