Giải bài toán ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn
Mặc dù mức lãi suất cho vay trên thị trường hiện nay đã tương đối hợp lý, nhưng làm sao phải tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng thừa - thiếu cung cầu tín dụng.
>>Động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng 3 tháng cuối năm
Khá lâu rồi Việt Nam mới xuất hiện tình trạng “ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn”. Trong khi năm 2022, rất nhiều bên có liên quan phải tập trung vào việc hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng, thì năm 2023 và đến thời điểm hiện nay, tín dụng mới tăng chưa tới 6%, nghĩa là chưa được một nửa mục tiêu đặt ra cho cả năm là 14-15% về tổng tín dụng.
Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phải phát hành tín phiếu lên tới quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng để hút bớt tiền về, nhưng các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) lại luôn khát vốn.
Hai vấn đề cơ bản cần lưu ý là từ trước đến nay, các DNNVV ít có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng; còn các doanh nghiệp lớn thì phải đối mặt với khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Sau đó, việc quay vòng vốn bị chậm lại, tạo ra hiện tượng vừa thừa vừa thiếu giữa cung và cầu tín dụng.
Thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, nhưng có một số nguyên nhân chủ yếu và cơ bản vẫn là: Thứ nhất về lãi suất, vào tháng 9-10/2022, Việt Nam có hai lần tăng lãi suất điều hành, mỗi lần tăng 1% khiến lãi suất cho vay bị đẩy lên mức cao từ 10-12%/năm, thậm chí có một số hợp đồng tín dụng lên trên mức 12%/năm.
Thứ hai, đến từ vấn đề tiêu thụ. Đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 liên tiếp tăng trưởng âm, thậm chí âm trên 10%, trong khi xuất khẩu chiếm tới gần 100% GDP. Điều này tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp xuất khẩu và gián tiếp tới các doanh nghiệp liên quan, thông qua đó tác động tới nền kinh tế.
Thứ ba, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì họ thiếu các điều kiện để tiếp cận nguồn vốn, cho dù họ có thể chấp nhận mức lãi suất tương đối cao. Ví dụ, liên quan tới tài sản đảm bảo; tới các hợp đồng vay tín dụng mà phía tổ chức tín dụng đánh giá là khả thi hay không; hoặc liên quan đến các khoản nợ, lịch sử tín dụng của doanh nghiệp...
Thứ tư, nhu cầu vốn tín dụng hiện nay cơ bản là của DNNVV, trong khi thực tế chỉ chưa tới 50% các doanh nghiệp này trong suốt hàng chục năm vừa qua có thể tiếp cận tín dụng chính thức một cách dễ dàng.
>>Chờ đợi tín hiệu tăng trưởng tín dụng trở lại
Nếu tình trạng như nêu trên vẫn tiếp diễn, phía ngân hàng sẽ đối mặt với rất nhiều vấn đề, khi nguồn vốn họ huy động vào lên tới hàng chục triệu tỷ đồng sẽ không thể giải ngân được. Trong thời gian qua, có những thời điểm ngân hàng đã phải huy động tiền gửi với lãi suất cao lên tới 10-12%, nếu nguồn vốn đó không cho vay được thì phía ngân hàng sẽ phải chịu lỗ.
Cùng với đó, 50% thu nhập của các ngân hàng vẫn dựa vào tín dụng, việc không thể giải ngân vốn vay sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đồng thời tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng cũng tăng lên. Vô hình chung cả chi phí trực tiếp, gián tiếp để xử lý nợ xấu như trích lập dự phòng rủi ro, hay hàng loạt các biện pháp khác sẽ làm cho các ngân hàng rơi vào vòng xoáy là muốn tăng tín dụng mà không tăng được, dẫn tới rủi ro cho hoạt động ngân hàng.
Tôi cho rằng, mặc dù mức lãi suất cho vay trên thị trường hiện nay đã tương đối hợp lý, nhưng quan trọng nhất là từ nay đến cuối 2023, làm sao phải tăng khả năng hấp thụ nguồn vốn cho doanh nghiệp. Trong đó có rất nhiều việc phải làm, đầu tiên là các doanh nghiệp, khách hàng phải phục hồi được hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi được khả năng tiêu thụ.
Hai là xem xét các khoản nợ đến hạn nhưng chưa được thanh toán do những khó khăn của các doanh nghiệp, giảm bớt các điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vay, đặc biệt với các DNNVV. Khi đó không chỉ giải quyết bài toán về việc thừa - thiếu tiền trên thị trường, mà còn tái cơ cấu lại nguồn vốn tín dụng theo hướng lành mạnh, bền vững, đáp ứng đúng nhu cầu doanh nghiệp.
Về giải pháp cho các ngân hàng, cần rà soát lại các danh mục khách hàng kể cả khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng, từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng mà họ đánh giá là đáp ứng đủ các điều kiện, tuy nhiên vì vướng mắc một số quy trình, thủ tục để có thể giải ngân khoản vay.
Tiếp đó là xử lý các vấn đề liên quan đến lịch sử tín dụng mà các ngân hàng có thể xử lý dựa trên cơ sở pháp luật.
Đáng chú ý, chính sách vĩ mô của Việt Nam cần kích thích phục hồi cho các doanh nghiệp, có chính sách đồng bộ giúp các DNNVV có thêm điều kiện tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn tín dụng.
Có thể bạn quan tâm
Chưa khai thác hết tiềm năng của tín dụng xanh ở Việt Nam
17:54, 08/10/2023
Động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng 3 tháng cuối năm
11:15, 08/10/2023
Chờ đợi tín hiệu tăng trưởng tín dụng trở lại
05:05, 06/10/2023
Tecombank dẫn đầu về vị thế vốn, xếp hạng tín dụng
09:41, 03/10/2023