Kéo dài nghịch lý lãi suất
Dù lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã giảm, nhưng nhiều doanh nghiệp, người dân vẫn sợ lãi vay cao.
>>>Lãi suất khó đảo chiều tăng trong năm nay
Sau 4 lần hạ lãi suất điều hành và các chỉ đạo liên tục về giảm lãi vay, định hướng đưa tín dụng ra nền kinh tế bằng mọi giá của cơ quan quản lý đã rất rõ ràng.
Định hướng đẩy vốn bằng mọi giá
Theo đó, các ngân hàng đã liên tục có các đợt hạ lãi suất. Đợt gần nhất ngay tuần cuối tháng 8 có 22 tổ chức tham gia, đưa lãi suất về mức thấp sâu hơn so với trước đại dịch.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, các chính sách và nỗ lực các bên đã tác động chung đến lãi suất thị trường theo xu hướng giảm để hỗ trợ cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh - Viện CIEM, hiện doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều rào cản, khó khăn, đặc biệt là khó khăn về tài chính. Cụ thể là thiếu vốn và gánh nặng chi phí (cả chi phí sản xuất, kinh doanh và chi phí tuân thủ quy định pháp luật) cản trở khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số gói hỗ trợ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế chưa hiệu quả, đơn cử như gói hỗ trợ lãi suất 2%.
>>>Toàn cảnh kinh tế tháng 8 và khả năng giữ nguyên lãi suất điều hành của NHNN
Giá vốn sẽ rẻ hơn?
Bà Lý Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm (FFA), cho biết doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất vay trung và dài hạn sẽ được áp dụng ở mức 8%/năm. Tuy nhiên, ghi nhận chung là hiện mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 5,0-8,0%/năm đối với ngắn hạn; 9 -11%/năm đối với trung và dài hạn.
Một thực tế khác cho thấy các phản ánh của nhiều doanh nghiệp, người dân, đặc biệt khu vực vay tiêu dùng bất động sản, là lãi suất vay trung và dài hạn (danh nghĩa) đang ở mức từ 14-16%/năm, hoàn toàn có cơ sở. Bởi lãi suất cho vay xác định sau kỳ điều chỉnh, là lãi suất cơ sở, cộng biên độ thả nổi.
Lãi suất cơ sở ở ngân hàng hiện vẫn đang ở mức cao bình quân từ trên 8%/năm, cộng biên độ thả nổi có thể từ 0,5%-6% tùy theo NHTM. Ghi nhận lãi suất cơ sở ở một số ngân hàng cho thấy: Techcombank (8,20%); Sacombank (ngắn hạn 6,3%; 10-12 tháng và trung, dài hạn: 10,00%); Vietcombank (6,3%); VietinBank (6,3%); TPBank (9,4%); ACB (9,00%); OCB (>9%)... Nói cách khác, việc hạ lãi suất đầu vào, giúp các NH hạ lãi suất tham chiếu khi huy động nhằm giảm giá vốn, thực hạ lãi suất cơ sở xác định lãi các kỳ vay theo tháng, quý, năm… lại chưa đạt mức giảm tương ứng.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Fiin Group, chia sẻ dữ liệu Fiin Ratings ghi nhận mặt bằng lãi suất cho vay bình quân hiện từ mức 9 - 9,5%/năm. Các ngân hàng nên giảm thêm 2-2,5% từ mức đó. Chỉ lúc đó, doanh nghiệp mới có điều kiện tạo giá trị hay lợi nhuận cho cổ đông. Để lãi suất vay thực sự rẻ, cần được các nhà băng xác định thấp ngay từ lãi suất cơ sở.
Có thể bạn quan tâm