Hạ lãi vay: Ngân hàng cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp
Trong bối cảnh khó khăn, hệ thống ngân hàng nên chia sẻ với doanh nghiệp cùng vượt qua. Chúng ta phải nuôi dưỡng, làm cho thị trường tốt lên thì tương lai của chính ngành ngân hàng mới tốt lên.
>>Còn dư địa giảm lãi suất cho vay từ 1,5-2% một năm
Trong những tháng vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành. Đây là một trong những quyết định “đi sớm” của NHNN so với tình hình chung trên thế giới, khi nhiều quốc gia còn đang trong giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ.
Về câu chuyện hạ lãi suất trên thị trường, trước hết, chúng ta phải xem xét lại giá vốn của các ngân hàng thương mại. Trong đó, lãi suất huy động có tác động đến giá vốn của ngân hàng mà giai đoạn nửa năm vừa qua đã ghi nhận giảm (trung bình khoảng gần 1%). Tiếp đó là chi phí hoạt động, lãi suất biên và một khoản mà chúng ta ít thấy đó là chi phí rủi ro. Chi phí rủi ro này phụ thuộc vào hai yếu tố chính, gồm bối cảnh phức tạp của môi trường kinh doanh và đặc điểm ngành nghề, đặc điểm của từng doanh nghiệp hoạt động.
Chính vì vậy, lãi suất huy động giảm thì bắt buộc lãi suất cho vay phải giảm là đúng, nhưng chúng ta cần phải hiểu rõ hơn về cấu phần hình thành giá vốn của các ngân hàng.
Trong hai năm vừa qua, tình hình phức tạp cộng thêm hoạt động của các doanh nghiệp khó khăn, những chi phí rủi ro tại các ngân hàng bị đẩy lên cao, khiến họ phải tính toán để bù đắp cho các rủi ro trong hiện tại và tương lai, nên nền lãi suất cho vay chưa thể hạ thấp. Đặc biệt, lãi suất cho vay không phải chỉ tính theo lãi suất huy động ở thời điểm hiện tại, mà còn cân đối với lãi suất huy động trong suốt một giai đoạn.
Bên cạnh đó, các chỉ số về kinh tế vĩ mô đều cho thấy tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay không được như kế hoạch, tăng trưởng trong quý 1, quý 2 vừa qua thấp hơn dự báo. Điều đó đã phản ánh khu vực doanh nghiệp nói riêng và hoạt động của nền kinh tế nói chung có những khó khăn nhất định. Do vậy, lịch sử đi vay, dòng tiền của doanh nghiệp sẽ không đẹp, khiến các ngân hàng e ngại trong việc cho các doanh nghiệp không có điều kiện thuận lợi vay vốn.
Có thể thấy, hệ thống ngân hàng của Việt Nam, đặc biệt các ngân hàng thương mại hoạt động theo nguyên tắc tối thượng đầu tiên là an toàn. Trước các giao dịch rủi ro, nếu phía ngân hàng không có quyết định mang tính chất chia sẻ với cộng đồng, thì rất khó để thực hiện việc cho vay.
>>Thận trọng điều hành chính sách tăng - giảm lãi suất
Ngân hàng Nhà nước rất hiểu điều này và đã có động thái quyết liệt khi ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN, cho phép khách hàng vay tiền từ ngân hàng này để trả nợ cho những khoản vay của ngân hàng khác, tạo nên một mũi tên có nhiều đích.
Thứ nhất, doanh nghiệp sẽ tìm đến ngân hàng nào cho vay với lãi suất thấp và khi vay được thì họ trả nợ lại cho ngân hàng vay trước đó. Như vậy, các ngân hàng trước đó cũng có dòng tiền vào, thu được vốn và lãi vay giúp dòng tiền thông suốt.
Thứ hai, trong điều kiện lãi suất thị trường đang đi xuống, những ngân hàng nào sắp xếp được chi phí hợp lý cho các khoản vay của mình để tìm được tiếng nói chung với doanh nghiệp, thì doanh nghiệp sẽ tìm tới càng nhiều và tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong thị trường ngân hàng. Đây là một điều rất tốt, định hướng chúng ta phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường.
Thứ ba, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc đánh giá hoạt động của doanh nghiệp mà vẫn tuân theo nguyên tắc cũ thì các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn. Cho nên, việc đánh giá uy tín của doanh nghiệp nên theo một quá trình xuyên suốt.
Ví dụ, trong suốt nhiều năm doanh nghiệp làm ăn tốt, hiệu quả kinh doanh cao, nhưng trải qua 2 năm dịch Covid-19, đến xung đột vũ trang ở Đông Âu dẫn tới thị trường toàn thế giới suy yếu. Vậy chúng ta nên có cách nhìn nhận theo một quá trình rộng hơn, để hiểu đúng bản chất doanh nghiệp và những khó khăn do điều kiện bên ngoài tác động, khi đó vấn đề xem xét cho vay sẽ chính xác và thông thoáng hơn.
Mặt khác, tôi nghĩ rằng may mắn của chúng ta là có NHNN có những chính sách chỉ đạo kịp thời, cung cấp nguồn vốn với chi phí hợp lý - là một cấu phần quan trọng để cho các doanh nghiệp vay, từ đó tạo ra sự cạnh tranh trong thị trường tài chính nói riêng và trong nền kinh tế nói chung. Khi nền kinh tế có được dòng vốn như vậy, tự nhiên nó sẽ điều tiết lại chi phí; lãi suất cho vay trên thị trường giảm xuống một cách đúng quy luật và nhanh hơn.
Trong khó khăn, doanh nghiệp, tổ chức nào nắm những nguồn lực khan hiếm thì doanh nghiệp đó có ưu thế. Trong giai đoạn cuối năm 2022 trở về trước, thị trường của chúng ta khan hiếm vốn, mà các ngân hàng lại chủ động và có được nguồn vốn nên kết quả kinh doanh của khu vực này tương đối tốt.
Thực tế, phần trăm lợi nhuận trên doanh thu của ngân hàng không quá lớn, nhưng quy mô hoạt động qua các năm đều tăng rất mạnh. Ngoài ra, các ngân hàng đang tập trung phát triển doanh thu từ các dịch vụ phi tín dụng, chính vì vậy chi phí hoạt động của ngân hàng không đè nặng lên các hoạt động tín dụng nữa.
Đặc biệt như tôi đã nói, chúng ta có NHNN mạnh và hệ thống kinh doanh trong lĩnh vực tài chính khá an toàn, nên hệ thống ngân hàng cần phải biết chia sẻ với thị trường vượt qua khó khăn. Chúng ta phải nuôi dưỡng, làm cho thị trường tốt lên thì tương lai của chính ngành ngân hàng cũng sẽ tốt hơn.
Có thể bạn quan tâm
Thận trọng điều hành chính sách tăng - giảm lãi suất
05:30, 12/08/2023
Kỳ vọng NHNN thận trọng hơn trong đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo
11:30, 31/07/2023
Giảm lãi suất cơ sở
14:23, 18/07/2023
Còn dư địa giảm lãi suất cho vay từ 1,5-2% một năm
05:30, 18/07/2023
Thủ tướng yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay
14:46, 15/07/2023
"Giữ chân" doanh nghiệp - Cần tiếp tục giảm lãi suất và cung cấp tín dụng
12:00, 09/07/2023