Tỷ giá cuối năm 2023 sẽ ra sao?
Từ nay đến cuối năm 2023, tỷ giá VND/USD dự kiến tiếp tục mất giá thêm với xác suất mất giá lớn hơn 3% là có nhưng tương đối thấp. Đây là điều mà các nhà đầu tư trên TTCK phải theo dõi chặt chẽ.
>>Fed và áp lực tỷ giá với Việt Nam
Tỷ giá tăng nhẹ
Tỷ giá có vai trò đặc biệt quan trọng với thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK), bởi vì tỷ giá là một trong ba yếu tố vĩ mô cơ bản tác động mạnh nhất đến thị trường cùng tăng trưởng GDP và lãi suất - lạm phát.
Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có độ mở nền kinh tế cao, với xuất nhập khẩu chiếm gần 200%GDP. So với Mỹ, tổng xuất nhập khẩu của nước này chỉ hơn 10%GDP và Trung Quốc cũng tương tự khoảng hơn 20%GDP vì họ tập trung vào tiêu dùng nội địa. Các nền kinh tế có độ mở không quá lớn thì tác động từ các vấn đề tỷ giá không quá nhiều.
Tiếp đó, FDI và PFI (đầu tư gián tiếp) là những nguồn lực vô cùng quan trọng với kinh tế Việt Nam. Đơn cử như tập đoàn Samsung đã giúp tỉnh Bắc Ninh - từ một tỉnh thuần nông vươn lên Top đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người cao. Hay tỉnh Vĩnh Phúc nhờ có các công ty như Honda, Toyota và nhiều công ty FDI khác giúp bộ mặt của địa phương này thay đổi...
Tỷ giá cũng tác động rất mạnh đến nợ công và các khoản vay nợ nước ngoài. Hiện nợ công trên GDP của Việt Nam tính đến năm 2022 khoảng 35% (140 tỷ USD) trong đó có nợ nước ngoài một phần. Nếu tỷ giá tăng mạnh thì gánh nợ cũng tăng theo.
Có ý kiến cho rằng, tỷ giá tăng mạnh có lợi cho xuất khẩu và Việt Nam có thể phá giá tiền tệ thêm nữa; nhưng thực tế đó chỉ là lợi ích ngắn hạn, về lâu dài tỷ giá càng mất thì rủi ro lớn là nguồn vốn ngoại sẽ rút mạnh khỏi Việt Nam.
Chúng ta đã có một bài học lớn về tỷ giá trong giai đoạn năm 2008-2011. Khi đó, chỉ xấp xỉ 3 năm nhưng tỷ giá VND/USD mất giá hơn 31%, từ 16.000 VND/USD tăng lên 21.000 VND/USD. Chính vì việc chúng ta bị rút nguồn lực từ nhà đầu tư nước ngoài lớn đã làm cho kinh tế Việt Nam vô cùng yếu từ năm 2011 đến 2014 và năm 2016 mới hồi phục trở lại. Do đó, việc điều hành tỷ giá của NHNN những năm gần đây rất thận trọng.
Nhìn sang các quốc gia khác về mức độ mất giá đồng tiền trong những năm gần đây sẽ thấy, dẫn đầu là đồng Yên Nhật giảm giá 34-35% chỉ trong 2 năm từ 2021 đến nay. Tiếp đó là đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, cũng mất giá 14% trong khi trước đó đồng tiền này đã tăng giá nhờ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát tốt, cho thấy mức độ mất giá khá nặng. Hay đồng Rupi của Ấn Độ đâu đó mất giá khoảng 12% trong năm nay và đồng Kwon Hàn Quốc đã mất giá khoảng 10-15% trong hai năm qua...
Riêng VND những năm gần đây chỉ mất giá khoảng 3-4%, cho thấy Việt Nam đã kiểm soát tỷ giá rất tốt. Cụ thể, tính từ tháng 8/2022 đến tháng 8/2023 tỷ giá mất 2,5% từ mức 23.400 VND/USD lên 24.000 VND/USD; còn tính từ đầu năm 2023 VND chỉ mất giá khoảng 1,6%. Như vậy, từ đầu năm đến nay chúng ta có mất tỷ giá khá thấp so với quốc tế, dù đây chưa phải mức mất kiểm soát, nhưng xu hướng mất giá vẫn đang tiếp diễn.
>>Thận trọng với tỷ giá và biến số lãi suất của Trung Quốc
Theo dõi các biến số
Các yếu tố tác động rất nhiều đến tỷ giá gồm: Thứ nhất, là lãi suất. Đồng USD cũng như một loại hàng hóa. Hàng hóa nào sinh lời cao sẽ được rút tiền nhiều để mua vào và ngược lại.
Tuy nhiên hiện nay có một nghịch lý lãi suất đang diễn ra ở Mỹ và Việt Nam, đó là lạm phát ở Việt Nam thấp hơn ở Mỹ nhưng lãi suất ngân hàng cho vay ra cao hơn (lãi suất tại Mỹ đang là 4-5% và cho vay ra khoảng 7-8%, còn tại Việt Nam lãi suất đầu vào từ 5,5-7% nhưng lãi suất cho vay ra vẫn trên 10%).
Thêm vào đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đang là 4,25% trong khi của Việt Nam là 2,65%. Chính điều này đã khiến nhiều người đặt câu hỏi phải chăng Việt Nam rủi ro hơn Mỹ? Đó cũng là vấn đề khiến nhiều nhà đầu tư sẽ rút USD ra khỏi Việt Nam và tác động mạnh mẽ đến tỷ giá.
Thứ hai, cũng là yếu tố gốc đó là dự trữ ngoại hối. Nếu dự trữ ngoại hối thoải mái thì tỷ giá sẽ ổn định. Tuy nhiên dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện chỉ khoảng 85 - 88 tỷ USD tương đương 3,3 - 3,5 tháng nhập khẩu, khiến việc bảo vệ tỷ giá sẽ không chắc chắn.
Thứ ba, liên quan đến FDI, nếu FDI đầu tư vào Việt Nam nhiều thì chúng ta sẽ có nhiều USD và là một nguồn ngoại tệ rất quan trọng. Điểm tích cực là tính đến ngày 20/8/2023, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022, Như vậy so với 16,24 tỷ USD thu hút được trong 7 tháng, số vốn FDI mà các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tháng 8/2023 là 1,91 tỷ USD.
Thứ tư, về cán cân thương mại, xuất - nhập khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu đạt 194,73 tỷ USD giảm 10,6%, còn nhập khẩu là 179,5 tỷ USD giảm 17,1%, cho thấy Việt Nam vẫn xuất siêu trong 7 tháng đầu năm là 15,23 tỷ USD. Điều này cũng làm giảm áp lực mất tỷ giá trong thời gian vừa qua nhờ nguồn cung USD dồi dào hơn.
Thứ năm, có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến tỷ giá như vay nợ nước ngoài, kiều hối, khách quốc tế đến Việt Nam, lợi nhuận các công ty đầu tư nước ngoài chuyển vềm đi du lịch, chữa bệnh nước ngoài, du học nước ngoài, đầu tư ra nước ngoài, hay lợi nhuận cổ tức chuyển ra nước ngoài...
Đánh giá về tỷ giá cuối năm 2023, chúng tôi cho rằng áp lực mất giá vẫn còn lớn khi lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam thấp hơn 1,6% so với Mỹ, do đó động thái rút dòng một phần vốn ở Việt Nam vẫn xuất hiện.
Tỷ giá VND dự kiến tiếp tục mất giá thêm và xác suất mất giá lớn hơn 3% là có nhưng tương đối thấp, bởi vì các nguồn vào của Việt Nam đang khá tốt như đã nêu gồm xuất khẩu ròng, FDI mạnh, hay kiều hối ổn định.
Nhà đầu tư cần theo sát để có thể đánh giá phù hợp yếu tố tỷ giá với thị trường chứng khoán, từ đó có chiến lược đầu tư phù hợp. Nếu tỷ giá mất quá 3%, thì rủi ro sẽ tương đối và nhà đầu tư phải quan sát hành động của NHNN.
Vừa qua có thông tin NHNN dự kiến sẽ giảm lãi suất điều hành thêm một lần nữa, nhưng sau đó vẫn chưa giảm. Một trong những nguyên nhân là tỷ giá đang bị đe dọa, nếu giảm thêm lãi suất sẽ tác động làm lợi suất trái phiếu Chính phủ thấp hơn và tỷ giá càng thêm trầm trọng.
Vì vậy, chúng ta không nên kỳ vọng một đợt giảm lãi suất điều hành nữa của NHNN và thực tế lãi suất huy động và cho vay ra của các ngân hàng đã giảm khá mạnh. Vấn đề đặt ra là nó không đồng đều với tất cả các khách hàng, vì phía ngân hàng luôn có chiến lược cho vay với từng khách hàng của họ để đảm bảo tránh rủi ro nợ xấu trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
Fed và áp lực tỷ giá với Việt Nam
04:52, 23/08/2023
Thận trọng với tỷ giá và biến số lãi suất của Trung Quốc
05:30, 19/08/2023
Tỷ giá bật tăng có đáng lo?
00:29, 16/08/2023
Sức ép tỷ giá cuối năm
04:13, 13/08/2023