Fed giữ lãi suất cao, chính sách tiền tệ của Việt Nam ra sao?

DIỄM NGỌC 23/09/2023 05:26

Theo CEO AFA Capital, trọng tâm của Fed là chống lạm phát còn với Việt Nam là cần tăng trưởng GDP. Nếu chúng ta vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu này thì chính sách tiền tệ vẫn phải giữ nguyên.

>>Fed giữ nguyên lãi suất lần thứ 2 trong năm, nhưng sẵn sàng cho đợt tăng cuối 2023

Theo một số chuyên gia phân tích, gần đây các quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ ít ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam và chúng ta cần nhìn vào thực tại của nền kinh tế trong nước nhiều hơn. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta không cần quan tâm đến Fed nữa.

Với một thời kỳ mà cơ quan điều hành phải chọn một mục tiêu chiến lược để kiểm soát thì họ sẽ phải kiên định với mục tiêu đó

Với một thời kỳ mà cơ quan điều hành phải chọn một mục tiêu chiến lược để kiểm soát thì họ sẽ phải kiên định với mục tiêu đó

Kết quả sau cuộc họp ngày 20-21/9 vừa qua, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất. Ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed cũng thừa nhận, các động thái thắt chặt tiền tệ của Fed dường như đang đi đúng hướng trong cuộc chiến chống lạm phát.

"Chúng tôi đã tăng lãi suất điều hành tổng cộng 5,5 điểm phần trăm, với mục tiêu tạo ra áp lực hạ nhiệt cho các hoạt động kinh tế, tuyển dụng để kiềm chế lạm phát. Ngoài ra, nền kinh tế cũng gặp phải một số thách thức từ điều kiện tín dụng thắt chặt với các gia đình và doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, Ủy ban quyết định giữ nguyên mặt bằng lãi suất điều hành và tiếp tục quá trình thu hẹp bảng cân đối tài sản”, ông cho biết.

Dự báo về thị trường trong thời gian tới, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital bình luận, các thành viên của Fed khi tham dự cuộc họp Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sẽ nhìn vào nền kinh tế Mỹ và đưa ra nhận định. Mỗi nhận định của họ vào lãi suất sẽ chấm vào một điểm.

Cách chấm điểm của FOMC đó là biểu đồ ghi lại dự đoán của từng quan chức Fed đối với lãi suất ngắn hạn chủ chốt của ngân hàng trung ương. Các dấu chấm phản ánh những gì mà mỗi thành viên của Fed cho rằng sẽ là trung điểm thích hợp của lãi suất cho vay vào cuối mỗi năm dương lịch trong 3 năm tới. Nếu nền kinh tế phát triển như họ mong đợi, các quan chức cũng cung cấp một dấu chấm cho dài hạn đại diện cho cái gọi là lãi suất trung lập, hoặc điểm mà lãi suất không kích thích, hoặc không hạn chế tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù ngay sau sự kiện của Fed công bố kết quả, giá dầu lập tức giảm nhưng đó chỉ là ngắn hạn trong 1-2 phiên nên Fed vẫn đặt vấn đề khi kinh tế còn khỏe, giá cả còn tăng thì mục tiêu kiềm chế lạm phát vẫn còn và Fed tiếp tục chính sách thắt chặt.

Thực tế, khi nền kinh tế mạnh mà mục tiêu của ngân hàng trung ương là kiềm chế lạm phát, thì các chỉ số tăng trưởng kinh tế tốt hơn so với kỳ vọng sẽ là sức ép lớn cho lạm phát.

“Đó là về mặt lý thuyết, nhìn lại thời điểm tháng 10/2022 của chính Việt Nam, số liệu kinh tế vĩ mô GDP quý 3/2022 của chúng ta tăng trưởng 8% và lạm phát cũng tăng trưởng rất cao; ngay lập tức Ngân hàng Nhà nước đã có hai lần liên tiếp nâng lãi suất điều hành vào tháng 10-11 để kiểm soát lạm phát.

Theo quan điểm của chúng tôi, với một thời kỳ mà cơ quan điều hành phải chọn một mục tiêu chiến lược để kiểm soát thì họ sẽ phải kiên định với mục tiêu đó. Hiện tại ở nền kinh tế Mỹ, chúng ta đều nhìn thấy Fed đang tập trung vào kiểm soát lạm phát trong bối cảnh lạm phát này đến từ phía bên ngoài, cụ thể là giá nguyên liệu đầu vào tăng cao”, ông Tuấn phân tích.

>>Bỏ qua tác động từ Fed, giữ vững nền lãi suất thấp hỗ trợ GDP

Bình luận thêm xoay quanh vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phan Lê Thành Long cho biết, thị trường đang tin rằng đến khoảng giữa năm 2024 Fed mới bắt đầu giảm lãi suất, trong khi chỉ cách đây 3 tháng họ vẫn tin chỉ đến tháng 3/2024, có thể Fed sẽ hạ lãi suất. Như vậy, chu kỳ hạ lãi suất sẽ kéo dài hơn và có thể khởi đầu từ tháng 6 năm sau.

Khi lãi suất vẫn tiếp tục ở mức cao, đặc biệt sau khi Fed công bố thông tin, thị trường cổ phiếu ở tất cả các sàn giao dịch lớn đều có dấu hiệu giảm điểm, trong đó chỉ số Down Jones giảm mạnh vào đầu phiên và cuối phiên đã giảm nhẹ hơn. Đây cũng là một dấu hiệu tích cực cho thấy, những thông tin về Fed qua đi thì thị trường lại có những thông tin tích cực hơn để đón nhận.

Vừa qua, báo cáo của S&P Global với chủ đề triển vọng về lạm phát đã nhấn mạnh rằng lạm phát sẽ không ngay lập tức có thể giảm, nhưng CPI toàn cầu được dự báo sẽ giảm. Tuy nhiên, có một nhân tố mới của Châu Á - Thái Bình Dương trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc và cả Việt Nam đang trong chu kỳ nới lỏng, nên lạm phát của châu Á sẽ tăng nhẹ theo xu hướng nới lỏng. Về tăng trưởng GDP thực năm 2023-2024 thì khu vực tệ nhất vẫn là châu Âu và sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Vị CEO AFA Capital nhấn mạnh: “Riêng với Việt Nam, chúng tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của OECD rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 chỉ đạt 4,9% và năm 2024 là khoảng 5,9%. Còn theo công bố của Ngân hàng Thế giới từ tháng 8/2023, tăng trưởng GDP năm nay là 4,7%, năm 2024 là 5,5% và năm 2025 là 6%.

Bởi vì trọng tâm của Fed là cuộc chiến chống lạm phát thì đối với Việt Nam, Trung Quốc hay Nhật Bản, chúng ta cần có các chính sách để tăng trưởng GDP. Nếu chúng ta vẫn chưa hoàn thành được những mục tiêu này thì chính sách tiền tệ vẫn phải giữ nguyên.

Nhìn vào ứng xử và quan điểm của các thành viên tại các ngân hàng trung ương sẽ cho chúng ta nhận định về tương lai các con số như lãi suất, lạm phát và tăng trưởng GDP, từ đó có thể đưa ra những quyết định đầu tư cho riêng mình”, ông Nguyễn Minh Tuấn nói.

Có thể bạn quan tâm

  • "Điểm rơi" chính sách tiền tệ đã xuất hiện

    11:30, 15/09/2023

  • Chờ chính sách tiền tệ linh hoạt nửa cuối năm 2023

    16:00, 04/08/2023

  • Áp lực chính sách tiền tệ và bài học cho Việt Nam

    11:25, 30/07/2023

  • Việt Nam học kinh nghiệm gì từ điều hành chính sách tiền tệ của các nước?

    03:20, 22/07/2023

DIỄM NGỌC