Các giải pháp để tổ chức tín dụng thực thi nhiệm vụ chính sách, ngoại hối
Các TCTD cần đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ thực thi chính sách tiền tệ, ngoại hối của NHTW, bởi nhiệm vụ này có vai trò lớn đối với sự ổn định của thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ.
>>>Lãi suất hạ, nhưng cẩn trọng áp lực tỷ giá nửa cuối năm
Dịch vụ ngoại hối là dịch vụ quan trọng và khác biệt so với các dịch vụ ngân hàng khác (thanh toán, tín dụng, huy động vốn….), không phải đơn thuần là để cung cấp và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, để kinh doanh và thu phí dịch vụ mà còn là nhiệm vụ và trách nhiệm thực thi chính sách tiền tệ và ổn định thị trường ngoại hối.
Liên quan đến hoạt động ngoại hối, hiện nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đang thực hiện cung ứng dịch vụ thanh toán, chuyển tiền phục vụ cho các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn của doanh nghiệp, người dân, nhà đầu tư; chi trả kiều hối, thu đổi ngoại tệ và các dịch vụ khác có liên quan hoạt động ngoại hối theo quy định.
Ở góc độ nghiệp vụ, các hoạt động này cũng như tất cả các hoạt động dịch vụ khác của TCTD đều hướng tới phục vụ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp và thu phí dịch vụ, với yêu cầu đúng quy định của NHTW.
Tuy nhiên, tất cả các dịch vụ ngoại hối, đều liên quan đến ngoại tệ, vì vậy ngoài việc thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ, các TCTD cần đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ thực thi chính sách tiền tệ, ngoại hối của NHTW, bởi nhiệm vụ này có vai trò lớn đối với sự ổn định của thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ.
Do vậy, đòi hỏi các TCTD phải tuân thủ nghiêm và thực hiện có trách nhiệm các cơ chế chính sách về ngoại hối, về lãi suất... Nhận thức như vậy để mỗi TCTD, mỗi cán bộ ngân hàng thực hiện nghiệp vụ ngoại hối luôn có ý thức trách nhiệm trong thực hiện và cung cấp dịch vụ cho khách hàng, vừa đảm bảo cung cấp dịch vụ ngoại hối thuận lợi, vừa đảm bảo an toàn và hiệu quả và quan trọng hơn đó là góp phần ổn định thị trường ngoại hối và thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ.
>>>NHNN: "Chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó, nhiều chiều như vậy"
Để thực hiện tốt điều này, các TCTD cần đặc biệt quan tâm thực hiện những giải pháp sau:
Thứ nhất, thực hiện đúng, đầy đủ và chấp hành nghiêm các quy định về quản lý ngoại hối, quy định về cung ứng dịch vụ tài khoản trong các hoạt động giao dịch vốn, giao dịch vãng lai. Làm tốt việc này, không chỉ đáp ứng nhu cầu ngoại hối, nhu cầu thanh toán chuyển tiền cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, đảm bảo nguyên tắc minh bạch dòng tiền, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế, mà còn nâng cao hiệu quả quản lý ngoại hối, hạn chế rủi ro và làm tốt công tác phòng chống rửa tiền cũng như góp phần bảo đảm an ninh tiền tệ quốc gia.
Thứ hai, thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ và xây dựng quy chế nội bộ, quy trình giao dịch ngoại hối theo quy định. Trong đó, đảm bảo nguyên tắc đúng quy định về quản lý ngoại hối, về hoạt động ngoại hối của NHTW và phù hợp quy định pháp luật có liên quan. Đồng thời, đảm bảo nguyên tắc công khai minh bạch, kiểm tra, kiểm soát tốt. Thực hiện tốt công tác này không chỉ đảm bảo cho các TCTD thực hiện tốt hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối, thúc đẩy hoạt động sản xuất xuất nhập khẩu, thương mại, du lịch, dịch vụ và đầu tư phát triển mà còn bảo đảm an toàn và hiệu quả cho chính TCTD.
Thứ ba, làm tốt công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ. Đây là hoạt động phải được thực hiện thường xuyên, nhất là đối với nghiệp vụ ngoại hối cần cán bộ năng lực, trách nhiệm, tinh thông nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp. Công tác đào tạo có ý nghĩa quan trọng không chỉ góp phần giúp cho các TCTD thực hiện tốt về mặt nghiệp vụ mà còn là một trong giải pháp hữu hiệu về bảo đảm an toàn và hiệu quả hoạt động, là giải pháp trực tiếp và hiệu quả, hạn chế rủi ro phát sinh và sai phạm trong lĩnh vực này. Thống kê cho thấy phần lớn những sai phạm và xử phạt hành chính trong hoạt động này của TCTD chủ yếu do yếu tố con người (cán bộ không nắm vững nghiệp vụ, quy định, làm sai quy trình…).
Đồng thời, làm tốt công tác thông tin, truyền thông, tư vấn cho khách hàng và doanh nghiệp. Thực tế doanh nghiệp, người dân nắm rõ thông tin về dịch vụ, các quy định ngoại hối sẽ không chỉ giúp thuận lợi trong giao dịch và sử dụng dịch vụ mà còn hạn chế rất nhiều sai phạm trong sử dụng vốn, sử dụng ngoại tệ cũng như những quy định về thủ tục, hồ sơ và thời hạn thực hiện.
Dịch vụ ngoại hối là dịch vụ quan trọng và khác biệt so với các dịch vụ ngân hàng khác (thanh toán, tín dụng, huy động vốn….), như phân tích ở phần trên, không phải chỉ là phát triển dịch vụ để cung cấp và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, để kinh doanh và thu phí dịch vụ mà còn là nhiệm vụ và trách nhiệm thực thi chính sách tiền tệ và ổn định thị trường ngoại hối. Vì vậy các TCTD cần quán triệt tinh thần này, thực hiện tốt các giải pháp trên, để mang lại hiệu quả toàn diện trên nhiều phương diện từ phát triển đa dạng, phong phú dịch vụ ngân hàng; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đối ngoại; nâng cao hiệu quả quản lý ngoại hối và ổn định thị trường ngoại hối, những yếu tố quan trọng và luôn cần thiết trong quá trình phát triển kinh tế xã hội đất nước nhất là trong điều kiện hội nhập sâu và rộng như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm